Mâm tráp trầu cau:


Từ xa xưa, trầu cau đã mang ý nghĩa là cặp hình tượng biểu trưng cho tình nghĩa vợ chồng keo sơn gắn bó. Chính vì vậy, trầu cau không thể thiếu trong lễ ăn hỏi.


Cặp bánh âm dương:


Gọi là cặp bánh âm dương không có nghĩa sính lễ chỉ bao gồm một cặp bánh mà nó mang ý nghĩa các loại bánh đem sang nhà gái phải là nhiều cặp bánh có đôi có cặp. Một số nơi chọn bánh cốm và bánh phu thê, cũng có một số địa phương khác lại chọn bánh chưng và bánh dày làm lễ vật mang sang nhà gái trong ngày ăn hỏi.


Gà hoặc lợn quay:


Một số tỉnh thành phía Bắc thường chọn cặp gà sống (có trống và mái) để mang sang nhà gái. Một số tỉnh thành khác, có Hà Nội và hầu khắp các tỉnh miền Nam chọn lợn sữa quay.


Chè, thuốc và rượu:


Chè, thuốc và rượu là những sính lễ thường thấy trong ngày ăn hỏi. Tùy vào từng vùng miền mà lễ vật là các loại chè, thuốc và rượu khác nhau.


Một số lễ vật khác:


Vào ngày lễ ăn hỏi, nhà trai thường phải kèm theo lễ vật một số tiền gọi là tiền dẫn cưới (tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình), với ý nghĩa nhà trai muốn chia sẻ một phần kinh phí tổ chức đám cưới và tỏ lòng biết ơn công lao dưỡng dục của nhà gái đối với cô dâu. Hoặc trong sính lễ của người miền Bắc một số nơi còn có thêm hạt sen, trong khi đó ở miền Nam thường lại phải có xôi.