Tuệ Minh yêu của mẹ! Sáng nay một sáng thứ 7 diệu kỳ. Sau đúng 1 tuần con bị rối loạn tiêu hóa, giờ sức khỏe của con đã ổn. Mẹ đã trải qua một tuần với stress, lo lắng con có thể bị virus rota… Một tuần khiến mẹ phờ phạc. Vậy không hiểu trong gần 6 năm vừa qua hai bác Trường, Thương của con đã trải qua những cảm giác đau đớn, tuyệt vọng thế nào khi chứng kiến những sự hành hạ bệnh tật của anh Trường Sơn?


Tuệ Minh còn quá nhỏ để con có thể nhận biết được rằng ở quê nhà Thái Bình, con có một người anh họ là anh Trường Sơn. Anh Sơn gần 6 tuổi và mắc một căn bệnh bẩm sinh Ly thượng bì bọng nước. Một chứng bệnh có biểu hiện như bệnh vẩy nến. Trừ khuôn mặt, toàn thân anh Sơn như một con cá sấu con ạ. Dù mùa hè hay mùa đông, lúc nào anh Sơn cũng bị cảm giác ngứa ngáy, gãi liên tục và cơ thể thường bị rỉ nước vàng và thậm chí là bật máu. Minh ơi, anh Sơn của con gần 6 tuổi nhưng chưa một ngày đi nhà trẻ. Căn bệnh này khiến mọi người e ngại, xa lánh, dù anh con chỉ là một đứa trẻ, nhà trường từ chối tiếp nhận. Bác Trường của con nói rằng: sang năm anh Sơn đến tuổi vào lớp Một, bác không biết anh có đủ sức khỏe để đi học như các bạn khác hay không, nhà trường có nhận anh vào học hay không? Mẹ không thể trả lời câu hỏi này con ạ!


Con gái ơi! Mẹ đã cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất dành cho con. Nhưng mẹ thực sự là một người cô vô cảm, lạnh lùng. Anh Sơn sinh ra khi cả ba và mẹ đã chuyển công tác vào Sài Gòn. Việc xa nhà, xa những người thân quá lâu khiến bản thân mẹ thờ ơ, xa cách với chình những người ruột thịt của mình. Việc anh Sơn bị bệnh bẩm sinh khiến mẹ đón nhận nó một cách bình thường trong suốt 6 năm qua. Nhưng cách đây 2 ngày, mẹ nhận được cuộc điện thoại của bác Dụng, một bác hàng xóm của gia đình mình ở quê nhà. Bác Dụng cho biết lần này anh Sơn lại đi Hà Nội điều trị. Bệnh đã nặng hơn, đã ngấm vào xương, vào máu và nghe phong thanh là một dạng ung thư. Mẹ bàng hoàng, xấu hổ khi đón nhận thông tin của cháu mình qua một người hàng xóm thực sự xa lạ. Mẹ xấu hổ vì sự vô cảm, vô tâm của mình. Bác ấy gọi lúc 10h đêm, cái giờ mà ở ngoài Bắc mọi người đã ngủ từ rất lâu vì giá rét. Nhưng bác ấy bảo “trằn trọc không ngủ được khi nghĩ về thằng Sơn. Anh thương nó mà không làm gì được, gọi cho cô vì biết cô nhà báo có thể giúp được cháu”. Mẹ đã lặng đi vì giận mình quá thờ ơ, xa cách với những người ruột thịt như anh Sơn của con.


Chỉ sau một buổi chiều chia sẻ thông tin của anh Sơn trên facebook, rất nhiều người hoàn toàn xa lạ với mẹ đã share đi và bác Trường của con đã nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm từ những người cũng hoàn toàn xa lạ- những cư dân cộng đồng mạng. Mới chỉ có nửa ngày nhưng đã thắp lên hy vọng cho chính mẹ, mẹ tin sẽ có những bàn tay đưa ra nắm lấy tay anh Sơn của con, sẽ có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ anh con điều trị.


Tuệ Minh ơi! Giờ thì mẹ hiểu vì sao ba nhất quyết sẽ cho con về quê chơi 2 lần/ năm. Mẹ hiểu là để con không xa cách với chính quê hương, bản quán của mình, để con cảm nhận tình yêu thương với ông bà, chú bác, anh chị em của con nơi quê nhà. Mẹ ủng hộ và mong rằng sau này, dù ở bất kỳ đâu, làm bất cứ công việc gì, con hãy luôn giữ liên lạc với quê nhà.


Con ơi, mẹ đã tham gia một số cuộc thi viết cho con, vì nghĩ tham gia cho vui. Nhưng giờ mẹ thực sự mong có giải thưởng. Ít nhất đó cũng sẽ là số tiền gửi cho anh Sơn của con mua thuốc trị bệnh. Và mẹ gửi tiếp những dòng nhật ký này, mẹ cũng mong nó được trao giải. Nhưng hơn hết, mẹ tin sẽ có nhiều bà mẹ khác đọc và chia sẻ thông tin về anh Trường Sơn của con. Mẹ tin khi một người phụ nữ đã làm mẹ, họ dễ đồng cảm và chia sẻ nỗi đau với người mẹ khác. Sẽ có những bà mẹ động viên hai bác Trường, Thương của con trong suốt quá trình điều trị cho anh Sơn về sau. Mẹ hy vọng rằng qua webtretho, số điện thoại 01205658653 của bác Trường sẽ nhận được nhiều sự chia sẻ. Và căn phòng 218 BV Da liễu TU- HN nơi anh Sơn đang điều trị sẽ xuất hiện những ông Bụt, bà Tiên đến với anh Sơn.


Một ngày thứ 7 diệu kỳ con ạ. Sẽ có phép màu cho anh Sơn phải không con!