Mới đây, một trường hợp bố mẹ bỏ rơi con mới đẻ vì trông bé quá xấu khiến nhiều người dậy sóng căm phẫn.


Sinh con ra nhưng lại rũ bỏ trách nhiệm, không chịu nuôi nấng dù vì lý do gì đi nữa cũng đều rất đáng bị lên án. Nhất là trong các trường hợp bé bị đau ốm cần sự yêu thương, hơi ấm của bố mẹ để bình phục hoặc chí ít là khiến con được an ủi trong cuộc đời ngắn ngủi của mình.


Em có đứa em gái khác cha khác mẹ (nó là con riêng của mẹ kế em đấy ạ). Tuy hai chị em không cùng dòng máu nhưng vẫn rất yêu thương và bảo bọc nhau vì nó vốn rất ngoan lại quan tâm đến em lắm. Nó lấy chồng và mang thai, đáng buồn là lúc siêu âm ở tuần thứ 16, bác sĩ mới phát hiện ra bé mắc tật vô sọ (sọ bị khuyết đi gần hết luôn). Họ khuyên gia đình nên đình chỉ thai đi vì dù có để lớn lên, đẻ ra thì con cũng không sống được đâu. Em gái em khóc cạn nước mắt, đứa con đầu tiên trong đời nhưng sao số phận lại quá khắc nghiệt đối với nó. Vì thai đã được 4 tháng rồi, đã lớn, đã là một sinh linh có sự phát triển cơ thể và trí não nhất định nên nó can đảm thuyết phục chồng và gia đình cho giữ con lại, nói chung kiểu còn nước còn tát đấy ạ. Mọi người thương nó quá nên xuôi theo, gật đầu chấp nhận mà trong lòng lo lắng, xót xa quá đỗi! Các mẹ biết sao không, 8 tháng sau, bào thai yếu quá lại có dấu hiệu bị cạn ối nên bác sĩ buộc phải mổ bắt con sớm. Lúc y tá thông tiểu cho em gái xong, đẩy nó sang phòng mổ, trên đường đi, nó nắm chặt tay chồng khóc mếu máo: “Anh ơi dù con có bị sao đi nữa thì cũng ráng xin bác sĩ cho em được nhìn mặt con, được bế con một chút nhen anh!”. Sau 1 tiếng đồng hồ thực hiện ca mổ, em gái được đẩy về phòng hồi sức sau sinh, nó vẫn dáo dác hỏi mọi người, hỏi bác sĩ, hỏi tất cả những ai có mặt trong căn phòng ngày hôm đó: “Con em đâu, cho em nhìn mặt con một chút, chỉ một chút thôi cũng được”. Nó không biết rằng bé non tháng, không có hộp sọ, bị suy hô hấp nặng nên bác sĩ vừa lôi ra tầm hơn 5 phút đã tắt thở. Gia đình cũng muốn cho em gái nhìn mặt con lắm nhưng sợ bị sốc dẫn đến băng huyết, “lên máu” này nọ nên đành đem về nhà chôn cất luôn.


Đến bây giờ đã hơn 1 năm mà tiếng khóc xé lòng vì mất con của em gái vẫn còn ám ảnh trong tâm trí em. Đó là nỗi đau của một người mẹ trẻ không gì có thể bù đắp nổi. Dù con mình có khiếm khuyết, có xấu xí, có bệnh tật, có thế nào đi chăng nữa vẫn là con của mẹ, vẫn khiến mẹ trông ngóng hướng về, nguyện che chở cho con suốt đời. Ấy vậy mà, ở đâu đó trong cuộc sống này, vẫn còn những bà mẹ đành đoạn từ bỏ con mình chỉ vì không muốn nuôi, vì lầm lỡ trong cuộc sống hoặc bé sinh ra không may mắn có được sức khỏe tốt, ngoại hình bình thường như những đứa trẻ khác. Đọc báo vẫn thấy đầy tin bố mẹ bỏ rơi con mới đẻ ở bệnh viện, mẹ sinh xong mang con đi cho người khác… Thật là đau lòng!



Mới đây thôi, em nghe tin một chị mang thai mới 24 tuần đã sinh. Em bé chỉ nặng 800 gram. Mặc dù đẻ non như vậy nhưng bé vẫn kiên cường sống sót. Tuy nhiên, bé bị một căn bệnh liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể khiến làn da nhăn nhúm, xấu xí. Vì trông quá “khó coi” nên họ hàng, bạn bè đến thăm đã vô cùng sốc và thốt ra những lời không hay. Điều này khiến bố mẹ bé cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vì mình bình thường sao lại đẻ con ra quái dị, bệnh tật như vậy. Hai vợ chồng bắt đầu chán ghét và quyết tâm bỏ con đi không nuôi nữa.



