Khi tôi viết lại câu chuyện này thì mọi chuyện thật sự đã đến hồi kết. Cũng là lúc những năm tháng xuân xanh của tôi đã vội vã tạm biệt. Tôi nghĩ rốt cuộc ngoài tôi ra còn bao nhiêu người phải chịu cảnh như tôi, sống cuộc đời làm dâu tủi nhục, năm này tháng khác giam mình như một người ở trong nhà chồng.



Đến bây giờ, tôi thầm cảm ơn sự đối xử của nhà chồng, để tôi có thể thoát ra khỏi cuộc sống địa ngục, tối tăm đó. Dù tương lai mù mịt chưa biết sẽ đi đâu về đâu, nhưng cuối cùng tôi cũng đã có được những ngày tháng thực sự làm con người.



Ngày tôi 21, tôi đã tình cờ gặp anh khi đến thành phố này học tập và làm việc. Khi đó, tôi là con bé sinh viên năm thứ 3, còn anh đã đi làm, chững chạc, đường hoàng. Anh theo đuổi, tán tỉnh những lời co cánh và tỏ tình. Tôi khi đó vẫn là một cô gái quê mùa, nghe những lời anh khen ngợi, lòng tôi cũng rung động lắm.



Chúng tôi đã trải qua những ngày tháng hẹn hò hạnh phúc, anh bắt tôi về nhà ra mắt. Lần đầu tiên, tôi nhận ra những cái nhíu mày từ nhà chồng khi họ biết, gia đình tôi theo Đạo Thiên Chúa.



Cũng từ ngày đó, tôi mới phát hiện, anh là chàng công tử con nhà giàu. Mặc những thái độ khó chịu từ mẹ anh, hai cô em gái anh, chúng tôi vẫn đến với nhau. Rồi thỉnh thoảng anh dẫn tôi về nhà chơi, tôi cũng nhiệt tình làm mấy việc nhà và lễ phép với mọi người trên dưới.



Bên cạnh những ánh mắt liếc xéo, những lời nói mỉa mai của mẹ và em chồng, bố chồng tôi khi đó tỏ ra rất thương tôi. Thế nhưng, cũng từ đó những rắc rối đến với tôi sau này. Mẹ chồng và các cô em chồng tỏ ra không thích tôi vì những ân cần bố dành cho tôi.



Khi tôi chùn xuống và có ý định buông xuôi thì gia đình hai bên qua lại và quyết định ngày cưới. Phần vì nghĩ đến gia đình mình nên tôi cũng xuôi tay, dẫu sao tôi cũng yêu chồng tôi thật lòng.



Đám cưới diễn ra, hàng nghìn khách khứa của n hà anh đến dự. Ngay trong ngày cưới, tôi đã cảm nhận mình, gia đình mình thật lạc lỏng và khác hẳn với gia đình anh. Khi họ nhà gái lên xe về quê, tôi khóc gần như ngất xỉu.



Tối hôm đó, tôi về đến nhà chồng, cảnh tượng trước mắt là mâm cỗ dang dở, chén bát ngập tràn, nhà cửa lộn xộn… Tôi chẳng kịp tháo gỡ búi tóc và lớp son phấn trên mặt mà lao luôn vào “trận chiến” một mình. Mệt đến nỗi, sáng hôm sau, khi lết xuông tầng 1 để pha trà, tôi đã ngất xỉu luôn xuống bếp.



Thế nhưng, khi tỉnh dậy, tôi vẫn phải bắt tay ngay vào việc nhà mà không được một lời hỏi thăm của mẹ chồng. Những ngày đầu làm dâu, mẹ chồng tôi luôn bóng gió việc tôi nên liệt kê số của hồi môn vàng bạc hai bên đã cho. Thật tình thì tôi không hề có suy nghĩ sẽ gói gém làm của riêng cho bản thân mình. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi quá dại dột khi mang hết vàng đưa cho mẹ chồng giữ.



Một tháng sau, mẹ chồng thông bao muốn mượn số vàng đó để hùn vào làm kinh doanh. Hàng tháng bà sẽ đưa phần lời cho tôi. Thế nhưng, 4 năm trôi qua, tôi chưa nhận được một đồng nào từ tay bà. Khi tôi đem thắc mắc này hỏi chồng, cái tôi nhận lại chỉ là những lời nạt nộ của chồng.



Về thời gian làm dâu, tôi sướng khổ thế nào ai cũng rõ khi mà 1 năm đầu sụt đến 9 cân. Từ lúc mở mắt đến khi tắt đèn, tôi làm không khác gì một osin cả. Osin còn có lương chứ tôi thì làm không công.



