Hai ngày qua tôi đã nghĩ thật nhiều. Dù lường trước là khó tránh khỏi kết quả như hiện nay nhưng sao tôi vẫn thật bối rối. Đơn giản, vì tự sâu thẳm tôi nhận thấy mình vẫn không ghét bỏ anh. Tôi còn thương anh. Nhưng với một người chồng như thế này tôi có nên bỏ?


1. Bất hiếu: Chồng tôi 31 tuổi. Được bố mẹ nuôi ăn học đến nơi đến chốn, có bằng cử nhân kinh tế. Nhưng từ ngày ra trường đã gần chục năm mà chưa báo đáp bố mẹ. Vẫn là một đứa con ăn bám. Hàng ngày ngủ đến giờ cơm trưa mới dậy. Chiều chơi. Đêm ôm máy tính. Để người bố đã hết tuổi nghỉ hưu ngày nắng, đêm mưa còm cõm đi làm bảo vệ kiếm 1.5tr đồng mỗi tháng về nuôi gia đình. Để người mẹ tóc đã bạc trắng chưa được một ngày nghỉ ngơi, lúc nào cũng lo toan tính toán, kéo co sao cho sống đủ cả nhà. Anh không biết thương bố mẹ.


2. Bất nghĩa: Tôi lấy chồng 5 năm. 4 năm lo cho anh từ cái quần lót đến cốc cà phê, không để anh thiếu, không để anh thua thiệt bạn bè, hy sinh tất cả vì anh. Trong suốt những năm tháng qua, lúc cương, lúc nhu, lúc tỉ tê, khi cáu gắt, tôi luôn cố gắng động viên chồng, khơi dậy lòng tự trọng của một thằng đàn ông trong anh, giúp anh nhận rõ trách nhiệm gia đình. Nhưng anh vẫn không thay đổi.


Rồi đến năm thứ 5, khi đã có một đứa con, tôi không còn chu cấp cho anh nữa. Quần lót anh nhão tôi cũng không mua. Tôi quyết định chấm dứt việc đóng tiền cơm cho gia đình dù tôi vẫn đủ khả năng, và nói rằng toàn bộ tiền lương của tôi từ giờ sẽ dành tập trung cho đứa nhỏ. Mục đích của tôi để anh thấy thương bố mẹ mòn vai mà có ý thức chung tay gánh vác, thương người vợ vất vả một mình lo cho con mà biết chia sẻ. Và ngày qua ngày, tháng qua tháng, tôi lại chờ đợi anh thay đổi với một tình yêu chân thành, lòng thương vô bờ bến, và niềm hy vọng xanh xao. Nhưng vẫn anh không thay đổi. Anh phụ lòng tôi.


3. Bất tình: Con tôi sốt trên 40 độ. Sự việc xảy ra đột xuất, lại đúng lúc tôi hết tiền. Vừa hay hôm đó em trai tôi gửi chồng tôi ít tiền (vì chồng tôi giúp em trai tôi làm một số việc trong thời gian ngắn, cậu trả thù lao). Tôi nói với chồng: “Con sốt cao quá, cần đi bệnh viện. Anh đưa em ít tiền cho con đi viện”. Anh nói rằng: “Không được. Tiền này để đóng tiền cơm cho bà”. Giữa lúc đó, tôi đã muốn gào lên: “Lỡ con sốt cao xảy ra việc gì, anh có nuốt nổi miếng cơm ko?”. Nhưng vì con là trên hết, lại hiểu tính chồng, tôi bảo: “Anh cho em vay. Mấy hôm nữa có lương em trả”. Anh lưỡng lự vì sợ tôi sau này sẽ lấy lý do tiền đó lo cho con mà không trả. Tôi phải hứa, cam kết mấy lần thì anh đồng ý. Con tôi được đưa đi viện sau khi mẹ nó đã phải năn nỉ vay tiền chồng.


Có một chuyện mà tôi cứ khóc tủi thân cho con. Lúc đó tôi đang ở cữ. Anh có một việc làm thêm mùa vụ là sơn nhà cho hàng xóm. Số tiền ít ỏi anh kiếm được ngay khi vừa có đứa con bé bỏng chào đời đó là đi mua cho mình 2 chiếc quần bò.Tôi thấy thường các ông bố sẽ thật hạnh phúc và hãnh diện khi đón đứa con nhỏ đầu tiên chào đời bằng cách mua cho con hộp sữa hay một món quà nho nhỏ. Trong đầu họ luôn nghĩ đến con đầu tiên và dành mọi thứ cho con. Tôi biết anh rất yêu con, nhưng anh không nghĩ giống những ông bố khác. Người đầu tiên anh nghĩ đến là bản thân mình. Đến giờ, con tôi đã 15 tháng nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ một món quà, dù là nhỏ nhất từ bố nó. Mặc dù bố nó vẫn thường mỗi bữa phải có 1 chai bia.


