Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Trần Thùy Mai, “Trăng nơi đáy giếng” được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn kể lại thông qua những thước phim điện ảnh vô cùng tinh tế và sâu sắc. Hạnh yêu thương chồng mình (Phương – Hiệu trưởng một trường THPT), hết mực “nâng khăn sửa túi”. Đối với cô, hạnh phúc là dậy từ khi trời còn chưa sáng tỏ, pha ấm trà sen từ lá trà được ướp trong nụ sen từ đêm trước với nước sương ban mai, rồi chuẩn bị nước rửa mặt, quét dọn nhà cửa, cắp nón đi mua đồ ăn sáng đầu ngõ, lúc về lấy nón che tô bún cho chồng, trời mưa quên cả che đầu. Đến cả chuyện “chăn gối” Hạnh cũng nghĩ cho chồng. Sợ mình phải dậy sớm lo việc nhà mà chồng thì làm việc vất vả nên Hạnh ngủ phòng bên để chồng được say giấc nồng. Chỉ khi chồng cho phép thì mới dám vào “ngủ” cùng. Những tưởng người phụ nữ “công, dung, ngôn, hạnh” ấy sẽ được hạnh phúc, không ngờ, Hạnh lại không có được diễm phúc để làm mẹ. Vì lẽ đó, cô đã đi tìm “vợ bé” cho chồng- Thắm, và có đứa con riêng. Chuyện vỡ lở, Phương bị trường kỷ luật và chiếc ghế Hiệu trưởng có phần lung lay. Để giúp chồng, Hạnh đã làm đơn ly hôn, rồi lại đăng ký kết hôn cho chồng với Thắm để giữ vững sự nghiệp cho chồng. Cũng vì không hợp pháp nên Phương rời Hạnh, về sống với Thắm rồi cùng nhau mở quán nước. Lần nào đến thăm Hạnh cũng thấy Phương phải tự giặt giũ, lo việc nhà, còn Thắm thì chỉ ngồi bán quán kiếm được nhiều tiền hơn cả chồng. Hạnh lại từ tốn khuyên dạy em vợ bé cách chăm sóc anh chồng như thế nào mới đúng. Sốc lại thêm sốc, khi cô vợ nhỏ nói với Hạnh là ông chồng “khỏe lắm”, mỗi ngày phải “quần” cô mấy lần nên cô chẳng còn sức mà làm gì nữa. Xưa ở với Hạnh, Phương được cung phụng như Ông Hoàng cao quý, nay ở với Thắm như một người hoàn toàn khác vậy.

Điều này khiến Hạnh suy sụp hoàn toàn. Cao trào của san chấn tâm lý này là Hạnh đã tìm đến bà Đồng để kết duyên với một người chồng “cõi âm”- là ông Tướng ngày xưa vì nước hy sinh. Cưới chồng được tặng kèm thêm hai người con trai của Ông nữa cho vui cửa vui nhà. Và cuộc sống của Hạnh về sau vẫn là những công việc của người vợ đảm đang chăm sóc chồng con “ảo” chu đáo mỗi ngày.

hình ảnh
Ngày ấy, ngày của tuổi thanh xuân, mình coi mà chẳng thể hiểu nổi nội dung phim. Cũng như mình nghĩ một người vợ như Hạnh chắc chỉ còn trong viện Bảo tàng. Và với cuộc hôn nhân với người chồng ảo của Hạnh, mình đã phán cô ấy chắc sốc quá hóa điên rồi. Chẳng cảm được điều gì sâu xa cả ngoài cái chậc lưỡi: phim điện ảnh tham dự Liên quan phim thì luôn bi hóa kịch và khó hiểu vậy thôi.

Sau hơn chục năm, vật vã trong chính chuyện hôn nhân của mình, mỗi đêm cô độc nhìn ánh trăng qua khung cửa sổ thì chợt nhớ đến người vợ Hạnh trong phim “Trăng nơi đáy giếng” ấy. Chà, hóa ra mình cũng mắc sai lầm như Hạnh và cũng “hóa điên” như cô ấy.

Tuy mình không tỉ mỉ đảm đang như Hạnh nhưng mình cũng đã “đội chồng” như vậy. Rồi một ngày nọ phát hiện ra chồng có người yêu, nghe những lời tường thuật của chồng về những điều mình đã thế này thế nọ trong suốt chục năm hôn nhân thì mình mới biết rằng trong trí nhớ của anh chỉ có thiếu sót của mình là còn đọng lại rất sâu đậm thôi. Mình đã mỉm cười mỉa mai chính mình. Với cuộc sống mới của anh, anh không ngần ngại chia sẽ những hình ảnh anh vào bếp, anh phơi đồ v.v Thì mình hiểu được cảm xúc của Hạnh lúc cô thấy chồng mình đang ngồi giặt đồ rồi. À, hóa ra những ông chồng biết làm những việc đó mà chỉ là họ có muốn làm hay không và các cô vợ có đủ "thông minh" để họ làm hay không thôi. Mình lại cười sự ngây ngô của chính mình. Và diễn biến tâm lý của mình sau đó cũng gần như Hạnh. Mình tìm đến tâm linh, xem bói chỉ để tìm kiếm và cầu xin cho Ơn Trên kết duyên cho mình với một người đàn ông khác nhanh nhất có thể. Đúng là, để quên một người chỉ có cách tìm đến một người khác thì phải. Thì ra, Hạnh không hề “hóa điên” nhưng cũng không thể chấp nhận được sự thật nghiệp ngã như vậy. Hóa ra, cuộc sống của Hạnh và người chồng cũ điều là ảo. Hạnh sống trong chính ảo ảnh của chính mình vẽ ra một người chồng hoàn hảo cao quý không chút tục trần và về hạnh phúc gia đình mà cô dày công xây dựng. Vậy nếu cô đã sống nửa đời trong ảo mộng thì kết hôn với người chồng Tướng Quân cùng hai con trai “cõi âm” cũng không thể nói đó là không thực được. Chính họ là phương thuốc là chỗ dựa tinh thần, là sự lắp đầy cho một gia đình trọn vẹn và là mục đích sống cuối cùng để Hạnh bám víu. Hóa ra, cuộc đời và số phận của Hạnh trước giờ là nơi đáy giếng tối tăm sâu thẳm và ba pho tượng đó chính là ánh trăng nơi đáy giếng dành riêng cho cô. Thì ra, vẫn còn rất nhiều người vợ như Hạnh vậy. Thật buồn!