Chào các bạn,


Là người sống ở Hải Ngoại đã lâu, tôi lần đầu tiên lên mạng mò mẫm để rồi vô tình biết tới trang diễn đàn này của các ông bố bà mẹ. Tôi viết ra câu chuyện này vừa ở dạng truyện đọc vừa ở dạng chuyện kể dựa trên sự kiện có thật. Tôi hi vọng với ngòi bút văn chương tiếng việt còn hạn chế của mình, có thể truyền tải đến các bạn đọc trên diễn đàn những thông điệp về những góc khuất ít thấy của con người: sự mềm yếu của một cô gái Việt kiều vốn từng trải mạnh mẽ; sự ngu muội của tâm hồn vốn rất tỉnh táo và cứng rắn đã quá tin vào sự rung động chân thành của trái tim, sự giả tạo tới mức phát tởm của kẻ đào mỏ đểu cáng ở Trong nước đã mạo danh một kỹ sư giỏi giang làm trong công ty xuyên Quốc gia, đầy học thức, nhã nhặn, vị nhân và độ lượng…


Tôi cũng hi vọng bạn đọc qua câu chuyện này hãy cảnh giác với cảm xúc của mình, hãy hiểu chân lý “I love my self – yêu bản thân mình trước khi yêu kẻ khác”.


Và hơn hết, tôi hi vọng câu chuyện của tôi sẽ khiến bạn đọc cảm thông với cô gái là nạn nhân và đồng thời các bạn truyền đi câu chuyện này, nhân rộng tới đông đảo bạn đọc khác, giúp cô ấy tìm ra tung tích của kẻ lừa đảo này hiện nay không biết nó ở nơi đâu?! Thân thế, công việc, gia đình và sự nghiệp thật sự của kẻ đó là thế nào?!


Câu chuyện vốn dĩ tôi muốn ngắn gọn vì nó chỉ xảy ra trong 1 tháng. Nhưng nó đã hủy hoại toàn bộ sự nghiệp của một phụ nữ đã phấn đấu để có được. Vì thế tôi buộc phải viết thật chi tiết về hoàn cảnh, diễn biến tâm lý nhân vật để lột tả hết sự trớ trêu của cô gái và sự tàn nhẫn của kẻ đào mỏ kia.


Tên nhân vật nạn nhân đã thay đổi, còn tên của kẻ lừa đảo tôi đang suy nghĩ có nên tiết lộ hay không?!


Mời quý bạn theo dõi…


………………………………………



Đang chuẩn bị cho mấy đứa nhỏ cháu ngoại đi chơi weekend , hôm nay biển vào mùa cá dạt vào bờ, cả năm chỉ có 3 ngày như thế, cả khu phố dân tình ai nấy thu xếp xe cộ thùng sô đi ra biển nhặt cá rất vui. Tôi chợt thấy chiếc xe Toyota SUV màu đỏ quen thuộc lăn chầm chậm vào phía garage. Khác với mọi khi cánh cửa mở ra nhanh và một con bé dáng nhỏ thó bước ra nhanh nhảu, chưa thấy người đã thấy tiếng, hôm nay cánh cửa xe mãi không thấy mở. Mấy đứa nhỏ hô lên nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt “Cô Mi má ơi, ms Mi is coming”. Tôi cảm thấy có chuyện không bình thường liền bước ra phía garage.


Trong cái nắng hè chói chang, tôi gõ cửa kính phía tay lái. Tôi thấy con bé gục lên vô lăng, vai rung lên bần bật. Nó đang khóc. Có chuyện gì rồi. Tôi chưa bao giờ thấy nó khóc tức tưởi như vậy. Tôi gõ cửa kính lần nữa. Nó giật mình ấn nút cho cửa kính trôi xuống, trước mặt tôi là khuôn mặt hốc hác và đôi mắt thâm quầng. Tôi biết có chuyện gì phải thật shock con bé này mới như thế. Trước giờ, nó luôn là đứa mạnh mẽ và rất tự tin vào bản thân. Cho dù có chuyện gì tôi cũng thấy nó thật can trường, nó giống tính tôi ở điểm đó, không dễ gì có thể lấy nước mắt của chúng tôi trừ khi một sự việc gì quá shock.


