Nướu răng của tôi bị chảy máu khi tôi đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Liệu thế có bình thường không?



Nướu sưng, đỏ, tấy bị chảy máu khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa là hiện tượng phổ biến trong thai kỳ. Đây là những triệu chứng của tình trạng gọi là viêm nướu khi mang thai - ảnh hưởng đến khoảng một nửa số các bà mẹ tương lai. Sở dĩ có hiện tượng này một phần là do thay đổi nội tiết tố khi mang thai khiến nướu răng nhạy cảm hơn với các vi khuẩn trong cao răng và dễ bị viêm.


Ngoài ra, cũng có thể là các cục u lành tính trên nướu của bạn bị chảy máu khi bạn đánh răng. Những cục u khá hiếm này được gọi là u hạt thai nghén hoặc u hạt sinh mủ - những cái tên khá đáng sợ, tuy nhiên thực chất chúng vô hại và thường không đau. Trong thời gian mang thai, u hạt thai nghén có thể mọc lên ở bất kỳ đâu trên cơ thể, nhưng thường thấy nhất ở miệng.


U hạt thai nghén có thể phát triển đến kích cỡ gần 2cm, và thường xuất hiện ở những chỗ nướu bị viêm. Nói chung, chúng sẽ biến mất sau khi bạn sinh con, nhưng nếu không thì bạn phải can thiệp để cắt bỏ. Trong trường hợp những u hạt này gây khó chịu, làm bạn khó nhai thức ăn hay đánh răng, hoặc bị chảy máu nhiều thì bạn có thể đến bác sỹ để loại bỏ chúng luôn trong khi đang mang thai.



Ảnh: Getty Images



Bệnh nướu răng có ảnh hưởng gì đến việc mang thai của tôi không?


Có thể là có đấy, nhưng các nghiên cứu và các bằng chứng lại không nhất quán với nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa bệnh viêm nướu răng nặng với việc sinh non và con nhẹ cân; một số khác còn cho thấy mối liên quan với tiền sản giật. Tuy nhiên, lại cũng có những nghiên cứu cho thấy bệnh viêm nướu răng không có liên quan gì với các biến chứng nghiêm trọng kia.


Nhưng dù thế nào thì bạn cũng rất cần chăm sóc tốt cho sức khỏe răng miệng (bao gồm cả nướu) của mình trong thời gian mang thai. Nếu bệnh viêm nướu không được điều trị, nó có thể bị nặng thêm, phát triển thành viêm nha chu - khi này bạn không còn chỉ đơn giản bị viêm nướu nữa mà tình trạng nhiễm khuẩn đã ăn sâu qua nướu, vào đến xương và các mô bảo vệ quanh răng.



Tôi có thể làm gì?



Phòng ngừa là chính.
Bạn hãy làm vệ sinh răng miệng cho tốt, và đi khám răng định kỳ, đều đặn. Hãy dùng bạn chải lông mềm và kem đánh răng có chứa flouride để đánh răng kỹ càng nhưng nhẹ nhàng ít nhất hai lần một ngày (sau mỗi bữa ăn, nếu có thể).



Dùng chỉ nha khoa hàng ngày.
Bạn hãy đi khám nha định kỳ để loại bỏ những mảng bám và cao răng mà việc đánh răng không thể loại bỏ được. Nếu gần đây bạn chưa đi khám răng thì hãy đặt hẹn ngay để được kiểm tra tổng quát và làm sạch răng miệng. Bạn nên cho nha sỹ biết rằng mình đang mang thai bao nhiêu tháng. Nha sỹ cũng có thể sẽ muốn bạn quay lại thêm một lần nữa, hoặc nhiều hơn nếu bạn đã bị bệnh nướu răng, do mang thai sẽ khiến cho bệnh nặng hơn.



Đừng trì hoãn điều trị các vấn đề răng miệng của mình.
Nếu cần thiết thì nha sỹ có thể cho bạn sử dụng thuốc gây tê tại chỗ, chẳng hạn như Novocain. Và nếu cần dùng kháng sinh thì cũng có những loại thuốc kháng sinh an toàn với thai.



Khi nào tôi nên gặp nha sỹ?
Ngoài việc đi khám định kỳ, bạn hãy đặt hẹn ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:


- Bị đau răng;


- Nướu răng bị chảy máu thường xuyên và gây đau;


- Các dấu hiệu khác của bệnh về nướu như nướu bị sưng tấy, nhạy cảm, viêm nướu, tụt nướu, hơi thở hôi thường xuyên hoặc răng lung lay;


- Bị sưng tấy trong miệng, cả khi không gây đau hoặc không gây ra các triệu chứng khác.