Xin chào cả nhà,


Tôi đang ôm trong lòng 1 tâm trạng mà không biết phải giải quyết làm sao, khi tôi viết ra những dòng tâm sự này, bản thân tôi cũng thấy rất xấu hổ và không đẹp mặt gì, bởi vì người mà tôi muốn kể đến đó chính là Mẹ Ruột người sinh ra tôi.


Bà năm nay đã 64 tuổi, mang danh là 1 Nghệ Sỹ (bà không nổi tiếng, nhưng cũng đã tham gia vào vài phong trào Văn hóa-Giải trí lúc trước giải phóng). Cuộc đời của bà được “vang danh” với những thú tiêu tiền và bù khú với các bạn bè của bà. Chỉ biết rằng thời còn son trẻ, bà là 1 người rất xinh đẹp, trải qua nhiều đời chồng và có 5 người con…..


Chị cả cùng cha khác mẹ của tôi: Năm nay cũng 45 tuổi), cuộc đời của chị cũng toàn gặp phải những bất hạnh, từ nhỏ mẹ tôi đã bỏ chị, chị phải sống cùng bà ngoại ở miền quê, phụ buôn gánh bán bưng, mẹ tôi phó thác cho bà ngoại nuôi chị để tự do cuộc sống riêng tư với các anh chồng hờ giàu xụ của mình. Chị cả tôi không được ăn học đàng hoàng và tự “lăn lộn” vào cuộc đời khi bà ngoại mất đi (mẹ tôi vẫn không hề hay biết). Đó là tất yếu của cuộc sống, chị cả tôi trở thành “kẻ trôi sông lạc chợ” với những bất trắc, đau khổ cũng đã ập lên chị khi bắt đầu tuổi niên thiếu đến nay, và hiện nay chị không có chồng, con, vẫn lầm lũi đi làm công việc kiếm ăn (như làm móng tay dạo) và luôn luôn chực trào tâm trạng “căm phẫn” khi nghĩ đến mẹ mình…


Anh thứ hai cùng cha khác mẹ của tôi: Hiện nay đang sống tại Mỹ cùng cha ruột của mình, và ngày ấy trong những chuyến đi hát hò bù khú xa nhà, mẹ tôi đã để mặc đứa con trai 3 tuổi cùng với cha mình ở nhà trong 1 thời gian dài. Sau những cuộc vui chơi làm việc “nhân danh nghệ thuật” ấy, mẹ tôi trở về và hụt hẫng khi không còn ai ở nhà nữa, người chồng ấy đã mang đứa con trai 3 tuổi để đi vượt biên sang nước Mỹ xa xôi, và đến nay mẹ tôi dù đang sống 1 cuộc đời khó khăn tại Việt Nam, nhưng lòng vẫn đau đáu 1 ngày nào đó đứa con trai ở Mỹ sẽ nghĩ về bà và về rước bà sang thiên đường sinh sống. (Nhưng bà có biết rằng người chồng ấy luôn căm phẫn và không muốn nghe bất cứ ai nhắc đến người vợ này và ông cấm tuyệt đối không cho con trai mình kết nối lại với bà).


Anh trai thứ ba của tôi: Cũng bị mẹ bỏ rơi và mất khi lên 5 tuổi trong một cơn bệnh sốt xuất huyết tại quê nhà (khi nhỏ anh cùng sống chung với chị Cả tôi)


Tôi từ lúc sinh ra cho đến khi hai tuổi là ở tạm nhà người dưng trong những cơn giận hờn của mẹ tôi và cha ruột tôi, và bà nhờ những người “bạn ăn nhậu” của mình trông và nuôi hộ tôi (vì khi bé tôi trông kháu khỉnh và vì vậy mà các bà bạn của mẹ tôi năn nỉ bà bán con chăng?), cho đến khi tôi gần ba tuổi, tôi được cha dượng “chuộc” tôi về, khi ấy tôi còi cọc, mình đầy ghẻ lở vì thiếu thốn…


Sau này khi tôi được 6 tuổi, tôi có 1 đứa em gái. Những chuỗi ngày tháng ấy hai chị em tôi suốt ngày đi chơi rong ngoài đường, tôi không được đến trường học bời vì tôi không có khai sinh, khi mà chính bản thân mẹ tôi cũng không có giấy tờ hợp lệ, do những chuỗi ngày đi rong và không thông báo với cơ quan chính quyền địa phương và họ xóa sổ tại địa phương cư ngụ, hàng ngày khi ba tôi đi làm thì cũng là lúc mẹ tôi tranh thủ vừa đi chợ vừa “bù khú” với bè bạn bên ngoài, tôi chỉ biết có những buổi tối xẩm, khi những người mẹ kêu chúng bạn về nhà ăn cơm tối, thì hai chị em tôi vẫn còn lang thang chơi rong trước cửa nhà họ, đợi con cái họ ăn cơm tối xong để ra chơi tiếp hoặc sau đó hai chị em lủi thủi dắt tay nhau về và lục lọi miếng cơm khô nấu từ sáng tinh mơ hoặc nồi cá kho từ hôm qua, vì lúc ấy còn bé quá, tôi làm sao biết được cách nhúm bếp dầu hâm cơm. Cứ thế tôi dần lớn lên, tôi được đi học chữ tại những lớp học tình thương gần nhà.


Sau đó, em gái tôi có giấy khai sinh và được đi học mậu giáo, học lớp một.Và rồi ba dượng cũng chạy lo giấy khai sinh để tui được đi học (mặc dù đi học bổ túc muộn cho đến cấp 3)


Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi qua, không biết bao nhiêu đêm tôi và em gái (cùng cha khác mẹ) chứng kiến cảnh mẹ tôi tối đến lại chưng diện thật đẹp và vắng nhà trước khi ba tôi đi làm về, và chúng tôi đợi ba về để cùng ăn cơm tiệm vì đống đồ ăn mua về đã bị hư thối do mẹ tôi vứt tạm xó nhà và vọt ra đường đi chơi với bè bạn, và cũng có nhiều lần tôi cũng đã “trổ tài” nấu món cá chiên (bên ngoài khét lẹt, bên trong thì đầy máu tươi), trứng vịt chiên có màu xanh lè (do không rửa lại chảo sau khi xào rau muống), nhưng ba cha con tôi vẫn ăn (chăc do hàng quán đóng cửa). Hàng đêm, sau những cuộc ăn nhậu, mẹ tôi trở về nhà khi gần sáng, trong cơn mê ngủ, tôi và em gái bừng tỉnh giấc vì những lời lè nhè chửi rủa mà mẹ tôi dành cho ba tôi (vì là một trí thức lỗi lạc nên ba tôi thường thức khuya để nghiên cứu các đề tài khoa học), ba tôi im lặng, không nói lời nào, và cho đến khi chịu hết xiết thì ông chui vào đứng trong Toilet cả đêm, mặc cho bên ngoài mẹ tôi vừa lè nhè chửi rủa, vừa ói mửa khắp nhà và tôi vừa dọn dẹp vừa vác cả thau quần áo giặt giũ (vì nhà tôi lúc đó thuê tại nhà chung cư, đêm xuống nước mới chảy mạnh).


Sau đó mẹ tôi thường xuyên dắt cả bạn trai của bà về nhà cùng ăn cơm trưa với cả ba tôi, và cứ thế hàng xóm xầm xì xầm xì (phải chăng ba tôi quá hiền, hiền đến mức không muốn răn đe gì vợ mình, vì bản thân của ông cũng đã quá bi kịch với cuộc đời oanh liệt của mình trước đây, phải chăng ông bất lực và nhu nhược trước mẹ tôi?). Thế rồi sau những cuộc ăn nhậu thâu đêm ấy, mẹ tôi chính thức bỏ nhà ra đi để đắp xây tình yêu mới của bà (nghe rằng ông ta là Việt Kiều), lúc đó tôi được 16 tuổi, em gái tôi 10 tuổi, em tôi đã có những đêm khóc rỉ rả vì nó nhớ mẹ. Thế rồi ba tôi gặp nạn lâm vào cảnh tù oan và bị tạm giam vài tháng, trong những tháng ngày ấy, hai chị em tôi sống dựa vào những đồng tiến cấp dưỡng của những người bạn tốt bụng của ba, đêm về tôi chĩ biết 1 câu khấn nguyện “Nam Mô A Di Đà Phật, hãy cho ba con về sớm với hai chị em con”. Và trong những tháng ngày ba bị tạm giam ấy, mẹ tôi thỉnh thoảng cũng có ghé về nhà (nghe đâu để lánh nợ bên ngoài, và bà lại sống một mình sau chuỗi thời gian sống cùng gã Việt Kiều bịp bợm).


Sau đó ba tôi được tha về do nhiều người lên tiếng giúp đỡ và rửa oan cho ông, ông phải tiếp tục vừa đi dạy học, nghiên cứu để kiếm tiền trả nợ cho Nhà nước (cho những thất thoát khi ông còn làm giám đốc khi trước) vừa kiếm tiền nuôi con gái ruột và cả con riêng của vợ mình (là tôi).


Em gái tôi vẫn bộc lộ sự hờn ghét mỗi khi bất chợt gặp mẹ tôi trên đường, nó quay ngoắc mặt đi (khi nó 5 tuổi). Riêng tôi, sau này cũng được đi học Đại học, hàng tháng tôi cũng dành 1 ít tiền ăn học, và cho mẹ tôi mỗi lần bà ghé về thăm nhà (vì mẹ tôi chưa bao giờ đi làm kiếm tiền), bà vẫn sống với cuộc sống “đờn ca hát xướng, ăn nhậu thâu đêm” và xin xỏ hoặc làm tôi mọi cho bất cứ ai để họ cho vài đồng lẻ, và bà vẫn thuê nhà, hàng tháng vẫn thiếu hụt, vẫn xin xỏ, vay mượn tứ phía để trả tiền thuê nhà.


Thế rồi tôi lập gia đình, chồng tôi là một người tốt, nhưng cũng chính vì những thái độ không tôn trọng mẹ vợ, nên vợ chồng tôi vẫn luôn cãi cọ nhau (vì tôi cảm thấy đau lòng khi anh xúc phạm mẹ tôi, và tôi vẫn biết rằng mẹ tôi là người có lỗi và có nhiều tật). Đã hai lần sinh con trai, tôi không có mẹ bên cạnh (mẹ chồng tôi phải vào lo cho tôi trong bệnh viện) vì những cơn giận của tôi khi thấy bà quá ham chơi với bè bạn mà không về nhà cùng con cái, tôi cắt đứt không tiếp tế gì cả, mà lòng vẫn đau đớn….


Ba tôi mất đi, vợ chồng tôi và em gái có kêu mẹ về cùng ở trong nhà, vì mẹ đã rong chơi quá lâu rồi, nhưng bà vẫn một mực không về và nói rằng “Mẹ vẫn còn cuộc sống riêng của mẹ bên ngoài xã hội, Mẹ vẫn là người thương các con nhất trên đời, và các con yên tâm, rồi tương lai mẹ cũng sẽ về thôi”, thế là tôi hỏi “khi nào mẹ sẽ về, 1 tháng, 1 năm hay 10 năm nữa, tụi con cần có mẹ, các cháu cần có bà”. Mẹ tôi cũng có về nhà ở cùng chúng tôi và giao kèo hàng tháng phải cho bà tiền thuê nhà (bà thuê 1 căn phòng nhỏ ở quận Gò Vấp), và bà chăm chỉ chịu khó thức khuya dậy sớm để chăm lo các cháu, nấu cơm cho chúng tôi ăn, và như một phản xạ, vào buổi sáng thứ bảy là bà thức dậy thật sớm chưng diện sẵn và không muốn ăn sáng như mọi hôm (có lẽ lòng bà rộn ràng và cảm thấy no vì sắp được đi chơi cùng bè bạn. Chúng tôi có giao kèo mẹ tôi hàng ngày vẫn ở cùng chúng tôi, chăm sóc 2 cháu nhỏ, và chỉ về nhà thuê chiều thứ bảy đến trưa chiều hôm sau (chủ nhật) phải về nhà chúng tôi. Hàng ngày chúng tôi vẫn chăm sóc cho bà tiền dằn túi, thuốc men, tẩm bổ, tiền thuê nhà của mẹ (mặc dù chỉ ở 4 ngày/tháng), chồng tôi vẫn thấy khó chịu, và chúng tôi vẫn thường xuyên cãi vả nhau vì chồng tôi lại “càm ràm” khi mẹ tôi đi chơi về khuya khắc, hoặc đột xuất đi chơi những ngày trong tuần, tôi vẫn biết mẹ tôi như thế là không đúng, bà vẫn ham chơi và tận dụng tất cả thời gian quý báu khi con cái được nghỉ lễ là thay vì bà ở nhà quay quần cùng con cháu, bà lại “xin” ra ngoài chơi cùng bè bạn.


Không biết bao nhiêu lần tôi đã mua sắm vòng vàng cho bà, nhưng sau những trận cãi vả, mẹ tôi lại ra đi biền biệt và đi vay mượn tứ tung với câu cửa miệng “vài bữa con gái tôi nó trả lại cho”. Và y như rằng, sau những lần “tái hợp mẹ con” ấy, tôi lại phải gồng mình trả những khoản nợ linh tinh đó của bà. Và lại tiếp tục sắm sữa vì thấy cũng thương và tội nghiệp bà…(mặc dù tôi hiện nay có 2 con, và phải đang mắc nợ Ngân hàng, nhưng vẫn cố gắng chu toàn cho mẹ)


Gần đây bà lại đi chơi về trễ (sang sáng thứ hai mới về), tôi và em gái quá giận nên có nói rằng “tụi con đang thiếu nợ ngân hàng, tụi con sẽ bán xe Attila của mẹ để trả nợ), mẹ tôi nghe xong liền hét ầm ĩ lên “được rồi, tụi mày đối xử với tao như vậy, tao sẽ ra đi, thà chết Nhà nước chôn”, hiện nay tôi và em gái rất đau lòng, mẹ tôi có vài lần ghé về nhà và oán trách (không rủa xả như những lần trước) rằng đã không cho bà tiền nhà mà lại còn lấy lại chiếc xe, bà lấy gì làm “cần câu cơm?” (không biết mẹ tôi đã làm gì và sẽ làm được gì với sức khỏe của 1 Người nghệ sỹ già 64 tuổi? Và tôi lại đang lo về những khoản nợ sắp tơi của mẹ, tôi vừa muốn không vẫn chăm lo và không nghĩ đến bà, mặc xác bà muốn làm gì làm, tôi vừa muốn “cắt bỏ” tất cả quyền lợi (tiền thuê nhà, chiếc xe) để bà không còn gì ngoài xã hội mà hãy quay về gia đình. Tôi rối trí quá, mong nhận được những lời khuyên thấu đáo của các anh/chị ngoài cuộc.


Xin cảm ơn.