Cô là một vị Giáo sư của một trường Đại học nọ, đồng thời cũng là người hướng dẫn nghiên cứu sinh. Chồng của cô trải qua thời gian bôn ba buôn bán, kinh doanh đã trở thành Tổng giám đốc của một tập đoàn kinh doanh quy mô lớn. Cả hai vợ chồng sinh sống trong một khu biệt thự sang trọng cùng người mẹ già 90 tuổi.



Những người đồng nghiệp, bạn bè, học sinh của cô nhiều lần đến chơi và họ phát hiện một điều kỳ lạ: hai vợ chồng cô giàu có như thế nhưng lại để cho một bà mẹ 90 tuổi ngày ngày đi nhặt ve chai đi bán kiếm tiền mua kẹo cho cháu ngoại và còn mua rau cho cả nhà.



Mọi người ai nấy đều lời ra tiếng vào, họ không ngờ rằng một người học thức uyên bác, ở trường được nhiều học sinh quý mến như cô lại đối xử với mẹ mình như vậy.



“Giàu có thế mà lại để mẹ đi nhặt ve chai ư? Thật không ngờ...”



“Con cái gì mà bất hiếu vậy, mẹ đã già đến ngần ấy tuổi rồi mà lại đối xử tệ bạc với mẹ quá!…“



Tiếng tăm đồn thổi cô là đồ bất hiếu nhưng khi nghe được, cô vẫn mỉm cười và không hề có bất cứ lời giải thích nào.



Trong mắt mọi người, cô vẫn là người con tệ bạc như thế, cho đến một ngày…



Hôm đó, một cô sinh viên đến nhà để nhờ cô hướng dẫn đề tài luận văn. Khi đến nơi, gia đình cô đang ăn cơm nên, cô nói vọng ra:



“Thanh à, đợi cô chút nhé!”.



Thanh ngồi đợi ở phòng khách, trong lúc đợi, cô bé vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa cô giáo và chồng.



“Mình này, hay mình đừng để mẹ đi nhặt ve chai nữa đi. Bây giờ, ai ai cũng nói mình là đứa con bất hiếu, sống giàu sang mà lại đối xử với mẹ như vậy đấy. Chẳng lẽ, mình định để bản thân mang tiếng xấu cả đời vậy sao ?”.



Cô mỉm cười rồi nhẹ nhàng nói:



“Không sao mình ạ, em mang tiếng xấu cũng được, chỉ cần mẹ vui là em mãn nguyện lắm rồi. Khi còn trẻ, mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ, việc gì cũng làm được, mọi việc trong nhà đều do một mình mẹ quán xuyến. Giờ tuổi tác ngày càng cao, khả năng lao động ngày một kém đi, mẹ luôn cảm thấy vô dụng, cũng không được mọi người chú ý đến như trước nên mẹ thường xuyên buồn rầu, thất vọng.



Em đồng ý để mẹ làm vậy là vì mẹ thấy vui khi tìm lại được cảm giác mình vẫn còn tồn tại, mình vẫn còn khỏe mạnh. Mẹ muốn làm việc gì đó để chứng minh cho mọi người thấy về năng lực của mình. Mình cũng biết người già luôn muốn động tay động chân chứ không thích ngồi một chỗ, mẹ đã quen với cuộc sống tiết kiệm nên giờ bắt mẹ ngồi suốt ngày ở nhà mẹ cũng không chịu”.



Chồng cô lại hỏi:



“Nhưng mình có biết ngoài kia đang đồn đại mình thế nào không? Họ nói đã để mẹ đi nhặt ve chai rồi còn để bà dùng số tiền ít ỏi đó để mua rau cho gia đình”.



“Họ nói cứ việc họ nói. Mình không thấy mỗi lần đi nhặt ve chai về, trên tay cầm mớ rau về mẹ đều rất vui đó hả. Đó là vì mẹ thấy mình vẫn còn có thể chăm lo cho con cái. Con cái dù lớn đến đâu, đối với cha mẹ vẫn luôn là một đứa trẻ con. Nếu chúng ta chăm lo hết cho mẹ thì bà sẽ rất buồn vì chúng ta không cần đến mẹ nữa. Số tiền bán ve chai tuy ít, chỉ đủ mua một mớ rau nhưng cũng đủ để mẹ tự hào rằng mình vẫn là người có ích”.



Cuộc trò chuyện đã khiến Thanh vỡ lẽ ra nhiều điều. Hóa ra, cô giáo không tệ bạc như mọi người nghĩ. Cô luôn nghĩ đến mẹ, dù cho mình có bị tiếng xấu nhưng chỉ cần mẹ vui là cô hạnh phúc lắm rồi. Tấm lòng của cô đối với mẹ khiến Thanh cảm phục.



Đối với cha mẹ, con cái dù đã có gia đình riêng nhưng vẫn là đứa con bé bỏng trong mắt họ. Vì thế, hãy luôn cho cha mẹ cảm giác mình vẫn cần được che chở, vẫn muốn được họ chăm lo để họ nụ cười hạnh phúc vẫn luôn nở trên môi của họ!.



Thu Hương (MTG)


http://img3.blogtamsu.vn/2015/12/nhat-ve-chai-blogtamsu.jpg