Hôm qua cuối tuần ông xã chở mình sang nhà người bạn chơi vì cô ấy mới sinh con hơn 2 tháng. Vào nhà thấy bé đang ngủ say nhưng kèm theo tiếng thở khò khè rất khó chịu. Mình thì khôn giỏi trong việc chăm sóc con cái nên không để ý nhiều, nhưng ông xã mình thấy đứa trẻ có biểu hiện lạ vậy thì nhắc người mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ, vì cách đây chưa lâu anh có đọc được trên báo thông tin, trẻ nhỏ thờ khò khè là 1 trong những triệu chứng của bệnh đường hô hấp đấy.



webtretho



Ảnh minh họa/Nguồn: Internet


Theo BS Nguyễn Thị Thanh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, bình thường chúng ta không nghe thấy tiếng thở vào hoặc thở ra của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ mắc các bệnh ở đường hô hấp, một số tiếng thở bất thường như sau sẽ xuất hiện:



Thở nhanh



Trẻ thở nhanh, mạnh là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh viêm phổi. Khi trẻ bị viêm phổi, phổi sẽ giảm tính đàn hồi, giãn nở kém vì thế cơ thể trẻ đáp ứng lại bằng cách tăng nhịp thở bù đắp tình trạng thiếu oxy của cơ thể. Thở nhanh ở trẻ là dấu hiệu quan trọng để mẹ phát hiện kịp thời tránh diễn biến nặng suy hô hấp, rút lõm lồng ngực, tím tái do viêm phổi.



Theo bác sĩ Thanh, để phát hiện thở nhanh ở trẻ, phải đếm nhịp thở trẻ trong vòng một phút.



Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, thở nhanh là khi bé thở từ 60 lần trong một phút trở lên.


Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi có nhịp thở 50 lần trong một phút trở lên.


Trẻ từ 1-5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần trở lên trong một phút.


Để đếm nhịp thở của trẻ một cách chính xác, bố mẹ nên ngồi ôm trẻ vào lòng, giữ trẻ ở trạng thái yên tĩnh, không kích thích, không để quấy khóc. Vén áo trẻ lên cho phần bụng và phần ngực được hở ra. Nhìn vào bụng hoặc ngực của trẻ để đếm. Mỗi lần trẻ hít vào và thở ra một nhịp. Dùng đồng hồ bấm giây để đếm. Nếu trẻ thở nhanh, nghĩa là trẻ đã bị viêm phổi.



Thở rút lõm lồng ngực



Dấu hiệu rút lõm ngực là hiện tượng cảnh báo tình trạng viêm phổi nặng ở trẻ. Khi thở, cánh mũi trẻ phập phồng, co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại rồi ngưng thở.



webtretho



Ảnh minh họa/Nguồn: Internet


Thở rên



Tiếng thở này thường gặp ở các trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng. Đây là tiếng thở ngắn, phát ra khi bé thở ra và có thể nghe được khi ta ghé sát tai vào miệng trẻ.



Khi bị viêm phổi nặng, khi đó phổi của trẻ thường có xu thể xẹp lại. Để chống lại xẹp phổi, trẻ cố gắng giữ lại thêm thể tích cặn chức năng bằng cách đóng nắp thanh quản lại ở cuối thì thở ra.



Thở rít



Tiếng thở này gặp trong các bệnh có hẹp đường thở trên, đoạn phía ngoài lồng ngực gây ra do các bệnh như: Viêm thanh quản, mềm sụn thanh quản, dị vật đường thở…



Nếu như thở rên phát ra khi bé thở ra, thì ngược lại, thở rít phát ra khi bé thở vào, có thể nghe được bằng tai khi quan sát trẻ thở.



Thở khò khè



Tiếng thở này là do tắc nghẽn ở đường hô hấp dưới, từ phế quản trở xuống, thường gặp trong các bệnh viêm tiểu phế quản, hen, các khối u hoặc dị dạng mạch máu lớn chèn ép vào phế quản. Đây là tiếng thở phát ra ở thì thở ra, có thể nghe được bằng tai khi ta ghé sát tai vào miệng trẻ.



Thở khụt khịt



Trẻ bị khụt khịt mũi là do chất nhầy xuất hiện ở khoang mũi khiến trẻ bị nghẹt mũi và khó thở.



Tiếng thở này thường phát ra ở cả hai thì thở ra và thở vào và sẽ mất đi khi trẻ được hút sạch dịch ở mũi họng.



Ngưng thở khi ngủ



Ngưng thở khi ngủ khá phổ biến ở trẻ em, đây là tình trạng trẻ bị ngừng thở từ 10-15 giây sau đó tiếp tục thở. Nguyên nhân là do trẻ gặp bất thường ở vùng tai mũi họng. Bên cạnh đó, những đối tượng thừa cân béo phì, lười vận động, hay sử dụng thức ăn nhanh cũng dễ bị ngưng thở khi ngủ.



Lời khuyên: Khi thấy trẻ có dấu hiệu rút lõm ngực, khó thở, nhịp thở nhanh, tiếng thở rít hoặc thở khò khè… nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Không nên tự chăm sóc trẻ tại nhà hay cho trẻ uống thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Vì đây có thể là dấu hiệu nguy cấp ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ, thậm chí là đe dọa tính mạng.



Nguồn: Tổng hợp