Bởi vì sống ở nơi xa quê hương, phải lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, không anh em họ hàng chống lưng, ngay cả ngôn ngữ lúc đầu cũng không biết, lái xe không biết, đường đi lối lại cũng không, bằng cấp không, trình độ không, một tay làm lên cơ nghiệp ở đất nước xa xôi này, chúng tôi ai cũng hiểu không có thì giờ để khóc. Ai di cư để lập nghiệp, cũng phải biết nuốt nước mắt vào trong, gặm nhấm những cô đơn cơ cực, những lúc nằm viện còng queo một mình, chống chọi với mọi thứ khó khăn nhưng khi gia đình bên VN gọi sang thì luôn mỉm cười tỏ ra mọi thứ đều ổn. Chúng tôi mang trên mình gánh nặng âm thầm từ lo cho gia đình nhỏ của mình chưa xong thì đã phải lo cho cả dòng họ bên quê nhà. Thử hỏi nuớc mắt giải quyết được gì. Người thân bên Việt Nam có giúp được gì? Chúng tôi buộc phải nương tựa vào nhau ở nơi quê hương mới. Chúng tôi học được cách nếm trải mọi điều cay đắng buồn tủi và biết cách trân trọng những gì mình đang có hiện tại. Nước mắt chỉ là trạng thái của một phút không kìm nén nổi lòng. Sao hôm nay nó lại khóc?


Nước Mỹ cho chúng tôi không thiếu cơ hội và những thách thức. Ai đủ bản lĩnh thì luôn được đền bù xứng đáng. Nước Mỹ chỉ không thể cho chúng tôi được cái cảm giác đầm ấm thân thương như lối sống đã ăn vào máu khắp những năm tháng tuổi thơ bên quê nhà Việt Nam. Bởi thế, bán anh em xa mua láng giềng gần, tôi coi Mi như em ún trong nhà dù chúng tôi không hề anh em máu mủ. Đơn giản vì nó rất hợp tính tôi từ quan niệm,sở thích tới lối sống và cách hành xử.


Vậy điều gì khiến Mi ra nông nỗi này? Tôi vội thò đầu vào trong xe hỏi nó:


- Em sao vậy Mi? Có chuyện gì vậy?


….nó khóc nấc lên không trả lời..


- Có chuyện gì kể chị nghe coi. Để chị nói ông xã cho mấy đứa nhỏ đi chơi nhé, vô nhà kể tao nghe coi, làm sao mà khóc nấc vậy trời?


Tôi tất tả nói với ông xã cho 2 đứa nhỏ đi ra biển cùng với dì Tư đang đợi ngoài cổng. Bà dì Tư vốn là người hàng xóm bộc trực ở cách nhà tôi hai block, ngày nào đi làm về bà cũng ghé nấu cơm canh ở nhà tôi, ăn xong, dọn dẹp rồi mới mang về cho ông Tư. Có khi dì đi chợ, có khi tôi đi, có gì ăn nấy, chúng tôi không có thời gian để mà nấu nướng sau cả ngày làm việc mệt nhọc, may nhờ có dì ghé qua đỡ đần cho. Chúng tôi quen một nếp sống có lẽ không khác gì thời còn ở Việt Nam. Đó là một nếp sống hiếm có nhất là nơi phố phường chứ đừng nói tới Mỹ. Nhưng chúng tôi sống như thế, coi nhau như người nhà để có thêm tình người ở đất nước này. Như thế cuộc sống với tôi là khá đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần


.


Dì Tư không biết gì hạ cửa kính chiếc xe Lexus mới kính cong dì vừa mua, nói vọng ra to át cả mọi người:


- ủa hai đứa tụi bay sao tự nhiên lại không đi? Tao đợi tụi bay muốn khùng sao lại ko đi nữa?


Tôi sợ dì biết chuyện lại làm um lên thì không hay. Vội ra xua dì nói


- Lát con đi sau với Mi, dì cứ đi trước với ông xã con và mấy đứa nhỏ nha.


Dì Tư om xòm la mấy đứa nhỏ, khệ nệ bê đồ nghề áo quần, sữa, bỉm, sắp ghế cho trẻ em.. rồi phóng xe đi về phía Biển cùng với xe ông xã tôi.