Trong bối cảnh nhiều bậc phụ huynh đang tỏ ra không hài lòng với hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Thay vì tiếp tục đổ lỗi, phó mặc và tiếp tục bất mãn với những bất cập trong giáo dục hiện tại thì theo tôi cần các bậc phụ huynh cần chủ động trong công tác giáo dục con trẻ, nhận biết những điểm còn thiếu sót và bất cập trong hệ thống giáo dục hiện tại và bổ xung những thứ cần thiết cho sự phát triển của con cái mình.


1. Phát hiện những năng khiếu và sở thích của con cái và tập trung vào những thế mạnh của chúng: Mỗi đứa trẻ đều có những sở thích, năng khiếu và thế mạnh trong những lĩnh vực nhất định. Nếu các thầy cô giáo, nhà trường chưa làm tốt công tác phát hiện và phát huy những thế mạnh của con trẻ thì bố mẹ với vai trò người thầy giáo thường xuyên, liên tục của chúng nên gần gũi và có những hoạt động khác nhau để phát hiện ra những thế mạnh của con mình. Sau đó cần lên kế hoạch và chương trình để phát huy thế mạnh đó, chính là việc gửi tới những khóa học, lớp học ( có thể là ngoại khóa) nhằm phát huy thế mạnh đó của con trẻ.


2. Giảm tải những căng thẳng trong học tập của con trẻ: Đối tượng học sinh tại Việt nam đang chịu một sự căng thẳng quá tải khi học tập tại trường học và cũng đang gặp những căng thẳng do phải tuân thủ những quy định khá cứng nhắc tại trường học. Người làm cha, làm mẹ phải hiểu được những điểm này và đóng vai trò người bạn để giải tỏa những căng thẳng của con cái bằng cách không quá chạy theo thành tích của con cái, dành thời gian để con cái có những khoảng không gian vui chơi và giải trí, thậm chí có thể làm hộ chúng những môn học mà bố mẹ cho là không cần thiết đối với chúng và không cần chúng phải mất quá nhiều thời gian vào những môn học này để có mục đích đối phó cho xong chuyện với những yêu cầu từ nhà trường, và hướng chúng vào những hoạt động chơi và học mà bố mẹ cho là có hiệu quả hơn.


3. Tăng cường dạy con cái những kỹ năng sống cần thiết: Hiện tại, với việc đào tạo ở trường tại VN, trẻ con đang học khá nhiều về kiến thức khoa học, tuy nhiên những kỹ năng sống lại bị bỏ qua hoặc học một cách hình thức. Bố mẹ cần tập trung thời gian để hướng con cái vào những học kỹ năng sống bằng cách trực tiếp dạy hoặc tham gia các lớp học về kỹ năng sống như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng phản biện, kỹ năng phát biểu vấn đề…..


4. Tập trung vào kỹ năng tự học: Kiến thức là bao la, kể cả con bạn được học rất nhiều khóa học cũng không thể thu nhận đủ kiến thức. Một điều rất quan trọng là phải hướng dẫn con trẻ cách tự học thông qua việc biết cách tìm kiếm và đọc những cuốn sách, tài liệu, thông tin internet cần thiết cho nhu cầu của chúng. Biết cách học bằng cách quan sát và rút kinh nghiệm qua những va chạm xã hội. Như vậy, người cha, người mẹ phải thường xuyên theo dõi, hướng dẫn và đặt những tình huống, câu hỏi để tăng cường khả năng tự học của con cái.


5. Đóng vai trò là người tư vấn: Điều quan trọng nhất là người bố, người mẹ phải đóng vai trò là người hỗ trợ, tư vấn cho con cái và chúng sẽ tập dần khả năng tự giải quyết và quyết định vấn đề. Hạn chế những áp đặt quá mức và luôn khuyến khích chúng đưa ra những phương pháp cách thức giải quyết, học cách tư duy sáng tạo.