Có nhiều người hỏi tôi sao trong mỗi câu chuyện của tôi luôn là bóng dáng, hình ảnh người phụ nữ. Tôi sẽ mỉm cười và trả lời rằng: “vì chính tôi, chính các bạn đang ở đâu đó trong mỗi câu chuyện kể”.


       Gần 60 tuổi, gần đời người nhưng chị Cam chưa từng được nghỉ ngơi. Hơn 42 năm trước, khi tuổi 18 xinh tươi, chị khăn gói theo chồng về làm dâu như mọi người con gái khác thời 197.. hành trang làm dâu của chị khá đơn giản, chưa có kiến thức về chăm sóc gia đình, trưởng thành chưa hoàn chỉnh khi vừa tốt nghiệp 12, chưa am hiểu về đối nhân xử thế nhất là quan hệ gia đình chồng, 2 năm quen nhau chị biết anh là chính... Đoạn đường 5 km từ nhà chị đến nhà chồng sau tiếng pháo trở nên xa và xa quá. 

       Về nhà chồng chị chỉ ở nhà nội trợ, chồng chị lái xe, mẹ chồng buôn bán khuya ở chợ. Lần lượt 5 đứa con, 2 gái, 3 trai ra đời, chăm lo gia đình, nuôi nấng các con là nghĩa vụ và trách nhiệm. Ai cũng nghĩ công việc nội trợ rất nhàn nhạ, thảnh thơi. Nhưng thử rồi sẽ biết, từ sáng đến tối, công việc nhà cứ xoắn vào chị ngôi nhà 3 tầng, lau dọn, cơm nước, quần áo, đi chợ, đưa đón các con đi học. Lặng yên để mẹ chồng ngủ bù khi bà rời giường vào ban khuya. Với cân nặng chưa đến 50kg, dường như đôi vai chị oằn xuống, nặng trĩu. Từ lúc bé khi tôi biết chị về làm dâu tôi hiếm thấy chồng chị chở đi chơi, dạo phố hay thăm thú đâu đó. Tôi nghĩ không phải chồng chị quá bận mà là thói quen, quen nhìn chị với bộ đồ nội trợ, nhìn chị tóc tai xóc xếch, quần ống cao ống thấp, tất bật đón đưa đứa này đứa khác, lo quần áo cho chúng, rồi chính anh cũng quên luôn chị cũng cần hít thở và thay đổi không khí… Mọi công việc gia đình làm thời gian của chị không còn khe rảnh nào. Lâu dần thành thói quen, mọi quan hệ, đi ra ngoài giao thiệp xã giao họ hàng xa gần chỉ biết có chồng chị. Riết rồi chị chỉ quanh quẩn ngôi nhà gần 250 mét vuông diện tích sử dụng, riết rồi thế giới của chị nhà-chợ-trường, riết rồi bộ đồ mới mặc khi nào, riết rồi chị chỉ biết gia đình chồng và còn cái, còn gia đình mình cứ mờ dần trong tâm trí. Rồi khi ba mẹ chị chị theo về cõi phật, việc về thăm cô dì, chú bác có đếm 10 ngón còn nhiều hơn số lần chị về thăm họ.

       Rồi con lớn dần, chị hai lập gia đình, sinh con, anh ba thì tiếp 3 năm sau đó. Trước nghĩ con lớn sẽ dần vơi nhọc nhằn, không ngờ nay ôm cháu nội ngoại vì vợ chồng chúng nó sống với gia đình  chị. Tôi thiết nghĩ chị như dòng sông bồi đắp phù sa cho bên lỡ bên bồi, cứ chảy và chảy quên luôn sông cũng được nghỉ ngơi để hưởng thụ, ngắm chồi non, nụ hoa ven sông mà mình đã đi qua. Tấm lưng trần lại lần nữa, hết chăm con lại chăm cháu, cháu lớn tiếp theo lần lượt 2 đứa lập gia đình, ngôi nhà lúc nào cũng có tiếng trẻ con. Dù con cái có gửi con ở nhà trẻ khi chiều tối về bóng lưng mẹ chồng, tiếng thở hắt của chồng, tiếng cơm nước khua khua của con dâu, tiếng la ó giành giựt đồ chơi, tranh màu tô của đám cháu. Chị rất thờ ơ, rất bình thường, không giận, không vui, không la, nó như điều hiển nhiên nếu mọi thứ không như vậy hẳn đó mới là điều không bình thường với chị.

