Các mẹ có con lên 3 thử tham khảo xem có cải thiện được tình hình giảm stress không nhé :4:



Từ 2 đến 3 tuổi, trẻ phát triển mong muốn độc lập và thường rơi vào khủng hoảng. Nhiều bà mẹ đã 'cầu cứu' đến bạn đọc VnExpress khi gặp tình trạng con hư, bướng bỉnh... Thạc sĩ Trần Thị Lệ Thu, giảng viên tâm lý Đại học Văn hóa Hà Nội, sẽ giải đáp về tâm lý trẻ em lứa tuổi này.


Ở tuổi 2-3, hành động của trẻ chưa có động cơ rõ ràng và đầy đủ, động cơ hành động của trẻ chưa trở thành hệ thống dựa trên trật tự ưu tiên về tầm quan trọng nhiều hay ít. Ví dụ hôm nay anh Kim (6 tuổi) đồng ý không đi chơi công viên vì biết bà ngoại bị ho không dẫn mình đi được và nếu đi thì bà có thể bị ốm. Trong ví dụ này Kim đã hiểu rõ vì sao không nên đi chơi, còn trẻ ở độ tuổi 2-3 phải học mới biết được điều này. Cũng ở độ tuổi 2-3, khả năng tự điều khiển hành vi của trẻ còn hạn chế, chính vì vậy trẻ rất khó khăn khi phải kiềm chế không làm điều mà mình thích.


Cuối tuổi lên 2, đầu tuổi lên 3 trẻ bắt đầu ý thức về bản thân mình, biết mình có tên riêng, mình là con gái hay con trai, phân biệt mình với mọi người và thế giới xung quanh. Khả năng tự ý thức về bản thân khiến trẻ nảy sinh ý muốn và hành động phân biệt mình với người khác, đặc biệt trẻ bắt đầu thích nghe lời đánh giá và nhận xét của người lớn về mình, thích được khen.


Tuổi lên 3 trẻ bắt đầu so sánh mình với người lớn, muốn tự làm mọi việc, muốn có quyền đối với mọi vật xung quanh, muốn trở thành người lớn ngay tức khắc; đặc biệt không muốn người lớn can thiệp vào hoạt động của mình (muốn tự mình chọn quần áo, tự khoá cửa, tự rót nước). Mong muốn được làm người lớn, được độc lập là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của trẻ đến giai đoạn mới; nhưng đồng thời cũng làm xuất hiện tính bướng bỉnh, ích kỷ và hỗn láo (đặc biệt là hỗn láo đối với người lớn). Ví dụ: Thuỷ Tiên (37 tháng tuổi) muốn làm mọi việc như người lớn: muốn đi chợ mua cặp tóc mầu đỏ, muốn cắt tóc cho em, muốn lái xe ôtô và muốn vẽ cả bức tranh to như bác, nhưng bố mẹ em lại không thể thoả mãn được những ý muốn đó, vì thế xảy ra cái gọi là “cuộc khủng hoảng của tuổi lên 3”.


Chị Thi (có con trai 27 tháng tuổi) và chị Oanh (có con gái 39 tháng) cũng cảm thấy khó khăn khi các con thể hiện thái độ bướng bỉnh, bất tuân lời, luôn tự làm theo ý mình.


Đọc những thông tin trên chắc hai chị cũng hoàn toàn đồng ý với tôi rằng hiện thời con các chị đang trải qua những diễn biến tâm lý tương tự như thế. Chắc các chị cũng sẽ tự hỏi rằng: Mình đã hiểu con mình chưa nhỉ? Mình đã kiên trì và bình tĩnh giải thích, hướng dẫn mọi việc cho con chưa? Đã có lúc nào mình áp đặt con quá đáng chưa? Mình đã làm gì để con biết như thế này mới là ngoan và như thế kia là hư? Và liệu mình có làm gì sai để con bắt chước? v.v...


Cháu của chị Thi có biểu hiện ích kỷ, giành đồ chơi của bạn, cháu thích tự làm theo ý mình, thích chơi với các anh chị lớn vì như thế có thể cháu được nhường đồ chơi, và đặc biệt được khẳng định mình đã lớn như anh chị rồi. Nếu chị tổ chức tốt các trò chơi và tình huống để cháu được đóng vai như làm chị, làm anh, làm ca sĩ, hoặc làm bác sĩ thì cháu có thể sẽ phần nào thoả mãn được mong muốn của mình (được tự mình khám bệnh cho mẹ, tự chọn bài hát, tự phân việc cho các em). Cháu chán đi học vì cô giáo dạy toàn bài cũ, không hấp dẫn hoặc đó chỉ là lý do để cháu khỏi phải đi học. Nếu chị tìm cách nào đó để biến việc không thích đi học của cháu thành việc muốn được đi học thì chị sẽ thành công. Tuổi này cháu thích làm người lớn, phát triển tính tự hào và muốn được khen, do vậy chị có thể giải thích rằng: con đi học để con còn đóng vai cô giáo, cùng cô dạy các bạn bài hát mà con đã biết (chị có thể trao đổi với cô giáo để giúp cháu làm điều này, ví dụ như cô cho cháu được bắt nhịp cho các bạn hát bài mà cháu đã thuộc hoặc cháu hát mẫu cho các bạn), như thế con thật là giỏi, các bạn sẽ rất thích được như con; đi học con còn được tập thể dục, được vẽ, được phiếu bé ngoan... Tuyệt đối không đánh hoặc doạ cháu rằng hư và bướng là mẹ bắt đi học, hoặc hư là mẹ mách cô giáo, vì như vậy sẽ làm cháu sợ và ác cảm với cô giáo, với trường lớp. Chị cần kiên trì giải thích đi giải thích lại và dẫn ra hành động thật cho cháu (tất nhiên có mức độ, không nên quá nhiều).


Con gái của chị Oanh cũng vậy, có biểu hiện bướng bỉnh và thích làm người lớn, thích tự chọn quần áo, giầy. Tương tự như chị Thi, chị nên tổ chức hoạt động chơi phù hợp cho cháu, đặc biệt cần kiên trì giải thích để cháu dần hiểu. Trong lúc cháu không tự kiềm chế được chị cần bình tĩnh giải thích và di chuyển chú ý của cháu sang chuyện khác, ví dụ như chị có thể mang ảnh cưới cô Hoa hoặc ảnh cả nhà đi công viên ra cho cháu xem và nói: con thấy chưa, khi nào đi dự đám cưới hoặc đi chơi công viên mẹ sẽ cho con chọn giầy và quần áo, còn đi học thì bạn nào cũng phải mặc đồng phục, như vậy mới là học sinh ngoan, cô và các bạn mới yêu. Chị có thể giải thích cho cháu mọi việc trước khi đi ngủ nhưng không nên bắt cháu phải nghe nhiều và hứa nhiều quá, vì lúc này với cháu tình huống đã qua lâu rồi; được giải thích và hướng dẫn trong trường hợp cụ thể mà trẻ nghe thấy, cảm thấy và nhìn thấy thì hiệu quả hơn là nói suông. Việc cháu khóc, giật tóc và cắn tay mẹ, có thể là do cháu ức chế quá (vì không được làm theo ý mình thích), không tự chủ được, khi đó chị cần nhẹ nhàng di chuyển chú ý của cháu sang việc khác (để cháu quên nghiến răng đi), không nên đánh lại cháu hoặc quát mắng quá nặng nề.


Hiểu trẻ đã khó, dạy trẻ càng khó hơn, và làm gương cho trẻ càng không dễ. Không hiểu trẻ người lớn sẽ chủ quan áp đặt mong muốn của mình cho trẻ, như thế rất dễ đẩy trẻ lún sâu hơn vào cái gọi là “khủng hoảng của tuổi lên 3”, càng lún sâu thì lại càng khó giúp trẻ vượt qua. Vì vậy người lớn chúng ta cần có sự hiểu biết về tâm lý trẻ; cần kiên trì, bình tĩnh và sáng suốt để có thể mang lại cơ hội phát triển tích cực cho con mình. Và một điều nữa các nhà tâm lý học thực hành khuyên rằng: dạy trẻ bằng cách đánh đòn, doạ nạt là biện pháp rất bất đắc dĩ, dễ mang lại hiệu quả tiêu cực khó lường.


Ths. Trần Thị Lệ Thu


Giảng viên tâm lý Trường Đại học Văn hóa Hà Nội