Người ta vẫn bảo sau khi cưới nhau thì 'của chồng công vợ'. Thế mà nhà em lại ngược lại hoàn toàn, kinh tế rạch ròi không khác gì cảnh góp gạo thổi cơm chung.

Còn nhớ ngày đầu mới về sống với nhau, mỗi tháng nhận lương chồng chỉ đưa vợ đúng 4 triệu coi như góp tiền ăn uống, điện nước. Sau khi em sinh con, anh ‘mở ví’ thêm 3 triệu để lo bỉm sửa với tiền học.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tổng 1 tháng, em cầm được 7 triệu của chồng. Còn lại lậu liếc thế nào em cũng không hề hay biết vì chồng chẳng tiết lộ nửa lời. Có lần khi vợ chồng ở cạnh nhau thấy tin nhắn báo ting ting lương về, em tò mò hỏi thì chồng cục cằn:

"Biết làm gì. Tháng tôi đưa từng đó còn chưa đủ hay sao mà lại muốn quản kinh tế nữa".

Cảm thấy tự ái, sau lần ấy, em tuyệt nhiên không hỏi lão lần thứ 2. Với chồng, 7 triệu kia giải quyết xong hết mọi trách nhiệm với gia đình, vợ con. Thi thoảng có việc lớn phát sinh, anh sẽ đưa thêm.

Còn lại chi tiêu sinh hoạt gia đình em tự căn ke, thiếu sẽ phải tự bù. Thậm chí ngay như biếu Tết bố mẹ hai bên, chồng còn rạch ròi bố mẹ ai người ấy biếu, nhiều ít tùy thuộc kinh tế mỗi người.

Hôm thứ 7 vừa rồi, tranh thủ được nghỉ em rủ chồng đi siêu thị sắm thực phẩm cho tuần tới. Đi một vòng, chọn xong đồ tới lúc xếp hàng thanh toán, mở túi em mới ngớ người phát hiện quên ví.

Nhà lại cách xa siêu thị, em đành nhờ chồng quẹt thẻ thanh toán cho vợ. Ai ngờ đứng giữa quầy thu ngân, trước mặt cả nhân viên siêu thị với bao nhiêu người đứng đấy, chồng thản nhiên quát vợ:

Cô là đồ đầu đất hay sao mà cái ví cũng quên. Hay cô cố tình để tôi phải thanh toán hả. Mấy cái kiểu lươn lẹo bòn thêm đấy bỏ đi ngay chứ tôi lạ gì nữa’.

Hằn học với vợ xong, chồng cũng rút thẻ ra đưa nhân viên thu ngân thanh toán, em đứng bên xấu hổ không biết giấu mặt đi đâu. Bao nhiêu ánh mắt đứng đấy hướng cả vào em với vẻ ái ngại.

Riêng chồng vẫn sa sả mắng mỏ không tiếc lời, anh đay đi đay lại chuyện ‘đi chợ mà không nhớ mang ví’ này kia. Thanh toán xong, lão còn hậm hực đến độ đi thẳng ra cửa để mặc em loay hoay với 1 đống túi hàng.

Thương em, anh bảo vệ đứng gần đó cũng phải chạy lại xách giúp 1 ít ra xe. Thật sự hôm ấy em cảm thấy vừa tủi thân vừa ức nghẹn với thái độ của chồng. Cảm giác như anh đối với vợ chẳng hề có chút tình cảm hay tôn trọng.

Lúc bên trong siêu thị, em phải cố kiềm chế lắm chứ không chắc đã làm ầm luôn ở đó rồi. Chẳng qua vì nghĩ vợ chồng đôi co cãi vã chỗ đông người chỉ làm trò cười cho thiên hạ nên mới nín nhịn ra về.

Đã thế vừa bước tới cửa nhà, trên tay ôm bao nhiêu đồ còn chưa kịp để xuống chồng đã chìa tay đòi:

‘Cô lên lấy tiền trả cho tôi khoản vừa thanh toán đi. Không đời nào có chuyện thằng này chi thêm đâu mà lươn lẹo kiểu ấy'.

Lúc này thực sự cơn ức chế đã nghẹn lên đến tận cổ, em phi thẳng vào trong phòng cầm 7 triệu chồng đưa cho vợ tối hôm trước ném xuống bàn bảo:

'Tiền của anh đó, tôi chưa tiêu đến 1 đồng đâu. Anh giữ lấy tự mà lo chi tiêu. Kiểu người mở miệng là tiền như anh tốt nhất chỉ nên ôm tiền mà sống, sống cạnh ai làm khổ người ấy. Làm vợ anh tôi mệt mỏi quá rồi, từ nay tôi từ chức ô sin không công cho anh. Anh khỏi phải lo tôi lươn lẹo bòn bới tiền chồng'.

Miệng nói, tay em lấy giấy viết đơn ký thẳng không cần suy nghĩ hay chần chừ 1 giây. Ấy thế mà buồn cười ở chỗ chồng nãy mạnh miệng lắm mà giờ lại không chịu ký còn mắng vốn:

‘Cô thần kinh nó vừa vừa thôi. Có cái ví mà cũng quên thì sau làm ăn được gì’.

‘Ở với anh nên tôi mới điên thế đấy. Ký đi không phải lằng nhằng’.

Thế là lão bảo em cãi cùn rồi im lặng bỏ lên phòng không nói thêm gì nữa. Tối hôm ấy, em cũng ôm chăn sang phòng khác ngủ, tuyên bố ly thân. Được khoảng 3 hôm chắc suy nghĩ biết mình quá đáng, chồng tìm cách làm lành mà em bơ đi.

Lần này phải làm căng cho lão ấy biết, một là sửa tính, hai là ly hôn chứ em không thể sống mãi cảnh ấy. Sống với nhau mà không tôn trọng đối phương thì chi bằng giải tán.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet