Một người mẹ chia sẻ con chị đi học mầm non thỉnh thoảng lại bị đổi sang lớp khác. Khi biết nguyên nhân, chị rất lo vì sợ con mặc cảm, tủi thân.

Mới đây, một người mẹ chia sẻ con đi học mầm non thỉnh thoảng lại bị đổi sang lớp khác

Câu chuyện cụ thể như sau: Con chị học lớp lá. Vì là con trai nên con hơi nghịch nhưng như lời cô giáo thì con thông minh, nhanh nhạy, hiểu bài rất nhanh. Thỉnh thoảng về nhà chị nghe con kể con phải sang lớp khác học vì cô có tiết dự giờ. Chị rất buồn vì con bị phân biệt đối xử và lo con sẽ vì đó mà cảm thấy tủi thân.

Chị tự hỏi chỉ vì thành tích mà cô phân biệt đối xử với trẻ như vậy có nên không. Ở tuổi đã biết nhận thức, nếu người lớn không có cách giải thích, trẻ rất dễ mặc cảm, cho rằng vì mình không tốt nên cô mới không cho ở lại lớp. Có thể trẻ chưa hiểu dự giờ là gì. Song trước dự giờ một ngày, cô thường cùng trò sắp xếp lớp ngăn nắp, trang trí lớp cho đẹp hơn. Điều này vô tình làm trẻ nghĩ rằng hôm sau là ngày rất quan trọng. Vậy mà cuối cùng cô lại gởi con sang lớp khác vào ngày “quan trọng’ đó trong khi bạn bè ai cũng được ở lại.

hình ảnhẢnh minh họa - Nguồn ảnh: sohu

Trẻ cũng rất hay “nghĩ ngợi”. Đôi khi những ký ức li ti như thế này lại gây tổn thương trong lòng con, làm thời mẫu giáo của con không được trọn vẹn.

Dẫu biết dự giờ đối với cô là vô cùng quan trọng vì nhằm đánh giá năng lực của giáo viên. Từ đánh giá này sẽ liên quan đến nhiều lợi ích về mặt vật chất lẫn tinh thần. Vậy nên, cô luôn cố gắng để mọi thứ hoàn hảo nhất có thể. Nếu học sinh quá nghịch ngợm cô có thể cháy giáo án. Phải chăng đó là lý do con phụ huynh trên thỉnh thoảng lại bị đổi sang lớp khác?

Câu chuyện con đi học mầm non thỉnh thoảng lại bị đổi sang lớp khác nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi. Nhiều cha mẹ tỏ ra bất bình:

- Giáo viên ngày nay chỉ chạy theo thành tích, mặc trò ra sao thì ra.

- Nếu là giáo viên dạy giỏi thì dù có dự giờ hay không cô vẫn dạy giỏi, luôn có cách ứng phó linh hoạt để học sinh nghe lời.

- Chắc ngày thường phải đe nẹt trẻ mới nghe, dự giờ luôn phải tỏ ra nhẹ nhàng, sợ trẻ không nghe nên mới cho trẻ qua lớp khác chứ gì.

- Như con mình là mình làm cho ra lẽ chứ để sự việc lặp đi lặp lại sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của con.

Nhưng cũng có một số phụ huynh bình tĩnh hơn, bày tỏ sự thông cảm với cô giáo, an ủi và đưa ra giải pháp cho người mẹ.

- Mẹ cũng thông cảm, nhiều khi giáo viên dự giờ đông, phải nhường ghế cho họ nên cô phải gởi bớt một số bé sang lớp khác.

- Mẹ có thể hỏi khéo cô trường hợp của bé để từ đó biết cách động viên chia sẻ với con.

- Trẻ con rất khó kiểm soát, nhiều bé năng động quá mức thường hay bày trò, rất dễ làm cô “vỡ trận” mom à.

- Mẹ đừng đặt nặng vấn đề quá. Mẹ có thể hỏi con sang học lớp khác có vui không, con làm quen được bao nhiêu bạn mới, cô giáo dạy con bài hát gì… Khi mẹ lái con sang những suy nghĩ tích cực thì tự khắc trẻ sẽ không còn cảm thấy buồn hay tủi thân nữa.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: new.qq

Nói chung khi trẻ đi học, phụ huynh nên tạo mối liên hệ mật thiết với giáo viên để cùng nhau phối hợp dạy trẻ tốt hơn. Sẽ có vài điều phụ huynh không hài lòng hay lo ngại ảnh hưởng đến trẻ. Cách tốt nhất là cùng trao đổi với cô giáo để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất.