Nguyên nhân chủ yếu khiến một tỷ lệ khá lớn nam giới Việt Nam rất ít khi nói lời cảm ơn trước những việc làm âm thầm của vợ chính là do các quan niệm: "Chăm sóc chồng con là bổn phận của phụ nữ, có gì đâu mà cần cảm ơn" hay "Vợ chồng gần gũi quá rồi, ai lại cảm ơn như với người ngoài cho… khách sáo(!)".



Có đến 79% nam giới được khảo sát cho biết họ cảm thấy ngần ngại khi bày tỏ sự trân trọng, biết ơn với những việc vợ đã làm cho mình, cho gia đình bằng lời nói (Thế giới phụ nữ ngày 27.07). "Tôi hiểu hết những điều tuyệt vời mà vợ mang đến: ngôi nhà luôn sạch sẽ, gọn gàng, những món ăn ngon, hợp khẩu vị, những bộ áo quần thơm hương dìu dịu treo sẵn trong tủ áo…. Tôi cảm thấy rất vui khi đón nhận những chăm sóc tinh tế ấy. Và để cảm ơn cô ấy, tôi tự nhủ phải luôn làm tốt nhất trách nhiệm của một người chồng như lo lắng đầy đủ về kinh tế cho gia đình, gánh vác những việc nặng nhọc, thỉnh thoảng đưa vợ con đi chơi… Chứ nói ra bằng lời thì khó lắm..", một người chồng chia sẻ.


 


Dù trong nghĩa vợ chồng, “thi ân bất cầu báo” nhưng ai cũng “cầu… biết”. Không chỉ cảm ơn để chứng tỏ mình biết ơn, để thỏa mãn nhu cầu của người bạn đời, mà cảm ơn còn là một phương cách để ta tự cảm thấy “Đời mình sao thật sung sướng, diễm phúc”. Ta được bạn đời giúp đỡ, chia sẻ thì cớ gì mà chẳng bằng lòng với hiện tại? Mỗi ngày, ta có thể nói cảm ơn hàng chục lần với biết bao người, nhưng còn với “một nửa” của mình thì sao? Nếu nói “Cám ơn em yêu” được 3 lần/ngày trở lên là đã hạnh phúc. Buổi sáng, cảm ơn vợ nấu tô mì ăn liền thật ngon. Buổi trưa, cảm ơn vợ đã không réo nheo nhéo trong điện thoại như vợ mấy ông đồng nghiệp. Buổi tối, cảm ơn nụ hôn ngọt ngào của vợ giúp ta ngủ ngon. Hãy đếm hạnh phúc bằng cách góp nhặt những cái ơn “bé tẻo teo” của người bạn đời dành cho mình.



Chúng ta hãy cùng đóng góp ý kiến cho chủ đề này thật sôi động và thêm phần hữu ích, các ông bố bà mẹ có đồng ý không?