4. Bất tài: Chồng tôi. Cao 1m70. Điển trai. Lành lặn. Có bằng cấp. Nhưng 5 năm rồi nằm nhà. Không chịu đi xin việc. Hoặc có làm ở đâu thì cũng chỉ được dăm ba bữa rồi lại kêu chán. Lại nghỉ. Lại về nằm nhà. Hoặc ôm TV. Hoặc ôm máy tính. Hoặc nghiên cứu điện thoại.


Tôi sinh con. Một mình lo toan tài chính mà không có mảy may sự giúp đỡ của chồng cũng như từ phía gia đình chồng. Thứ duy nhất mẹ chồng tôi mang đến cho tôi trong những ngày nằm viện là mấy quả na và hồng xiêm. Chồng mang vào cho tôi mấy tấm bỉm và một chai nước rồi bảo tôi trả tiền bởi anh ấy không có đồng nào (!).


Nhìn ra xã hội, thấy nhiều người có hoàn cảnh thiệt thòi, khuyết tật, thiếu đi đôi chân, mất đi đôi tay, hay vĩnh viễn phải sống trong cảnh mù loà nhưng sao họ vẫn làm việc được, vẫn tự nuôi được bản thân và có đóng góp với xã hội. Nhưng chồng tôi tạo sao lại thế?


5. Đua đòi: Chồng tôi. Không một xu dính túi. Nhưng không ngại vay tiền nói để đầu tư làm ăn, trên thực tế lại đem số tiền đó đi mua nào là laptop, nào là di động đời mới, sành điệu phục vụ cho cuộc sống tiện nghi của mình... Ai nhìn vào cũng tưởng anh là dân chơi sành điệu, kiếm tiền giỏi. Vừa được nhận vào làm tiếp thị lương tháng 1,2tr nhưng về đã đòi mua ngay laptop nói là “công việc cần phải thế”. Ngày ngày anh vác cái cặp đi trông oách lắm. Áo quần bảnh bao. Nhưng có ai biết đâu?


6. Hèn: Tối kia nhà có khách. Tôi tưởng bạn của chồng đến bàn chuyện làm ăn. Lòng khấp khởi mừng thầm. Nhưng hoá ra anh bán laptop. Anh vẫn có thói quen bán di động, máy tính… mỗi khi hết tiền và không bao giờ nói với vợ. Mọi khi tôi giữ im lặng cho qua, kể cả lần anh bán mấy chỉ vàng tôi mua cho anh đeo phòng thân mà anh không hề nói với vợ. Lần này tôi thấy rằng không thể im lặng. Vì laptop đó anh mua bằng số tiền đã vay mẹ đẻ tôi với lý do “đầu tư làm ăn”, đến giờ 2 năm vẫn chưa trả tiền. Tôi nhẹ nhàng xin lỗi khách mua nói rằng vì tôi vẫn cần dùng, rằng anh bán nhưng không nói với tôi nên không biết là tôi có nhu cầu dùng máy đó. Khách thông cảm ra về. Nhưng sau đó anh đã đánh tôi, lý do vì tôi đã làm anh “mất mặt”, rằng tôi là kẻ “ngáng đường làm ăn của chồng”. Đây là lần thứ hai anh đánh tôi. Và ngay lúc đó tôi chỉ muốn chấm dứt luôn cuộc hôn nhân này.


Lần đầu anh đánh tôi cách đây 2 tháng, vào hôm tôi đưa con sang nhà ngoại chơi. Buổi tối hôm trước, tôi đã xin phép mẹ chồng, bà ừ. Sáng hôm sau tôi chỉ chào đi mà không nói lại nữa, nhưng ở nhà bà vẫn thắc mắc với anh không biết tôi có ăn cơm nhà không??? Tôi đang ở bên ngoại, anh gọi điện tôi về mắng rằng sao đi không nói để bà còn biết mà không nấu cơm. Tôi nói đã nói từ hôm qua rồi nên sáng đi chỉ chào, ko phải nói lại nữa. Và giữa bố mẹ chồng – nàng dâu xảy ra to tiếng. Anh xông vào đánh tôi, nói rằng: “Nhà này chứ không phải cơ quan cô mà đi đâu cứ phải xin phép trước ”?!


Tôi thật không hiểu sao anh lại có lý do đánh tôi nực cười đến vậy. Và càng không ngờ rằng mình lại là nạn nhân của bạo hành gia đình.


