Nếu trong mỗi kỳ “đèn đỏ”, bạn thấy đau bụng dữ dội, quằn quại; huyết ra nhiều và có hiện tượng máu đông, đau vùng xương chậu hoặc đau thắt lưng… thì có thể bạn đã bị lạc nội mạc tử cung. Chỉ khoảng 1/3 phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung là gặp khó khăn trong quá trình thụ thai nhưng lạc nội mạc tử cung vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ vô sinh.




Triệu chứng rõ ràng, nhưng không “bắt đúng bệnh”


Tôi không nhớ bắt đầu từ khi nào những cơn đau thường kéo đến dồn dập mỗi khi đèn đỏ. Cứ ngày đầu của “nguyệt san”, tôi lại bắt đầu vật lộn với những cơn đau dữ dội, thường là đau như xé ở vùng bụng dưới kèm theo triệu chứng nhức đầu, tiêu chảy, chóng mặt, buồn nôn và đau quanh vùng thắt lưng. Có lần, các triệu chứng này kéo đến cùng lúc, khiến tôi kiệt sức. Tôi phải vừa ôm bụng, vừa ngồi đồng trong toilet, tay chân lạnh toát và run lẩy bẩy; hoặc nằm bẹp cả ngày trên giường. Nếu muốn bớt đau, tôi phải dùng thuốc giảm đau, khi uống vào thì cơn đau giảm hẳn nhưng người trở nên đờ đẫn.



Các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn khi tôi có gia đình. Đôi khi đến ngày, tôi còn lên cơn sốt nhẹ kèm nôn khan. Lưng tôi ngày càng đau nhức, nhất là vào giao điểm của đèn đỏ. Những cơn đau đầu cũng kéo đến khiến tôi có lúc phải dùng tay giật ngược tóc mình cho bớt cảm giác đau đầu từng cơn.



Đặc biệt, dù thả suốt hai năm nhưng tôi chưa có thai.



Những người có kinh nghiệm xung quanh tôi cho rằng tôi đau nhức là do thiếu vận động, ngồi làm việc lâu tại bàn giấy, hoặc có vấn đề về nội tiết tố, mệt mỏi và căng thẳng tinh thần. Tuy nhiên, nếu liên quan đến chuyện sinh nở thì tốt nhất tôi nên đi khám để biết cụ thể tình hình sức khỏe và khả năng sinh sản.



webtretho



Siêu âm chẩn đoán và điều trị


Tôi đến bệnh viện phụ sản để kiểm tra sức khỏe sinh sản. Cuộc khám nghiệm bằng siêu âm cho thấy hai bên buồng trứng của tôi vẫn bình thường. Vấn đề là ở chỗ, có một khối u lớn ở tử cung của tôi. Nhìn kỹ hơn, bác sĩ kết luận bên cạnh tử cung của tôi có một cái u nang rất lớn hoặc nhiều u nang đang thành hình. Và rốt cuộc, tôi bị kệt luận bị lạc nội mạc tử cung. Tôi phải đối mặt với một cuộc tiểu phẫu, bởi u nang hay các u nang có thể vỡ ra bất cứ lúc nào. Nếu chúng vỡ ra và tràn dịch ổ bụng sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.



Ước tính có đến 30 phần trăm phụ nữ ở tuổi sinh đẻ có thể mắc chứng bệnh lạc nội mạc tử cung. Nguy hiểm hay không và phương thức điều trị thế nào còn tùy thuộc vào vị trí của các ổ niêm mạc, mức độ tấn công của chúng ở trong mô, và kích thước của u. Ở mức độ nguy hiểm, có thể bạn sẽ phải cắt bỏ tử cung cùng với hai buồng trứng để trị bệnh toàn diện và dứt điểm. Với mức độ nhẹ, có thể dùng các nội tiết tố để ngăn chặn sự rụng trứng càng lâu càng tốt, ít nhất là 3 tháng và lâu nhất là 6 tháng để u không được nuôi sẽ teo lại. Trong suốt thời gian dùng thuốc, bạn sẽ bị mất kinh tạm thời, cho đến khi ngưng thuốc thì kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường. Với trường hợp của tôi, bác sĩ đề nghị phẫu thuật nội soi để cắt bỏ hoặc hủy các khối u.



Vấn đề là sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ các u nang, hoặc sau khi ngưng thuốc nội tiết, tôi có thể bị tái phát bất cứ lúc nào, và lần sau có thể sẽ phát hiện u nang ở những cơ quan khác chẳng hạn như buồng trứng, bàng quang, ruột, và trong một số trường hợp nó có thể xuất hiện ở khắp xoang chậu... Tôi có thể sẽ phải uống thuốc kèm theo để ngăn chặn tái phát. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây ra chứng loãng xương hay các biến đổi khác tương tự tình trạng tiền mãn kinh, nên tôi chỉ có thể uống trong sáu tháng mà thôi.



May mắn thay, chỉ năm tháng sau, tôi có bầu. Suốt thời gian mang bầu, dĩ nhiên tôi không “có tháng”. Đây có thể là yếu tố giúp cho nang không có cơ hội bùng phát. Tôi sinh liên tục ba đứa con trong 6 năm, và bây giờ chúng đã 5-3-1 tuổi nhưng tôi không còn thấy đau hoặc khó chịu mỗi kỳ đèn đỏ nữa.



Lời khuyên dành cho các mẹ bị lạc nội mạc tử cung


Vì bệnh lạc nội mạc tử cung là bệnh về nội tiết tố và hệ miễn dịch, nên nếu dính bệnh này, bạn nên điều trị ngay bằng thuốc, hoặc tiểu phẫu. Bạn phải thực hiện nghiêm túc quy trình điều trị nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị.


Ngoài thuốc ra, còn có những điều khác giúp cơ thể bạn đạt được trạng thái thăng bằng, như thay đổi chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều rau cải tươi hơn và nhiều trái cây cũng như các vitamin và giảm bớt lượng cafein. Tập thể dục nhiều hơn và dành thêm thì giờ để nghỉ ngơi cũng giúp cơ thể mạnh mẽ hơn.



Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra triệu chứng đau khi quan hệ, nên bạn cần chia sẻ điều này với chồng để nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Bạn đừng chịu đựng một mình.



Nếu chưa có con, có thể bạn nên cố gắng có ngay khi có thể (khi sức khỏe tạm ổn). Việc mang thai sẽ khiến u nang bị teo dần và tiêu hết bởi chúng không được “nuôi dưỡng” bằng máu kinh. Nếu bạn trì hoãn việc có bầu, có thể bạn sẽ không bao giờ sinh con được nữa.