Vợ chồng tôi hiếm muộn nên cưới nhau 4 năm mới có được đứa con đầu tiên. Đi khám từ khắp Hà Nội đến Sài Gòn, bác sĩ đều kết luận vợ chồng tôi hoàn toàn bình thường, và không tìm ra nguyên nhân tại sao lại khó có con.


Có những lúc tôi mệt mỏi muốn buông xuôi nhưng thương vợ nên càng cố gắng tiếp tục chờ đợi. Tôi biết cô ấy cũng khổ tâm lắm. Lao đầu đi kiếm tiền để chạy chữa cầu con rồi tâm lí chán nản hơn tôi nhiều lần, chẳng qua là cô ấy không nói ra mà thôi.


Có lẽ cả đời tôi không bao giờ quên cảm xúc ngày hôm ấy, lần đầu tiên tôi biết mình được làm bố xúc động đến nhường nào. Sáng chủ nhật, vợ dậy sớm ngồi khóc rưng rức trong nhà vệ sinh. Tưởng cô ấy làm sao, tôi lao vào thì thấy vợ đang ngồi bệt dưới sàn với que thử thai 2 vạch đỏ chót. Tôi không tin vào mắt mình, tôi vui sướng ôm vợ khóc theo.


Lúc mong mãi thì không được, khi dễ lại dễ quá. Chẳng vậy mà trong 3 năm vợ tôi sinh liền 2 bé. Tôi vẫn nghĩ sẽ chẳng ai chăm con tỉ mỉ hay khéo bằng vợ mình. Ấy vậy mà tôi lại nhầm to. Lúc mới sinh, cô ấy thường xuyên cáu gắt rồi bỏ mặc cho con khóc, khóc chán rồi con tự ngủ chứ không hề cưng nựng hay dỗ dành con. Tôi thắc mắc bị vợ quát thẳng mặt.


“Anh biết gì mà nói, em khổ sở thế nào mới đẻ được chúng nó. Giờ phải thức đêm hôm trông nữa, không phát điên là may lắm rồi”.



Tôi hiểu vợ vất vả chứ, nhưng đâu có thể bỏ mặc con nhỏ mới 3 tháng khóc ngằn ngặt như thế được. Tôi thông cảm cho vợ được, nhưng nhìn cách mà cô ấy chăm con thì không thể nào chấp nhận nổi. Tôi đi công tác mua ít đồ hải sản về bảo cô ấy làm cho con ăn cũng khó.


“Trẻ con tiêu hóa chưa hoàn thiện, ăn mấy đồ này vào lại đi ỉa, mất công đêm hôm bê nhau vào viện”.


“Anh thấy đồng nghiệp vẫn cho con ăn mà, có sao đâu. Em chịu khó làm rồi để tủ cho các con ăn dần”.


“Mỗi người có cách chăm con riêng, anh đừng áp đặt hay so sánh với ai”.


Có phải mọi phụ nữ khi sinh con đều thay đổi tính cách tiêu cực hay chỉ vợ tôi mới vậy. Đến bữa, cô ấy cho 2 đứa nhỏ ngồi ngang hàng rồi xúc cơm bón lần lượt. Đứa nào mà mải chơi chưa kịp há mồm hoặc không chịu nhai là y như rằng vợ tôi giơ tay phát vào chân, vào mông mà quát.


“Mày có nghe tao không? Nuốt ngay, chỉ việc ăn cũng mất cả tiếng"


Rồi đứa bé bắt chước đứa lớn la khóc ỏm tỏi. Ngày nào cũng thế, cứ đến bữa cho con ăn là nhà tôi không khác gì cái chợ vỡ. Có hôm vợ về bên ngoại, tôi trực tiếp tắm giặt rồi cho con ăn mới thấy là chúng rất ngoan. Chỉ cần tôi nói chuyện và hướng dẫn thì chúng sẽ không phá phách mà vâng lời răm rắp. Tôi thường xuyên góp ý để vợ bớt nóng tính với con đi mà lần nào cô ấy cũng cãi ngang.


“Anh cứ đẻ đi rồi hãy to mồm. Đi làm cả ngày mệt rũ xác, đêm về muốn ngủ giấc ngon cũng không được”.


“Con nhỏ, em cứ mày tao với chúng thì chúng sẽ học theo. Nhất là ở tuổi này, người lớn nói sao thì nó bắt chước y như vậy đấy”.


Nếu vợ là người không có học thì tôi không nói làm gì. Đằng này cô ấy là Thạc sĩ hẳn hoi, làm việc trong môi trường hiện đại, lịch sự vậy mà có thể nói với con bằng những lời chợ búa như vậy khiến tôi thất vọng vô cùng.


Đêm qua chẳng biết thằng bé lớn ngủ mê hay uống nhiều nước nên tè dầm lúc 3h sáng. Với tôi là chuyện nhỏ nhưng vợ lại gào thét như cháy nhà đến nơi. Cô ấy lôi thằng bé dậy dùng tay phát mạnh vào mông con.


“Thằng hư đốn này, đánh cho chừa thói đái dầm. Mày mấy tuổi rồi hả con, hư quá, tao phải đánh cho mày nhớ”.


“Thôi đi, em có phải là mẹ đẻ của nó không đấy, đánh con thế à”.


“Nghi ngờ này, mày giống thằng cha mày. Đấy, thương nhau quý nhau thì tự hầu nhau đi, đừng làm khổ con này nữa”.


Con khóc thét mà vợ vẫn liên tiếp phát vào mông rồi đay nghiến thằng bé. Tôi giằng con từ tay vợ rồi bế nó sang phòng bên ngủ.


Tôi thật sự rất giận vợ, không muốn nói chuyện với cô ấy. Cứ động đến chuyện gì là cô ấy gân cổ lên cãi tay đôi nên tôi rất chán nản. Tôi chỉ ước giá như mình có thêm nhiều thời gian để chăm sóc con, chơi với con thì có lẽ cô ấy cũng không nóng nảy mà đối xử với con như vậy.