Ông nội bé kể lại rằng, bố mẹ bỏ rơi con mới đẻ, không cho cháu bú sữa, bỏ đói bé đến mức cơ thể kiệt quệ, suýt chết. Đến động vật còn biết trân quý “núm ruột” của mình thì cặp đôi này là con người, làm cha làm mẹ mà lại có những hành động để trút bỏ gánh nặng con cái dã man, tàn độc đến như vậy. Ông nội thương cháu quá, khuyên nhủ đủ điều nhưng vẫn bất lực. Ông nói: “Con bé sinh ra khác biệt như thế đâu phải lỗi do nó. Tôi sẽ không vì cháu bệnh tật mà từ bỏ. Thật đáng buồn vì bố mẹ con bé đã không chấp nhận được nhưng tôi sẽ lấy hết tấm thân già này để chăm sóc cháu mình”. Thế là người ông đã đưa cháu gái về nhà nuôi nấng, vừa làm ông nội, vừa làm cha làm mẹ luôn. Mỗi ngày từng chút một, ông kiên trì đút từng thìa sữa dê đến khi đứa cháu bé bỏng khỏe dần lên. Khi cháu chẳng may bị ốm, ông nội đã không ngại khó khăn, đưa cháu gái vượt quãng đường hơn 138 cây số để đến bệnh viện chữa trị.




Bố mẹ đành đoạn bỏ rơi con mới đẻ vì bé có ngoại hình quá xấu




Ông còn chia sẻ thêm rằng: “Khi con dâu tôi mang thai, nó cũng đã nhiều lần đến trung tâm y tế lớn của làng kiểm tra nhưng bác sĩ nói đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh. Lúc chuyển dạ sinh con cũng rất bình thường nhưng khi bác sĩ trao đứa bé cho gia đình, tất cả chúng tôi đều rất sốc. Dân làng xung quanh ai cũng đồn đại về đứa bé có gương mặt quái lạ. Cả người thân và hàng xóm đều lũ lượt kéo qua xem mặt con bé. Khi nhìn thấy rồi lại hốt hoảng bỏ chạy. Không một ai dám bế đứa bé vì sợ sẽ bị lây bệnh”. Vẻ mặt ông trầm ngâm, bảo là sẽ cố gắng thuyết phục vợ chồng con trai nhận lại con, nếu chúng vẫn từ chối thì chính tay ông sẽ nuôi lớn cháu gái. Hy vọng duy nhất của ông là cháu mình được khỏe mạnh và sống một cuộc đời bình thường.



Bố mẹ bỏ rơi con mới đẻ, ông nội đã đứng ra nuôi nấng cháu gái bằng tất cả tình yêu thương




Chắc nhiều mẹ sẽ thắc mắc bố mẹ bỏ rơi con mới đẻ có vi phạm pháp luật hay không. Theo thông tin em tìm hiểu được thì Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi con của mình. Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng được áp dụng đối với trường hợp bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.


Trong trường hợp đứa trẻ bị bỏ rơi chết thì cha mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu đứa trẻ bị bỏ rơi trên 7 ngày tuổi thì tùy theo việc xác định mức độ lỗi của người bỏ rơi con có thể cấu thành tội Giết người hoặc tội Vô ý giết người. Nếu đứa trẻ dưới 7 ngày tuổi, người mẹ bỏ rơi con dẫn đến hậu quả đứa trẻ tử vong thì hành vi sẽ cấu thành tội Giết con mới đẻ theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc nhiều hơn nữa để hạn chế những vụ việc mẹ cố tình bỏ rơi con mới đẻ tương tự.


Câu chuyện về bé gái sinh ra với ngoại hình xấu xí ở ngôi làng Maharashtra, miền tây Ấn Độ trên đây là một trường hợp bố mẹ bỏ rơi con mới đẻ khiến dư luận xã hội phẫn nộ. Thực ra cháu bé đó còn may vì được người ông nội che chở, bù đắp. Vậy còn những trường hợp khác thì sao? Bé có được ai chăm sóc không hay bị bỏ mặc đến tử vong? Các bậc cha mẹ nên nhìn nhận lại bản thân mình để đảm bảo con sinh ra được hưởng đầy đủ quyền lợi như bao đứa trẻ khác.