12 giờ đêm mới dọn dẹp xong nhà cửa để lên giường đi ngủ mà tôi chẳng thể nào chợp mắt được. Cứ nghĩ đến hình ảnh bố đẻ đang 1 mình thui thủi trong viện mà lòng cứ thắt lại, nghẹn đắng. Ông đã khổ sở cả 1 đời, giờ bệnh tật ốm đau cũng không nhờ cậy được con cái.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bố mẹ hiếm muộn suốt 20 năm đến ngoài 40 mới sinh được mụn con là tôi. Nói thế mọi người đủ hiểu ông bà cưng chiều tôi chẳng khác gì trứng mỏng. Ngày tôi đi lấy chồng, ông bà cho ngay 1 căn nhà mặt phố với 5 cây vàng làm của hồi môn.

Thấy có tiền, chồng tôi mừng ra mặt, anh hồ hởi bảo vợ:

‘Bố mẹ tốt quá, sau này vợ chồng lo mà phụng dưỡng ông bà’.

Nghe anh nói vậy tôi mừng lắm. Bố mẹ rồi sẽ già chỉ biết trông cậy vào tôi, giờ có thêm anh gia đình càng thêm đầm ấm. Biết nhà vợ có tiền, chồng thường xuyên qua lại rồi than thở chuyện tiền bạc thiếu thốn.

Mẹ đẻ xót con gái, cứ lần nào ra nhà chơi là bà lại dúi tay 1 ít tiền. Tôi chưa kịp từ chối thì chồng đã tít mắt, xoen xoét:

‘Con cám ơn bố mẹ, sau này ông bà ốm đau bọn con không quên đâu. Mẹ cứ yên tâm’.

Đúng là nói thì hay, đến lúc làm mới vỡ lẽ ra chồng chỉ là người  giả tạo và hám tiền chứ chẳng có chút tình cảm nào. Bố mẹ đẻ tôi thoáng tính, lúc còn khỏe có bao nhiêu là dồn lại đưa hết cho con gái. Thế nên khi mẹ đẻ đổ bệnh, tiền tiết kiệm của ông bà chẳng đáng là bao. Là phận con, đương nhiên kể cả bố mẹ không có tiền, tôi cũng thấy đó là trách nhiệm của 2 vợ chồng. Vậy mà chồng lại lật mặt.

Thấy mẹ vợ suốt ngày nằm viện, phải tiêm truyền những loại thuốc ngoại đắt tiền, anh bắt đầu khó chịu. Thời gian đầu, lão nhấm nhẳng không nói gì nhưng về sau chồng liên tục tra hỏi vợ về những tờ hóa đơn viện phí.  Thậm chí có bữa, anh cãi nhau ở bệnh viện vì chuyện kê thuốc không nằm trong danh sách bảo hiểm. Ngay cả khi mẹ tôi sắp mất, anh còn gặng hỏi vợ:

‘Tiền viện phí của bà ngoại nhiều thế em liệu mà tính toán chứ đừng có bòn hết của nhà này mang đi đấy’.

Hôm mẹ mất, tiền phúng viếng được hơn 200 triệu, bố kiểm xong liền đưa cho vợ chồng tôi:

‘Cũng chẳng đáng là bao, các con cầm lấy. Lúc mẹ sống chạy chữa tốn kém, giờ bố gửi lại vợ chồng con, coi như đỡ đần được đồng nào hay đồng ấy’.

Chưa kịp dúi trả lại bố, chồng đã hớn hở xin rõ to: 'Vâng, bố đưa thì bọn con xin nhận. Tết nhất đến nơi rồi, cái gì cũng phải có tiền bố ạ’.

Nhìn cái thái độ của chồng, thực tình tôi chỉ muốn nói thẳng vào mặt cho bõ ghét nhưng nghĩ lại mẹ vừa mất mà to tiếng lại không hay. Vậy nên tôi đành im lặng, chỉ biết động viên bố cố gắng vượt qua.

Nhưng đúng là cái năm hạn đủ đường, mẹ qua đời chưa được bao lâu, bố cứ buồn rầu rồi đổ bệnh theo luôn. Tháng trước tôi về thăm thấy bố yếu, định bụng chờ đến ra giêng thì đưa ông đi khám mà bệnh tình trở nặng không kịp xoay xở.

Tôi đưa bố lên viện khám thì bác sĩ bảo ung thư trực tràng phải phẫu thuật gấp. Về vừa nói với chồng câu trước, câu sau anh đã thở dài:

‘Lại tốn tiền, mới có mấy tháng mà hết bà lại đến ông’.

‘Không lo được thì để tôi, không nhờ đến mặt anh’.

Từ hôm vào viện thăm bố, lão cứ mặt sưng mày xỉa lên . Đỉnh điểm là sáng nay, tôi nhờ chồng vệ sinh cá nhân cho bố còn mình thì đi nói chuyện với bác sĩ. Về phòng thì thấy chồng mình đang lầm bầm trước mặt bố:

‘Con nói thật, ông già rồi, đụng dao kéo cái tầm này nguy hiểm lắm. Giờ ai mà chẳng có bệnh nhưng họ ở nhà để con cháu chăm sóc thôi chứ vào viện làm gì cho tốn tiền. Mà không thì ông theo bà đi luôn cho nhẹ nợ chứ ở lại ông cũng đau mà bọn con vất vả’.

Nghe đến đây, tôi tát bốp vào mặt chồng:

‘Anh im đi, không nói được câu nào tử tế à. Sau này bố mẹ anh già yếu, tôi cũng sẽ nói lại với ông bà đúng câu này xem anh nghĩ sao?’

Chồng bẽ mặt giữa phòng bệnh. Tối về nhà, vợ chồng chẳng nói với nhau lời nào, cứ nghĩ đến bố là tôi đau xé ruột xé gan.

Giờ chắc ông 1 mình nằm đó cũng đau lòng lắm. Cứ tưởng con rể sống tình cảm thế nào, hóa ra lại 1 dạ 2 lòng như thế thì sao mà nhắm mắt nổi.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet