Dùng "áo mưa" thì bất tiện, uống thuốc thì hay quên ... Tiêm thuốc tránh thai có thể khắc phục được những phiền hà của các biện pháp kế hoạch hoá gia đình truyền thống, song liệu kỹ thuật tránh thai hiện đại này có tồn tại những mặt trái?


Tại Việt Nam, Depo-Provera là loại thuốc tiêm tránh thai duy nhất đang được sử dụng. Mỗi mũi tiêm có tác dụng tránh thai trong 3 tháng vì chứa một hàm lượng cao hormonn progestin. Thuốc có hiệu quả tránh thai cao, rất tiện cho phụ nữ không có điều kiện uống viên tránh thai hàng ngày. Hiệu quả của thuốc trong số người sử dụng có thể đến 97%, có nghĩa rằng 100 phụ nữ dùng thuốc trong một năm thì có 3 người bị mang bầu.


Thuốc tiêm có gây tác dụng phụ?


Khi dùng thuốc tiêm tránh thai, chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể bị thay đổi. Kinh có thể ra không đều, hoặc hoàn toàn không thấy kinh. Sự cố này không có hại và kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường sau khi ngừng thuốc. Sự hồi phục kinh nguyệt bình thường sau khi ngừng thuốc có thể chậm, đôi khi vài tháng sau mới thấy có kinh trở lại, do đó khả năng sinh sản cũng bị chậm theo. Ngoài ra, bạn có thể tăng cân, cương đau vú và trầm cảm. Tuy nhiên, phụ nữ dùng Depo-Provera không bị những tác dụng phụ do phơi nhiễm với estrogen như tăng nguy cơ bị cục máu và bệnh tim mạch.


Trước đây, có ý kiến cho rằng dùng dài hạn Depo-Provera có thể gây giảm tỷ trọng của xương, nhưng một nghiên cứu khác (trên 50 phụ nữ dùng thuốc từ 36-168 tháng) chứng minh ngược lại rằng không có sự khác biệt nào về tỷ trọng xương giữa nhóm dùng thuốc tiêm và nhóm dùng dụng cụ tử cung. Qua đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng Depo-Provera không làm tiêu xương. Tuy nhiên, phụ nữ muốn dùng dài hạn Depo-Provera từ 2 năm trở lên cũng nên đo tỷ trọng xương trước khi dùng thuốc và kiểm tra định kỳ. Các yếu tố nguy cơ của loãng xương phụ thuộc vào tỷ trọng xương, tuổi tác, chủng tộc và mức độ hoạt động của mỗi người.


Những quan điểm trái chiều


Cho đến nay, xung quanh thuốc tránh thai đang tiêm vẫn còn những quan điểm trái ngược. Những ý kiến tán thành với thuốc tiêm cho rằng thuốc có tác dụng giảm sự cố đau bụng kinh; máu kinh có thể ít hơn và nhạt màu hơn; không làm gián đoạn đời sống tình dục; tốt cho phụ nữ cần tránh dùng hormone oestrogen (thuốc tiêm tránh thai chỉ có một thành phần hormone là progestin). Những ý kiến không tán thành cho rằng thuốc có thể gây tác dụng phụ như ra máu bất thường, tăng cân hay trầm cảm, không phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV. Nhóm ý kiến này cũng đưa ra lời khuyên không nên dùng thuốc dài hạn đối với những phụ nữ có thể sử dụng một biện pháp tránh thai khác.


Nên hay không?


Thuốc tiêm tránh thai có hiệu quả cao nhưng không phải ai cũng thích hợp. Chính vì vậy, trước khi có ý định dùng thuốc tránh thai dạng tiêm, bạn nên hỏi ý kiến thầy thuốc để được tư vấn đầy đủ về lợi ích và tác dụng phụ có thể gặp của thuốc. Nếu thầy thuốc kết luận bạn có thể sử dụng được, bạn sẽ được tiêm vào vùng trên của cánh tay hay vào mông 3 tháng 1 lần. Mũi tiêm đầu tiên sẽ được tiêm trong 5 ngày đầu của thời gian hành kinh để có hiệu quả ngay tức khắc. Nếu không làm như vậy, bạn sẽ được tư vấn dùng phương pháp tránh thai hỗ trợ trong 2 tuần sau khi đã tiêm thuốc.



(Theo Thời Trang Trẻ)