Xin được giới thiệu tiếp để các bố mẹ tham khảo các phương pháp giúp trẻ 6 tuổi thích đi học và thích học phần 3. Nội dung này được ghi lại tại buổi Tọa đàm "Cùng con khởi đầu vững chắc bậc Tiểu học" do Tiến sĩ Dương Diệu Hoa - Chuyên gia Tâm lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 tư vấn và Trường Tiểu học Hà Nội - Thăng Long, Khu Đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội tổ chức.


6. Cha mẹ cần có ý thích giữ gìn và bảo vệ hình ảnh của thầy, cô giáo trước mặt con


Đối với trẻ tiểu học, thầy cô giáo là thần tượng, là “mẫu” lý tưởng trực tiếp của trẻ. Thầy cô là người duy nhất đúng trên đời đối với trẻ. Vì vậy, khi trẻ đi học lớp 1, muốn tác động đến trẻ, phụ huynh nên thông qua thầy cô của con. Nên trao đổi với thầy cô để hiểu rõ hơn vì sao thầy cô lại có ứng xử như vậy với trẻ và phối hợp thống nhất cách tác động giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ ( Ví dụ: ở trường cô khen về nhà mẹ cũng khen, khi con mắc lỗi cô nhắc nhở thi về nhà mẹ cũng cần nhắc nhở con...). Nếu có sự mâu thuẫn giữa việc giáo dục của gia đình và nhà trường, trẻ rất dễ hoang mang không biết theo ai. Bởi vậy, cha mẹ không nên chê thầy cô giáo trước mặt con trẻ. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc thầy cô giáo cùng các vị phụ huynh rèn cặp con.


7. Dạy con biết chơi hòa đồng với các bạn


Khi đi học, trẻ rất muốn được các bạn chơi cùng bởi trẻ tiểu học sống bằng tình cảm. Vì vậy , bố mẹ nên nhắc nhở con chơi hòa đồng với các bạn, chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với các bạn ngay từ khi còn nhỏ để con luôn được sống trong tập thể, không bị tách biệt.


8 Kích thích mặt tích cực của trẻ


Không so sánh con mình với con người khác, bởi mỗi đứa trẻ có một đặc điểm tích cách và khả năng khác nhau. Luôn động viên, khen ngợi trẻ khi trẻ làm các việc tốt, khích lệ trẻ cố gắng khi trẻ chưa làm được việc gì đó.


9. Chuẩn bị vốn biểu tượng về thế giói xung quanh cho trẻ


Vốn biểu tượng về thế giới xung quanh rất cần thiết cho trẻ khi đi học. Bố mẹ cần giúp cho trẻ hiểu được các khái niệm: trên- dưới, trong -ngoài, trước – sau, xa- gần, cao- thấp, phải- trái, to- nhỏ... cũng như công dụng của các đồ vật xung quanh: ghế để ngồi, không ngồi lên bàn học, sách để đọc, vở để viết... Vốn biểu tượng về thế giới xung quanh càng phong phú thì khi đi học lớp 1 trẻ càng dễ dàng hiểu được lời cô thầy dạy. Muốn vậy , bố mẹ cần khơi dậy trí tò mò của trẻ và giải thích cặn kẽ cho trẻ khi trẻ có những thắc mắc về những điều chưa hiểu


10. Tập cho trẻ chú ý trong một thời gian nhất định cũng như một số phẩm chất ý chí cần thiết khi trẻ đi học lớp 1


Hiện nay trẻ em thông minh hơn nhiều so với trẻ em cùng lứa tuổi trước đây do điều kiện nuôi dưỡng tốt và lượng thông tin đến với trẻ nhiều hơn, nhưng nhiều trẻ khi đi học lớp 1 không đạt thành tích cao vì khả năng tập trung chú ý hạn chế. Vì vậy, bố mẹ cần giao cho con một công việc gì mà con yêu thích để trẻ tự làm trong một thời gian khoảng 10-15 phút. Hoặc bố mẹ cùng làm với con để động viên khuyến khích con tập trung chú ý hoàn thành nhiệm vụ đó. Điều này cũng có nghĩa trẻ phải có sự nỗ lực ý chí, phải kiên trì, có tính mục đích... để hoàn thành công việc được giao.


Bố mẹ cần kiên trì, không được nôn nóng đốt cháy giai đoạn trong việc chuẩn bị cho con vào lớp 1, không nên lấy ý muốn chủ quan của mình áp đặt cho trẻ. Sự kì vọng quá lớn của các vị phụ huynh vào kết quả học tập, nhất là chỉ quan tâm đến điểm số học tập của con khi con học lớp 1 cũng là một áp lực lớn làm cho trẻ chán học.


HẾT