Hôm nay, vợ chồng tôi đã có một cuộc nói chuyện thẳng thắn để kết thúc cuộc hôn nhân này. Không còn lớn tiếng, tranh cãi, giận hờn, chỉ còn là sự bình thản đến lạnh lùng. Dường như cả hai chúng tôi cùng hiểu rằng không còn gì để cứu vãn mối dây tình cảm này nữa. Khi đã không còn tình yêu, chữ nghĩa cũng khó giữ được.


Anh bảo: "Thế cu Bin em tính sao?".



Sau khi suy nghĩ, tôi đáp lời anh: "Anh nuôi con, em sẽ chu cấp và thăm nom con thường xuyên". Sững sờ mất một giây rồi anh cười ha ha bảo:



"Em quả là người máu lạnh, không một người phụ nữ Việt Nam nào lại đang tâm bỏ con mình như em, hèn gì bao nhiêu lần anh dùng con để níu giữ em cũng không được".



Lòng tôi quặn lên một tia chua xót.



Tôi không thương con ư? Tôi máu lạnh ư? Vậy ai là người vừa sinh xong đã chong chong ngồi suốt đêm để đút cho con ăn vì sợ người giúp việc không chăm thằng bé tận tâm, vất vả đến nỗi tôi bị đau lưng thường xuyên vì không được nghỉ ngơi đầy đủ sau khi sinh. Thằng bé bị trào ngược, thương con, tôi bỏ việc ở nhà chăm đến khi thằng bé ba tuổi mới dám gửi con đi nhà trẻ để đi làm. Mỗi ngày thằng nhỏ ăn rồi ói cả chục lần cũng là ngần ấy lần tôi cặm cụi thay rửa cho con rồi cho nó ăn lại.



Có lần trong đêm cu Bin ói ra tận mật xanh mật vàng, chồng đi công tác, quá hoảng loạn tôi chạy sấp ngửa ôm con ra đường bắt xe vào viện cấp cứu, lúc ấy, trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ, nếu con có bề gì, tôi sẽ đâm đầu vào xe cùng con.



Ấy vậy mà người đàn ông này, người từng chứng kiến hết những cảnh vất vả đó của tôi lại đang tâm bảo rằng tôi không thương con. Uất ức tôi gần như gào lên: "Anh nói vậy hả. Anh là ai? Suốt năm năm qua, anh có nhìn thấy tôi đối với con thế nào không mà nói như vậy???".



Có lẽ thấy mình quá lời, anh ngồi lẳng lặng nhìn tôi. Giữ bình tĩnh một lúc, tôi bảo: "Về điều kiện kinh tế để cho con cuộc sống tốt nhất, tôi không bằng anh. Anh có thể cho con học ở những nơi tốt nhất, chứ với đồng lương còm cõi của một nhân viên văn phòng như tôi, sinh hoạt hằng ngày còn chật vật huống gì? Ngoài ra, anh còn có thể nhờ ông bà nội chăm con chứ tôi một thân một mình ở thành phố này, ai giúp? Anh cũng có nhà cao cửa rộng, tài sản anh cố mua trước khi kết hôn để không phải trở thành tài sản chung. Tôi sau cuộc hôn nhân này là tay trắng, lại quay trở về với căn phòng trọ 16 mét vuông. Một thân chui ra chui vào còn chật chội nữa là thêm con".



Tôi cũng còn một lý do nữa mà không dám lên tiếng với anh đó là dù có nuôi con nhưng anh vẫn có thể có cơ hội làm lại cuộc đời chứ với tôi cơ hội đó sẽ là con số không tròn trĩnh. Mà tôi dù có bị tình yêu của anh làm tổn thương bao nhiêu lần đi chăng nữa. thì tôi vẫn tin ở đâu đó trong thế giới này vẫn có một người đàn ông đang chờ mình.



Sau khi nghe hết lý lẽ của tôi, anh chỉ phán một câu xanh rờn: "Em có hai lựa chọn, một là nuôi con, anh chu cấp thăm nom đầy đủ. Hai là anh nuôi con nhưng không cần ba đồng của em chu cấp, vì anh không thiếu nhưng em với con cắt đứt, xem như nó không có người mẹ này". Lời tuyên bố của anh khiến tôi như bị ai đó đánh mạnh vào gáy mình, choáng váng.



Tôi nhớ lại đâu đó người ta bảo rằng, bộ mặt thật của người đàn ông không phải thể hiện ở lúc anh ấy yêu bạn mà ở lúc anh ấy ly hôn với bạn. Câu nói này quả đúng với hoàn cảnh của tôi.



Chúng tôi sẽ ra toà và cuộc chiến pháp lý về việc phân chia quyền nuôi con sẽ còn dài nếu không đạt được những thoả thuận riêng.



Chặnh đường chông gai chỉ mới bắt đầu từ tro tàn của một cuộc hôn nhân.



Bích Sơn, TP. HCM