:(


Con yêu!


Ngồi viết những dòng này mà nước mắt mẹ cứ chảy mãi không thôi. Thương con thật nhiều mà chẳng biết phải làm gì. Đến hôm nay là đúng tròn 1 tháng bác sĩ mổ cấp cứu để cứu mẹ con ta, mẹ đã chiến đấu giành giật sự sống và mẹ đã được trở về nhà hơn 10 ngày nay rồi. Thương con trai mẹ 1 tháng rồi mà vẫn phải nằm lồng kính, vẫn phải thở oxy, vẫn ăn qua đường truyền tĩnh mạch (hôm nay bố gọi điện về bảo bác sĩ nói con được 900g rồi, nay bác sĩ định rút ống thở oxy nhưng chưa được). Mẹ biết con khó chịu nhiều lắm khi phải đeo mấy cái ống đó trong người. Cách đây 1 tháng khi mẹ phải mổ lần 2 (cách lần 1 - mổ lấy con ra - đúng 1 ngày) vì máu không đông, tụ dịch trong bụng, mẹ đã bị suy hô hấp, đến khi tỉnh lại cũng thấy người đầy dây dợ, mũi mồm đều khó chịu (vì bị đặt ống nội khí quản và ống xông ăn). Lúc đó mẹ không có khái niệm về thời gian nhưng bác H của con chăm mẹ thì nói mẹ phải đặt ống nội khí quản 2 ngày, có 2 ngày thôi mà mẹ thấy khủng khiếp quá, chỉ đến khi được rút ống nội khí quản mẹ mới thấy mình đã thoát chết. Vậy mà con trai mẹ phải đeo cái ống đó 1 tháng nay rồi vẫn chưa thể được rút ra, huhu.


Mang thai con mẹ chỉ ốm nghén mất 4 tuần, sau đó mẹ ăn uống tốt, cảm thấy người khỏe lắm. Chính vì vậy mà mẹ chủ quan, cứ nghĩ vì mình ăn uống tốt nên béo nhanh (thực ra là gần 6 tháng đã bắt đầu bị phù mà mẹ không biết), đi tiêm phòng uốn ván, siêu âm thai, kiểm tra huyết áp, thử nước tiểu, mọi thứ vẫn bình thường. Đến hôm con 6 tháng đi siêu âm, mẹ có nói với bác sĩ là dạo này em tăng cân nhanh quá, bác sĩ bảo nếu ăn uống tốt mà tăng cân thì cũng không đáng lo lắm.


Có ngờ đâu chỉ sau đó 1 tuần khi thấy người mệt mỏi mẹ mới đi đo nhờ huyết áp thì huyết áp đã tăng lên 150/90. Hôm sau bố mẹ cuống cuồng đưa nhau đi bệnh viện tuyến huyện để kiểm tra (3 nơi thì 2 nơi đều kết luận huyết áp cao, xét nghiệm nước tiểu không vấn đề gì; chỉ có 1 nơi KL nước tiểu có protein niệu 30 mg/dl.) Tối hôm đó về bố con bảo mai đi xuống Hà Nội kiểm tra cho yên tâm, mẹ bảo “để em nghỉ ngơi mấy hôm xem, nếu không đỡ thì thứ 2 tuần tới sẽ xuống Hà Nội khám”. Hôm sau là thứ 6 ông ngoại con lại bị đau chân không đi được, thế là mẹ bảo bố cùng bác D đưa ông đi khám. Rạng sáng ngày thứ 7 (9/4) khi mẹ dậy đi vệ sinh bỗng thấy đau nhức hết 2 thái dương, cổ sau gáy thì cứng và đau, đến sáng thứ 7 thì thấy mắt cứ mờ mờ. Vậy là bố mẹ đưa nhau lên bệnh viện huyện. Đến 5h chiều bệnh viện cho mẹ chuyển xuống viện PSHN điều trị.


Các bác sĩ ở PSHN bảo mẹ bị tiền sản giật, nhưng vì thai còn nhỏ quá nên nằm điều trị để cố giữ thai được ở trong bụng mẹ thêm ngày nào hay ngày đó. 3, 4 ngày đầu nằm ở PSHN huyết áp của mẹ giữ được ở mức 130 – 140/90, nhưng những ngày sau đó thì huyết áp lại tăng cao + tình trạng phù của mẹ càng nặng. Mọi người đến thăm bảo nhìn mẹ như bị biến dạng, nhìn không nhận ra nữa. Đến ngày thứ 8, mẹ thấy khó chịu quá, bụng thì trướng lên như quả bóng muốn nổ tung, các bác sĩ quyết định đình chỉ thai nghén, mổ lấy thai để cứu mẹ. Họ làm lại các xét nghiệm cho mẹ trước khi mổ thì thấy tình hình ngày càng xấu đi: huyết áp tăng cao, có dấu hiệu suy gan, suy thận, rối loạn đông máu nên trong sáng hôm đó mẹ lại được chuyển cấp cứu sang BV Bạch Mai.


