10 Khoảnh Khắc Khôn Lớn Đầu Đời Của Bé


Chứng kiến những khoảnh khắc lớn khôn của con mỗi sớm mai thức dậy là trải nghiệm hạnh phúc mênh của người làm cha mẹ. Các chuyên gia cho rằng, trong 2 năm đầu đời, não và cơ thể của bé phát triển với tốc độ rất nhanh chóng. Sau một giấc ngủ ngon liền mạch suốt đêm, mỗi sớm mai thức dậy bé lại lớn khôn thêm một chút, biết nhiều hơn một chút. Đây là 10 khoảnh khắc khôn lớn sớm mai rất đáng lưu giữ lại bằng những tấm ảnh, clip, trở thành món quà vô giá cho mẹ, cha và cả con yêu của bạn sau này.


1. Ngày con cất tiếng khóc chào đời đánh dấu sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời bạn. Tiếng khóc này phản ánh hệ hô hấp của trẻ bắt đầu hoạt động và thực hiện các quá trình trao đổi khí, trao đổi chất qua các mạch máu ở phổi, bắt đầu cuộc sống bên ngoài lòng mẹ.


2. Nụ cười xã hội đầu tiên: 2 tháng tuổi, nếu bạn nắm bàn tay con, âu yếm gọi: “Con ơi, đêm qua con ngủ ngon không?”, có thể con sẽ cười đáp lại. Lúc này, hệ thống thần kinh và thị giác của bé đã phát triển đủ để bé thấy mẹ và đáp lại bằng một nụ cười. Đây là nụ cười xã hội đầu tiên và là tín hiệu cho thấy bé đang phát triển tốt về mặt cảm xúc, không còn là nụ cười sinh lý vu vơ mà bạn vẫn bảo do “mụ dạy”.


3. Lần đầu tiên con biết lẫy thường đến trong khoảng bé 2-3 tháng tuổi. Lúc này, do sự phối hợp còn yếu, bé chỉ có thể lật ngửa thành úp mà chưa thể lật ngược trở lại. Nếu muốn ghi lại khoảnh khắc con lật từ úp về ngửa, bạn hãy đợi đến khoảng tháng thứ 5.


4. Bữa ăn dặm đầu tiên của bé nên bắt đầu lúc 6 tháng. Nếu bạn thấy bé đã biết ngóc đầu, có thể ngồi dựa, có động tác nhai chóp chép hay ngậm chiếc thìa vào miệng và tỏ ra háu ăn, nhìn chằm chằm vào các món mẹ ăn… nghĩa là con đang muốn nói: “Con thèm thức ăn đặc rồi đấy. Mẹ cho con thử đi”.


5. Tiếng cười thành tiếng đầu tiên: Bạn cũng sẽ nhận được những tiếng cười khanh khách của con khi chơi trò ú òa với con lúc 6 tháng tuổi. Trò chơi đơn giản này nhưng lại cực kỳ hứng thú với bé và giúp bé hiểu hơn về khái niệm vĩnh cửu tương đối. Bé biết rằng, dù khuôn mặt mẹ giấu sau tấm chăn, bàn tay, cánh cửa nhưng mẹ vẫn ở đó. Bé cảm thấy yên tâm, an toàn và vui chơi thỏa thích hơn.


6. Bé bắt đầu bò trong khoảng 6-10 tháng. Để khuyến khích bé bò, bạn có thể đặt những món đồ chơi bé thích ở phía trước và khuyến khích con bò tới. Bạn cũng cần đảm bảo không gian thoáng, sạch để bé thỏa sức khám phá và quan sát không rời mắt nếu bé đang ở trên giường cao, tránh bé ngã xuống đất.


7. 2 tháng sau “kỷ lục bò”, bé biết ngồi. Nhưng bé của bạn chỉ tự ngồi được ít phút thôi rồi lại bò ra chỗ mẹ, ngồi dựa lưng vào mẹ để chơi. Bước phát triển này đánh dấu bé đã có đủ sức mạnh ở cánh tay, đầu, cổ, kiểm soát cơ thể tốt, biết giữ cân bằng và thị lực cũng đã cải thiện, cho phép bé nhìn được những vật ở xa hơn.


8. Bé biết đu lấy chân mẹ, bám vào thành giường, thành ghế để kéo mình lên lần đầu tiên khoảng 8 tháng tuổi. Bé nhận ra mình “thừa” khả năng để tự lẫy, ngồi, bò, đứng được một mình và sẵn sàng cho việc bước đi.


9. Những bước đi đầu tiên: Khi con 10-18 tháng, bạn sẽ vô cùng hạnh phúc khi bất ngờ đón nhận những bước đi đầu tiên của con, sau nhiều ngày con bám vào đồ đạc trong nhà để tập đi. Đây là khoảnh khắc quan trọng, cho thấy bé đã phát triển tốt về thể chất và cả cảm xúc. Đi bộ đòi hỏi bé phải có sức mạnh cơ bắp, biết phối hợp, kiểm soát cân bằng và phải tự tin nữa.


10. Tiếng gọi đầu tiên: Tiếng “mẹ”, “bà” ngọng ngịu bật ra sớm nhất khi bé khoảng 6 tháng. Từ đây về sau, bé sẽ bắt chước được nhiều từ của những người chung quanh mình. Đến 19-24 tháng, mặc dù vốn liếng chỉ có khoảng 50 từ, nói được câu có từ 2-4 từ nhưng bé đã hiểu hầu hết những gì bạn nói. Để khuyến khích con nói nhiều và nhanh hơn, bạn nên nói chuyện với con mỗi ngày.