       Không may đứa con trai út tắm biển bị đuối nước, 2 ngày sau mới vớt được xác lên. Kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh chị lặng im cùng gia đình lo chôn cất, chị thương con, tự nấu tự cúng kính để con về với ông bà tổ tiên. Mất con nỗi đau của người mẹ nuốt từng giọt nước mắt vào trong, và rồi diễn biến công việc hàng ngày chị cứ lầm lũi, lặng thầm chăm lo mọi thứ mà dần đánh mất nụ cười trên khuôn mặt chị.


       Bỗng thật lâu tôi gặp lại chị tôi thấy chị cứ cặm cụi làm , tần mẫn, không thấy chị cười hay cháu chào bà đi học về chị không phấn khởi chị thoáng nhìn qua, tay vẫn cầm bắt cơm, thu dọn những thứ rơi vãi trên nền nhà (mẹ chồng chị nay già yếu bị pakinson khi ăn lúc nào cũng đỗ phân nữa), chị im lặng thu dọn (có điều gì đó rất xót xa mà tôi không thể diễn tả nỗi). Không bao lâu, trong chuyến xe chiều, chồng lái xe gặp tại nạn gãy chân, một lần nữa mọi thứ đã rút cạn sức lực còn lại của chị. Trong ngôi nhà này bàn tay của của chị như thiên sứ chỉ biết chăm sóc cho nhiều con người với 3 thế hệ.

       Thấy tôi chị không cười chỉ hỏi “em mới về hả?”. Nhìn vào ngôi nhà đầy đủ, nền nhà vẫn láng bóng dù từ thời bao cấp, chiếc võng tòn ten chị ngả lưng bên cạnh các loại thuốc đau lưng, thuốc khớp, tim mạch của chị.


       Cũng ko diễn tả sao được cảm xúc này dường như hơn 60 năm cuộc đời chị có đầy đủ chồng, con, cháu, nhà cửa đuề huề, nhưng sao không thấy nụ cười, ánh mắt nhảy múa hay sự tươm tất của bà nội trợ thời nay…

       Cuộc sống lầm lũi, đơn lẻ cứ như thân cây thẳng đứng cho cành lá đâm chồi nảy lộc. Việc làm bình thường, thường xuyên hằng ngày hun đúc cho chị sự không tham gia với hỉ, nộ, ái, ố. Có thể nước mắt chị cứ nuốt vào trong, nụ cười không thường xuyên đã khép lại, trạng thái chờ mong khắp khởi của xa xưa che dần cảm xúc nên giờ vui buồn cũng vẫn nét mặt ấy. Ăn cơm xong cùng rửa chén, tôi hỏi “ chị Cam đến hết đời người, chị có ước gì không?”. 


 - Ước gì em, đồ mới con dâu mua mặc vào dịp nào đây?


 - Chồng có đủ sức chở chị ra ngoài thành không?


 - Giờ chân đau muốn đưa cháu đi học còn chẳng được!


  -Ngày tết, lễ con cháu nghỉ học lo ăn uống, cúng kính hết thời gian rồi? Chị không biết ước gì nữa em, mà ước rồi ai giúp mình thực hiện?


      Nghe câu cuối cùng của chị mắt bỗng cay xè, có vết cứa vào trái tim tôi, đau âm ỉ, dù tôi và chị là người dung. Một đời người vinh nhục phú quý ai đã từng qua còn chị cứ lầm lũi, lầm lũi. Mãi cặm cụi trong từng tất ngôi nhà mà đánh rơi cả cảm xúc, cảm giác, không lạnh không nóng, hờ hững, và chẳng có lời để tương tư giống như chính tên mình.

ThuLily