Học kỹ năng sống - Đừng để tiền mất tật mang


Sau nhiều năm nền giáo dục chỉ chú ý đến lý thuyết và thi cử, bây giờ xã hội đã nhìn nhận đúng đắn hơn về sự cần thiết của các kỹ năng mềm trong cuộc sống cũng như tầm quan trọng của việc giáo dục những giá trị sống đúng đắn. Gần như ngay lập tức xã hội đổ xô sang thái cực đối ngược và cùng với đó là "hiện tượng" các lớp học về kỹ năng sống, giá trị sống nở rộ như nấm sau mưa.


Nhà nhà dạy kỹ năng, người người học kỹ năng


Phong trào giảng dạy kỹ năng sống trở nên rầm rộ sau thành công của một số "thủ lĩnh" đi đầu trong việc tiếp cận thị trường, miền Nam có Trung tâm thanh thiếu niên Miền Nam với sản phẩm "Học kỳ quân đội" và TGM với sản phẩm "Tôi tài giỏi" thu hút gần 60 nghìn lượt người trong vòng 21 tháng. Miền Bắc có Tâm Việt Group với những khóa học kỹ năng mềm cho các đối tượng từ trẻ em cho tới doanh nghiệp. Theo khảo sát sơ bộ, hiện cả nước có khoảng hơn 200 đơn vị có tổ chức các hoạt động liên quan tới đào tạo kỹ năng sống, chưa kể tới hàng trăm giảng viên tự do tham gia giảng dạy trực tiếp tại các trường.


Nhiều giảng viên từng đi giảng, nói chuyện với các cơ sở tâm sự: "Vui thì có vui, bởi ngày càng có nhiều người nhận thấy trẻ em và chính chúng ta, còn thiếu hụt các kỹ năng sống. Tuy nhiên, cũng có nỗi buồn, bởi nơi nơi nháo nhào làm cái điều mà chưa thực sự hiểu bản chất của nó. Có nơi tập trung vài trăm em vào một hội trường nóng như thiêu để "học kỹ năng sống", mà thật ra là để nghe thuyết giảng về kỹ năng sống. Lại có gia đình muốn mời thầy về dạy kỹ năng sống cho đứa con mới học lớp mẫu giáo, yêu cầu chỉ một thầy một trò và học cấp tốc, do "cháu nhút nhát, không dám nói trước đám đông, đi đâu cũng bám bố mẹ". Gia đình có trả thù lao hậu hĩnh bao nhiêu chăng nữa, thì người thầy có lương tâm cũng chẳng dám nhận ‘ca' này".


Có thực trạng này bởi nhiều người không hiểu "kỹ năng sống" là gì và nhiều phụ huynh, thậm chí thầy giáo muốn mời các giảng viên tới dạy cho con em hay cho học sinh tại trường mình tham gia các lớp học kỹ năng sống với cách nhìn nhận đó là chiếc đũa thần, vung lên một lần là xong, chỉ qua một lớp kỹ năng thuyết trình là con em, học sinh mình sẽ "bỗng dưng trở thành"... nhà hùng biện.


Kỹ năng sống phải qua trải nghiệm


Khoa học đã chỉ ra: Để thành đạt trong cuộc sống thì kỹ năng mềm chiếm 85%, kỹ năng cứng chỉ chiếm 15%. Một trong những phương pháp giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống chuẩn xác và hiệu quả là học qua hành động (learning by doing). Với nhóm trẻ nhỏ, đó có thể là những hoạt động vui chơi có định hướng, những trò chơi được thiết kế có mục đích và có hệ thống giảng viên, trợ giảng hỗ trợ, giúp trẻ không chỉ có điều kiện vận động, chơi đùa mà còn đặt nền tảng khá vững chắc để phát triển những kỹ năng sống. Với nhóm trẻ từ 12- 16 tuổi, đang trong giai đoạn định hình nhân cách và khẳng định cái tôi, những hoạt động trực tiếp, những buổi dã ngoại lao động tập thể, những hoạt động xã hội như giúp đỡ người già, thăm và chơi với các em bé mồ côi,... trồng rừng, chăm sóc vườn cây sẽ mang lại các giá trị sống tốt đẹp và khả năng làm việc nhóm, hợp tác chung rất tốt.



Hiện tại, một số đơn vị áp dụng phương pháp giáo dục này trong việc thiết kế và tổ chức lớp, được nhiều phụ huynh đánh giá cao về hiệu quả. Trong Nam có chương trình của tổ chức IDO dành cho lứa tuổi từ 5-12 tuổi với tiêu chí "chơi sáng tạo là học đỉnh cao". Ngoài Bắc có Học kỳ Panda của Công ty Masvic dành cho lứa tuổi từ 12-16 với tiêu chí "giá trị qua trải nghiệm" bằng các học kỳ dã ngoại. Các buổi học kỹ năng được lồng ghép vào các trò chơi tập thể, giá trị sống được khéo léo gắn vào các buổi giao lưu với những tấm gương nghị lực như Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng, Khúc Hải Vân,... Và không gì khiến các em cảm nhận giá trị lao động rõ hơn khi tự hái rau, gọt mướp hay tự nấu một bữa cơm bằng bếp củi. Đúng như GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của chương trình tâm sự: "Thời của chúng tôi, cuộc sống quá khó khăn, ai cũng biết tôn trọng giá trị lao động, biết thương yêu, chia sẻ với cha, mẹ, gia đình. Bây giờ, không thể bắt các cháu khổ hay nghèo để hiểu được giá trị sống. Phương pháp giáo dục qua hành động như Học kỳ Panda sẽ làm trẻ tự thu hái những giá trị sống mà vẫn hào hứng, thoải mái".



Giá một khóa học kỹ năng sống hiện thời không rẻ, chừng trên dưới 5 triệu đồng, nên các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ lưỡng hơn, cần có hiểu biết cơ bản về các phương pháp dạy kỹ năng sống và giá trị sống để có được sự lựa chọn chính xác, phù hợp nhất với con em mình, tránh tình trạng "tiền mất, tật mang".


(theo ttol)