Tối 17/4 mẹ được mổ lần 1, cả quá trình mổ mẹ rất tỉnh. Mẹ chỉ nghĩ: thế là mẹ con ta sắp thoát khỏi tình cảnh khó chịu này rồi, mẹ con ta sắp gặp nhau rồi, Bon hãy bon về với bố mẹ và chị Kem nhé (chị Kem đã đặt cho con tên ở nhà là Bon đấy). Khi bác sĩ đưa được con ra khỏi bụng mẹ, mẹ nghe thấy bác sĩ bảo con trai; con trai mẹ khóc oe oe 3 tiếng, bs bảo “khổ thân con”, rồi bảo được 6 lạng, sau đó con được đưa vào lồng kính. Bs hỏi mẹ định đặt tên con là gì? Mẹ bảo: em chưa nghĩ ra tên cho cháu (vì ở nhà bố mẹ vẫn đang chọn tên cho con, còn chưa thống nhất chọn tên nào). Bs bảo em cứ đặt tạm 1 cái tên, sau này về làm khai sinh vẫn thay đổi được. Thế là mẹ bảo: Nguyễn Đình Phong ạ. Rồi con được chuyển đi. Mẹ còn nghe bs nói chuyện với nhau: ca này mà nuôi thành công thì là 1 kì tích. Nhưng chẳng đã có ca 5 lạng lên VTV hẳn hoi rồi là gì…. Đến cuối cùng mẹ vẫn nói được câu “Em cảm ơn các bác sĩ, vậy là em được cứu sống rồi”, sau đó người cứ run cầm cập.


Tưởng là đã thoát chết, có ngờ đâu sau đó mẹ đau bụng quá. Lúc đầu bác con bảo “Cố gắng chịu đau em ạ, đau chềnh dạ con đấy”. Thì mẹ cũng cố chịu nhưng đến lúc đau quá không chịu nổi, bác con 2 lần vào đề nghị thì bs cũng truyền giảm đau cho mẹ... Sáng hôm sau mẹ đau lắm, đau đến nỗi không chịu nổi, mẹ chỉ biết rên rỉ cầu bà ngoại con trên trời phù hộ, vì đau quá kêu to thì điều dưỡng bảo nhiều người bệnh nặng hơn còn không kêu, mới mổ xong ai chẳng đau. Đến lúc mẹ mê man, rên rỉ mãi cũng có 1 bs đến hỏi, khi nghe mẹ nói em đau lắm, em không đau vết mổ, em đau bên này (bên trái) thôi; bs mới mang máy siêu âm đến, rồi nhiều bs được gọi đến, rồi bác sĩ hội chẩn, rồi người nhà được gọi vào, rồi mẹ lại được mang đi mổ lần nữa… Chỉ biết rằng sau đó mẹ phải truyền thuốc, truyền máu nhiều lắm vào người, rồi tưởng phải mổ lần 3 nữa cơ…


Ôi trời ơi. Kể lại cho con mà mẹ cứ tưởng mình đang mơ con ạ. Vì chỉ cách đó không lâu bố mẹ còn vui vẻ nói với nhau: vậy là còn khoảng 10 tuần nữa là con ra đời, chắc sẽ đẻ mổ giống chị Kem. Mẹ còn bảo bố “anh còn hơn 2 tháng nữa đi làm để lấy tiền cho em đẻ mổ”. Vậy mà có ngờ đâu 2 mẹ con mình lại phải giành giật giữa sự sống với cái chết như thế này, đến lúc này mẹ mới thấm thía câu “gái chửa cửa mả”; cả nhà cứ náo loạn cả lên để xoay tiền cấp cứu cho mẹ…


Lúc mẹ sắp ra viện, cô điều dưỡng sau khi hỏi thăm biết con vẫn nằm lồng kính mới bảo “chị phải phấn chấn lên, đừng nghĩ ngợi nhiều kẻo trầm cảm nữa thì khổ lắm chị ạ”. Mẹ ừ mà trong lòng cứ thắc mắc: nghĩ ngợi gì chứ, con được nằm lồng kính thì yên tâm là con sẽ được cứu sống mà. Mẹ nghĩ thật đơn giản.


Mấy ngày hôm nay, khi đã khỏe hơn mẹ mới vào mạng tìm hiểu trẻ sinh non, mẹ cứ khóc suốt khi nghĩ về con trai của mẹ. Nhiều bạn nhỏ khác cũng sinh non như con nhưng hầu hết đều trên 30 tuần, cân nặng chí ít cũng 1,2 kg, còn toàn hơn 2 kg mà bố mẹ các bạn ấy còn xót xa vì bao nhiêu rủi ro bệnh tật; vậy mà con trai mẹ chỉ có 6 lạng. Cứ nghĩ đến đây là mẹ lại khóc, lại mất ngủ, lại không ăn được.


Mẹ đếm từng ngày con mẹ nằm lồng kính. Khi qua ngưỡng 10 ngày mẹ mừng thầm vì như vậy là có hi vọng vì mẹ biết 1 vài trường hợp nằm lồng kính 7 ngày là mất. Nhưng giờ đây khi tìm hiểu thêm về những bạn sinh non thì mẹ thấy lo lắng quá con ơi.


Chị Kem lúc nào cũng hỏi: Sao bác sĩ lại mổ bụng mẹ? Sao em Bon lâu về thế mẹ? Bác sĩ có lấy mất em Bon của con không mẹ? Bác sĩ bế mất em con à mẹ? Con muốn được bế em, được thơm em... Mỗi lần chị hỏi những câu như vậy mẹ lại đau thắt ruột. Từ khi con sinh ra mẹ mới được nhìn con 1 lần hôm mẹ ra viện, không biết đến bao giờ mới được bế con trên tay.


Cầu mong con trai mẹ thật kiên cường, mau chóng khỏe mạnh để về nhà với bố mẹ và chị Kem. (Để cứu mẹ, nhà mình đã phải vay mượn rất nhiều, chặng đường phía trước của nhà mình còn quá nhiều khó khăn, nhưng bố mẹ sẽ cố gắng hết sức, chỉ mong con khỏe mạnh về với bố mẹ thôi con yêu ạ).