Nhìn lại cuộc hôn nhân của mình tôi thấy thật buồn. Buồn vì chồng mình chẳng thể kiếm tiền về đưa vợ như chồng người ta. Nhưng hơn cả, tôi buồn vì chồng mình không có chí. Đàn ông mà không có chí thì tôi có thể trông đợi gì? Buồn vì chồng mình không kiếm ra tiền đã đành. Nhưng buồn hơn cả vì mình không thật sự được quan tâm. Mình chẳng có ý nghĩa gì với anh.


Tôi không thể quên một dịp 8/3. Tôi về sớm rủ chồng vào siêu thị mua quà 8/3 tặng mẹ chồng. Chồng tôi hớn hở, nhanh tay chọn sữa này cho mẹ, socola này cho em gái, ko có thứ gì được chọn cho tôi. Hôm đó tất nhiên người trả tiền là tôi – 5 năm qua vẫn luôn như thế. Nhưng giá như anh chọn cho tôi 1 cái kẹo thì tôi cũng cảm động lắm lắm.


Không phải chồng tôi hờ hững với tôi. Anh mắc màn cho tôi mỗi tối, tự giác khép cửa khi gió lùa bởi tôi hay bị viêm họng. Đưa đón tôi về những ngày bầu bí. Dọn dẹp nhà cửa những lúc tôi quá bận rộn (thường anh ấy vẫn hay làm vì ngòai lý do bận thì tôi cũng sẵn lười).


Nhưng dù anh quan tâm, dù anh lắng nghe thì tôi vẫn chỉ là người được quan tâm cuối cùng trong gia đình. Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng thì tôi luôn là người có lỗi và mẹ anh lúc nào cũng là số 1.


Tất nhiên, người con nào chẳng yêu mẹ. Tôi hiểu rất rõ điều đó. Và sau này tôi cũng muốn con trai tôi yêu mình hơn thế. Nhưng, nếu sau những xung đột ấy, anh về phòng vuốt ve, an ủi riêng tôi thì tôi cũng không nói gì. Đằng này anh lại càng dằn vặt tôi theo kiểu “đổ thêm dầu vào lửa”.


Tôi cũng biết tôi không phải hoàn hảo. Tôi cũng có những khuyếm khuyết của mình. Nhưng tôi biết chắc một điều: Tôi luôn hết dạ vì chồng, vì con, và luôn cố gắng vì gia đình bé nhỏ của mình.


Đêm kia tôi đã quyết định sẽ ly hôn. Tôi nghĩ rằng không thể chờ đợi, hy vọng ở anh một điều gì nữa. Nhưng đêm qua nghĩ lại, ly hôn lúc này thiệt thân, khổ con.


Tôi có công việc ổn định, thu nhập đủ sống cho một gia đình. Nhưng nếu ly hôn, ngoài tiền gửi con đi nhà trẻ, tôi phải gánh thêm tiền thuê nhà, thì chắc sẽ rất khó khăn. Rồi những lúc rủi xảy ra ốm đau, tôi sẽ xoay sở làm sao? Thật không đơn giản.


Quan trọng nhất là việc lo cho con tôi: Một mẹ, một con, làm sao tôi có thể chăm sóc con tốt nhất? Làm sao tôi nuôi dạy con thành người tốt, sống có ích? Chắc chắn không đơn giản chút nào.


Đứa trẻ lớn lên thiếu hơi cha thật tội nghiệp. Tôi đã là một đứa trẻ đáng thương như thế nên lòng tôi như xót muối mỗi khi nghĩ cảnh con sẽ phải chịu đựng những gì mình đã trải qua.


Đến lúc này tôi vẫn không ghét bỏ gì anh. Từ sâu thẳm, tôi vẫn thương anh. Tồn tại lớn nhất tôi thấy trong tình cảm của mình với anh lúc này là sự THẤT VỌNG. Nhưng anh thì tỏ ra không hối lỗi về những hành động đã gây ra cho tôi.


Tôi vẫn muốn hỏi lại một lần nữa:


1. Một người chồng như anh tôi có nên bỏ?


2. Với điều kiện như tôi, bỏ chồng lúc này có phải là giải pháp tốt nhất không?


3. Nếu bỏ, tôi sẽ phải bắt đầu lại như thế nào?


Dạo này thỉnh thoảng tôi thấy mình lảm nhảm những điều vô nghĩa giống như kẻ thần kinh. Tôi sợ lắm, vì tôi cần tỉnh táo để nuôi con.


Các bạn ơi, hãy giúp tôi. Hãy cho tôi lời khuyên thông minh nhất. Hãy cho tôi can đảm, giúp tôi có một tinh thần khoẻ mạnh. Tôi cần khoẻ mạnh để nuôi con :Crying: