Vươn vai sau một ngày mỏi mệt. Nghĩ về nhiều điều. Sau một thời gian với bộn bề những lo toan và chút kinh nghiệm nông cạn rút ra sau một thời gian chăm lo con cái như sau:


1. Không nhân nhượng:


Không nhân nhượng không có nghĩa hét toáng lên hoặc đánh con ngay lập tức. Không nhân nhượng có nghĩa giữ thái độ bình tĩnh, thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra, hoặc nghiêm khắc dứt khoát đúng lúc. Đừng nghĩ lũ tiểu quỷ ấy không hiểu gì. Chúng giả vờ không hiểu mà thôi . Bằng chứng tà Sushi khi ngồi ghế ăn đòi ra, mình thờ ơ mặc kệ, quay ra tự nắm lấy đồ chơi, giả vờ đọc sách, tự khắc dần dần bé sẽ im, tò mò và muốn thu hút sự chú ý của mẹ, thay vì giãy nảy lên khỏi vòng tay mẹ và chiếc ghế. Đôi khi yêu thương thể hiện ra cũng cần có tính nguyên tắc


2. Đừng phí quá nhiều tiền cho đồ chơi trí tuệ:


Mình tin rằng chơi 1 đồ chơi trí tuệ rất tốt cho việc phát triển tư duy. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ cha mẹ có thể tận dụng làm đồ chơi cho con. Ví dụ, chúng ta có thể rửa sạch, tráng nước sôi, bóc nhãn các lọ thuốc nhiều màu. Bóc nhãn để bé không có thói quen lấy lọ thuốc ra nghịch, sử dụng những lọ thuốc có nắp và lọ cùng màu, tháo nắp và lọ ra cho bé nghịch, thực hiện tao tác lắp nắp và lọ cùng màu, dần dần bé sẽ hình thành tư duy logic.


Và quan trọng mình nghĩ, một đồ chơi trí tuệ không thể phát triển tư duy cho bé như việc rèn luyện hàng ngày. Mỗi khi Sushi có đồ chơi tự động có pin, mình thường tháo pin ra lắp vào và bật đồ chơi, lúc bật mình dí tay con vào pin. Làm thế vài lần, mỗi lần muốn nghịch đồ chơi như lật đật bấm nút, bé sẽ tự bấm vào nút nhạc, nếu nhạc không kêu, bé sẽ lật lật đật lên và cậy chỗ pin. Hoặc khi ăn cơm, mình cho bé cầm thìa, nghịch và cho vào miệng, cùng với việc xúc của mẹ, bé hình thành phản xạ xúc thìa, cũng như phản xạ cầm năm đồ vật. Có rất nhiều thói quen mà khi ta quan sát, có thể nghĩ ra ối bài học tư duy cho trẻ mà không tốn nhiều tiền mua đồ chơi cho bé


3. Mỗi bà mẹ là một nhà nghiên cứu:


Tin mình đi, kể cả có thức đêm đọc hết tài các pp như ADKN, ADKP, BLW... thì cũng chưa chắc ta có thể thỏa mãn những kỳ vọng của ta đối với trẻ. Kể cả những chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia dạy trẻ, cha mẹ họ cũng chẳng phải chuyên gia để nuôi dưỡng họ có tư duy như bây giờ họ đạt được, cha mẹ họ cũng phải tự mày mò bằng bản năng người mẹ. Vì vậy, bên cạnh việc, tham khảo các tài liệu, hãy nghiên cứu một cách có chọn lọc trong việc nuôi con, hơn ai hết, cha mẹ là người hiểu con nhất, hãy vận dụng khả năng quan sát, óc sáng tạo và cả tư duy không ngừng cầu tiến để nuôi dậy một đứa trẻ. Nếu phát minh là công trình vĩ đại của một nhà bác học, thì nó cũng không hơn gì thiên thần của bạn đâu