Ký ức của tôi có lẽ là những lần bô chồng dúi tay tôi ít tiền bảo tôi lấy mà tiêu. Sau này khi những cuộc chiến tranh ngầm diễn ra, tôi tự co mình vào vỏ bọc. Tôi thôi không còn muốn nhận lấy những khoản tiền từ bố nữa. Tôi sợ sự thương hại và ghen tức vô lý của những người đàn bà ghê gớm trong căn nhà này.



Bất hạnh tiếp tục ập xuống khi sau 4 năm kết hôn, tôi vẫn không có con. Cái mà tôi nhận được là những lời nói móc méo cay độc từ miệng của mọi người. Mẹ chồng, các em chồng vẫn không ngớt những lời độc ác “rước phải của nợ không biết đẻ”, “vô dụng đến việc đẻ cũng không biết”.



Có những hôm, cô hàng xóm chứng kiến cuộc sống địa ngục của tôi trong nhà chồng, cô đã ôm lấy tôi vỗ về. Tôi cứ ngỡ như được mẹ ôm như còn thơ bé, cứ thế tuôn rơi nước mắt mặc những ánh mắt xung quanh.



Có lần khi tôi ôm đống hàng hóa ra cửa hàng, tình cờ tôi nghe thấy mẹ chồng đang đứng nói chuyện với ai đó. “Để chờ xem nó có đẻ được không đã rồi mới nhập khẩu chứ. Đâu có dễ dàng gì”. Tôi chết điếng.



Nhưng rồi suy cho cùng, họ có cho tôi nhập khẩu vào thì cũng có xem tôi như một người nhà đâu. Tôi cũng chẳng mong mình làm người thành phố. Nhập khẩu vào nhà chồng chỉ càng thêm ràng buộc khó khăn sau này.



Bố mẹ tôi hay tin tôi ở thành phố cuộc sống tủi nhục cũng buồn lắm. Nhưng duyện nợ của tôi, con gái cũng đã gả rồi, ông bà cũng ngại can thiệp.



Bây giờ, đến con người mà tôi tin tưởng giao phó cuộc đời mình cách đây 4 năm cũng quay lưng lại với tôi. Sau những lời nói bơm mớm của mẹ chồng và các em chồng, giờ anh chẳng xem tôi là vợ, chẳng còn là người ngày xưa hằng theo đuổi tôi tán tỉnh nữa.



Sau những năm tháng lấy chồng thành phố giàu sang, nhà lầu, xe hơi, tôi không có gì trong tay ngoài những giọt nước mắt mặn chát và nỗi sợ hãi. Chồng tôi đã qua lại với một người đàn bà khác. Mẹ chồng, em chồng chính là những kẻ mai mối cô ta cho chồng tôi với mục đích, khi cô ta có con thì tôi sẽ chính thức bị đuổi ra khỏi nhà.



Bố chồng dù thương con dâu nhưng trước áp lực dòng dõi gia tiên cũng im lặng theo ý họ. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần ra tòa để ly hôn nhưng cảm xúc vẫn lẫn lộn. Lấy chồng sau 4 năm, hi sinh tuổi thanh xuân, cống hiến sức lực phục dịch cả nhà họ nhưng bây giờ nếu ra đi, tôi chỉ còn tay trắng.



Xin hãy cho tôi vài lời tư vấn để tôi có thể tự tin bước tiếp trong cuộc đời mình. Tôi sẽ ra sao khi tương lai mù mịt, không công việc, không còn người chồng tay ấp gối kề, không một ai thân thích ở thành phố này.



Theo Người đưa tin



http://www.webtretho.com/forum/f186/5-do-c-anh-di-dau-2185013/


http://www.webtretho.com/forum/f186/vo-sap-cuoi-khong-muon-me-toi-xuat-hien-trong-dam-cuoi-2184774/


http://www.webtretho.com/forum/f186/tien-day-du-cho-ca-nha-co-tieu-tet-ca-thang-2185470/


http://www.webtretho.com/forum/f186/hoa-thien-nga-sau-mot-nam-sinh-con-chong-gio-chi-so-toi-bi-ai-cuop-mat-2185687/


http://www.webtretho.com/forum/f186/mon-qua-cuoi-cua-me-ke-2185143/



http://img1.blogtamsu.vn/2016/01/dem-tan-hon-blogtamsuvn-4.jpg