Đến đón con sau ngày đầu tiên đi học ở trường thứ 2, tôi thấy bé ngồi ở xó lớp, khóc đến khản giọng, lả người và chiếc khăn trên cổ bé ướt sũng nước.


Sau 3 lần chuyển nhà trẻ cho bé, tôi không còn tin mỗi khi có ai đó nói: "Con mới đi lớp thì khóc nhiều, ốm liên miên, phải một tháng mới quen lớp được". Tôi đã chuyển trường cho bé 3 lần chỉ vì con khóc nhiều dù không ít người ngăn cản và nghĩ tôi quá kỹ tính, bao bọc con.



Cũng giống như bao bà mẹ có con nhỏ khác, tôi nắm rõ từng cá tính và hiểu được nhu cầu của con. Tôi nhận thấy con mình chơi ngoan, ít khi khóc, bé không sợ khi đến môi trường mới và rất chủ động làm quen với bạn, bé cũng có quãng thời gian xa mẹ khá lâu mỗi khi mẹ có việc bận nên cũng không quấn mẹ nhiều. Mỗi lần chuyển trường cho con, tôi đều rút ra ít nhiều kinh nghiệm.



Trường học đầu tiên: Bé viêm họng cấp sau 3 ngày đi lớp vì khóc nhiều



13 tháng tuổi, con đi lớp lần đầu tiên. Để giúp con thích nghi nhanh ở lớp, tôi thường cho bé đến trường chơi và làm quen với cô trước đó. Tôi cũng trao đổi nhiều với cô giáo về những sở thích của bé, về cách dỗ bé nhanh nín.



Mỗi lần đón bé, tôi đều hỏi thăm cô xem bé có khóc nhiều không để biết tình hình của con ở lớp và các cô đều nói: "Con khóc vậy là ít, con ngoan mẹ ạ". Nhưng sau 3 ngày học, bé Na nhà tôi ốm sốt và được chẩn đoán viêm họng cấp. Tôi cho bé nghỉ học hẳn để chăm sóc bé ở nhà mặc dù nhiều người khuyên tôi là không nên làm vậy, sau này bé sẽ rất khó đi lớp.




Tuy không phải là một cô bé nhút nhát ở môi trường mới nhưng bé Na đã khóc đến khản cả giọng trong ngày đầu tiên đi học.




Trường học thứ 2: Bé lại viêm họng cấp sau 3 ngày đi lớp và những điều bất ổn


Sau 2 tháng, tôi quyết định cho bé đi học ở một trường dạy theo phương pháp Montessori. Trường mới mở nên cơ sở khang trang và nhiều đồ dùng học tập đẹp. Tôi cảm thấy yên tâm hơn khi cô hiệu trưởng nói: "Để giúp con làm quen với lớp, cô sẽ cho mẹ đi học cùng bé để bé không bị sốc khi đi học".



Tôi bắt đầu với những buổi đưa bé đến trường để làm quen trước khi nhập học chính thức và mỗi lần như vậy, con đều tỏ vẻ hứng thú. Nhưng tôi được cô phó hiệu trưởng khuyên: "Mẹ nên tách bé ra từ ngày học đầu tiên để cô giúp việc cho bé đi học, như vậy bé sẽ ít theo mẹ và dễ làm quen với lớp hơn. Tôi đã tin cô giáo và kế hoạch đi học lần hai thất bại ngay buổi học đầu tiên.



Ngày đầu tiên đón bé ở lớp, tôi bước vào lớp mà cô giáo không biết. Con tôi ngồi xó lớp khóc khản cả giọng, cổ áo bé ướt đẫm nước mắt như được quấn một chiếc khăn ướt, người bé lả đi là không nhận ra mẹ đến. Mặc dù trước khi cho bé đi học, tôi đã nói chuyện với cô giáo về vấn đề bé nhà tôi ở nhà khóc rất ít nên nếu bé khóc nhiều, mong nhà trường gọi điện thông báo với mẹ để đón bé về, nếu không bé sẽ bị viêm họng cấp. Các cô giáo vội vàng săn đón và giải thích cho tôi.



Trên đường về nhà, nhìn con bước đi mà tôi xót hết cả ruột gan, bé bước liêu xiêu không còn nhanh nhẹn vì một ngày phải khóc quá nhiều. Trong khi mỗi lần mẹ gọi điện cô đều bảo: "Con ngoan, con khóc ít lắm mẹ ạ, mẹ cứ yên tâm".



Tôi vẫn tin tưởng việc bé đi học phải khóc nhiều là bình thường nên quyết tâm đi học cùng con. Tôi theo con đến lớp một tuần sau đó và chứng kiến nhiều sự thật giật mình:



- Tuy là phương pháp Montessori nhưng các bé bị học một cách áp đặt, các bé luôn bị các cô bắt phải ngồi bàn ghế suốt một giờ đồng hồ, thậm chí, các cô còn bắt bé ở lứa tuổi 12 - 18 tháng ngồi im, ngồi ngay ngắn không được ngồi xoay người mặc dù trên bàn không có gì để chơi.



- Các con được ăn chung thìa với nhau. Khi đến giờ ăn, cháo được mang ra ngay sau khi vừa múc ở nồi và còn rất nóng. Các bát cháo được đặt trên bàn, giữa bàn là một chiếc đĩa để nhiều thìa nhưng mỗi cô chỉ dùng duy nhất một chiếc thìa và đút cháo cho các con.



Các cô bế ngửa con ra và đút cháo cho con trong khi cháo nóng. Tôi đút cháo cho bé nhà tôi ăn xong thì các cô đã đút cháo xong cho cả lớp. Mỗi khi tôi nhìn các cô cho các con ăn thì cô giải thích: "Bố mẹ cháu dặn là phải ép ăn thế này thì cháu mới chịu ăn nên nhờ các cô ép".



- Cô dùng giấy cuộn để lau mũi cho các con và tệ hơn, cùng một lần giấy vệ sinh đó, cô lau mũi cho 2-3 cháu một lúc. Trong khi ở lớp này, đa số các con bị mũi xanh (viêm mũi).



- Quan sát các bé ngủ trưa, trong khi con tôi ngó ngoáy không yên với đủ mọi trò nghịch ngợm thì có 2 em bé nằm bên cạnh mới chỉ hơn một tuổi thôi đã nằm im, mắt nhìn lên trần nhà, tay vắt lên trán và "chờ đợi đến hết giờ ngủ trưa".



- Các cô liên tục quát mắng bé khi bé muốn chơi đồ chơi mới và hay chê bé mỗi khi bé làm việc gì đó không đạt.



Sau một tuần đó, bé Na nhà tôi vẫn chưa theo các cô và đã hết thời gian nhà trường cho phép mẹ được đi học cùng con. Vợ chồng tôi suy nghĩ kỹ càng và cuối cùng quyết định cho con nghỉ hẳn dù đã đóng tiền học phí. Bởi tôi không muốn bé có một tuổi thơ phải đi học trong sự cứng nhắc và liên tục nhận những lời chê từ cô giáo.



Lần thứ 3 chuyển trường, tôi đã tìm được môi trường phù hợp cho bé.





Trường học thứ 3: Thành công ngoài mong đợi



Sau khi cho bé đi học 2 trường đều thất bại, tôi đi tìm hiểu thêm 6 trường mầm non nữa và quyết định lựa chọn trường học theo lời giới thiệu của bạn tôi. Ở ngôi trường thứ 3 này, tôi thả bé ngay từ buổi học đầu tiên và vẫn tiếp tục nhắc lại những đặc điểm của bé, mong được nhà trường giúp đỡ.



Có một điểm khác biệt lớn ở ngôi trường thứ 3 là cô hiệu trưởng rất lo lắng quan tâm đến tình trạng của bé, cô còn khuyên nhà tôi xa trường quá, sợ bé đi học vất vả. Khi đến đón con, cô lo lắng nói: "Con khóc nhiều đấy mẹ ạ, khóc buổi sáng nhưng cô Thảo bế đi chơi nên chiều quen rồi, con không khóc nữa".



Chiều đến đón con, tôi thấy con chơi ngoan, vui vẻ với các bạn mà không tin vào mắt mình. Và những ngày sau đó, bé hào hứng đi học, tạm biệt mẹ cũng không hề khóc. Bé chỉ mất một buổi sáng để làm quen với trường mới.



Qua 3 lần chuyển trường cho con, tôi hiểu rằng con khó thích nghi với lớp không phải hoàn toàn do con, vì bản tính con không phải là một em bé nhút nhát sợ môi trường mới. Với các bé như Na, nếu hiểu được tâm lý của con thì không khó để dỗ dành. Con có thể khóc nhiều trong buổi đầu đi học nhưng khi được vỗ về sẽ hòa nhập nhanh chóng. Việc bỏ mặc con kiểu: "Con phải khóc một tháng thì mới quen lớp", tôi tin không đem lại hiệu quả gì.