4. So sánh chỉ thấy mình luôn thất bại:


Đừng bao giờ đi so sánh con mình với con người khác. Đấy là nguyên tắc để không bị sự tự cao hoặc sự tự tin nhấn chìm bạn. Bạn sẽ thế nào khi bố mẹ bạn so sánh bạn với những bạn đồng lứa? hoặc con cái bạn lớn lên đi so sánh chính bạn với bố mẹ những đứa trẻ khác? Thất vọng, cảm thấy thất bại, và thậm chí là đau đớn. Khi chúng chưa biết gì, sự so sánh làm bạn mệt mỏi, đóng mình trong sự tiêu cực, khi con cái bạn nhận thức được, thì chính chúng là người mang tổn thương, và nếu bạn không kịp nhận ra điều này và thực hiện nó trong một thời gian dài, nó sẽ gặm nhấm tâm hồn con bạn, khiến chúng tự ti hoặc tự cao quá mức. Hơn ai hết, con bạn là 1 cá thể riêng biệt, riêng việc bé tồn tại đã là một điều quá kỳ diệu rồi


5. Đừng nhấn chìm mình trong định kiến của ai đó hoặc số đông:


Những bà mẹ trẻ thường bị phân tâm trước quyết định của mình trước những người đi trước hoặc số đông ai đó. Mình đã từng đôi lần như vậy. Nhưng mình hiểu, sự tham khảo, cầu tiến là tốt, nhưng đừng biến nó thành thói quen dựa dẫm, một chiếc bánh tham khảo vừa đủ sẽ tròn trịa, xinh xắn,vừa ăn với chính kiến của bạn, nhưng đi quá, nó sẽ méo mó, vẹo vọ và khó ăn vô cùng. Hãy sáng suốt và tỉnh táo trong việc lựa chọn phương pháp nuôi con. Ví như mọi người đi trước áp hoàn cảnh trước đây vào thực tại bây giờ khi nuôi con như:"ngày trước tao nuôi mày thế này, con tao thế nọ...". Thì xin thưa, vâng ngày xưa không lắm chất thải, không ô nhiễm, con người không hám lợi đầu độc nhau như bây giờ, nên cái cách nuôi con theo khoa học cũng là cách phát triển trẻ toàn diện hơn để đối mặt với ngàn vạn sự tấn công hữu hình có, vô hình có của cuộc sống xung quanh. Một lần mình đi taxi, chú taxi bảo, người ta bây giờ nuôi trẻ con giữ quá, chứ trẻ con ngày xưa, bố mẹ đi đồng áng cả ngày, bò khắp nơi có khi bốc phân gà lên ăn. Mình hỏi lại chú:"Phân gà ngày xưa thải từ ngô thóc mà ra, bây giừ toàn thuốc tăng trưởng, cám công nghiệp, đường phố từ nông thôn lên thành thị ám mùi khói xe, xăng chì, liệu chú có can đảm để cháu chú bò lồm cồm khắp nơi và chén phân gà không?". Chú cười trừ...


6. Hãy quan tâm đến sức khỏe của trẻ trước tiên


Mình thấy nhiều bậc cha mẹ có ý nghĩ con ăn nhiều, ăn tốt mới khỏe. Mình thì nghĩ khác, con khỏe mới ăn tốt, và ăn tốt góp phần giúp con khỏe lên. Trước khi muốn con ăn, muốn con tập đi, tập nói, tập nhận thức, mình nghĩ phải giữ cho con sức khỏe tốt nhất, ngay từ lúc sinh ra, nên biết cách vệ sinh hàng ngày tai mũi họng cho bé, nên tắm cho bé lúc nào, nên cho bé ngủ ở môi trường ra sao, cho bé chơi gì, vận động thế nào để rèn luyện thể lực. Cũng như người lớn chúng ta, sức khỏe không tốt thì kể cả việc ăn cũng đâu có ngon miệng.


Vâng, vài điều lảm nhảm thế thôi. Một ngày xen lẫn nhiều cảm xúc...