Phần 1: Trẻ sinh non và các thua thiệt về sức khoẻ



Sinh non, nghĩa là bé ra đời sớm hơn dự kiến, khi cơ thể vẫn chưa kịp hoàn thiện tất cả chức năng cần thiết cho điều kiện sống ngoài bụng mẹ. Điều đó có nghĩa là bé sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khoẻ hơn? Và tương lai nào sẽ chờ đợi một em bé sinh non?





Ảnh: Gettyimages.



Có phải bé sinh non có nhiều nguy cơ sức khoẻ hơn?



Mỗi em bé là một cá thể riêng biệt, nên không có câu trả lời nào đúng cho tất cả. Bé sinh càng non và càng nhỏ bé thì càng có nguy cơ cao về sức khoẻ. Có rất nhiều bằng chứng từ hai cuộc nghiên cứu lớn trên các bé sinh cực non (tức ra đời sớm nhất mà một em bé có thể sống sót ngoài bụng mẹ).



Trong nghiên cứu EPICure, các nhà nghiên cứu theo đõi sự phát triển của những em bé sinh cực non ra đời vào năm 1995. Kỹ thuật chăm sóc trẻ sinh non tại bệnh viện được cải thiện đáng kể từ sau nghiên cứu này. Đến năm 2006, một cuộc nghiên cứu tương tự với tên gọi EPICure 2 cũng được tiến hành.



Hai nghiên cứu này thực hiện trên những em bé ra đời sau khi chỉ có vỏn vẹn 26 tuần nằm trong bụng mẹ, trong khi một thai kỳ trọn vẹn kéo dài khoảng 40 tuần – các bé sinh ở khoảng 40 tuần thai được cho là đủ tháng, tức các bé sinh non đến hơn 3 tháng (14 tuần) so với ngày dự sinh. Một số bé tham gia cuộc nghiên cứu này được theo dõi đến tận năm 11 tuổi.



Cơ hội sống sót của các bé sinh non tăng đáng kể trong những năm qua nhưng các bé sinh cực non vẫn phải đối mặt với các nguy cơ sức khoẻ và thách thức về phát triển cao hơn. Bại não, khó khăn trong học tập, các vấn đề về hành vi và hô hấp được ghi nhận ở trẻ sinh non cao hơn hẳn so với trẻ sinh đủ tháng.



Tuy nhiên, cần nhớ rằng các nghiên cứu này được thực hiện trên những em bé sinh non nhất và bé nhất. Chỉ có một số ít bé sinh cực non như vậy. Hầu hết – khoảng 80% - các bé được cho là sinh non chào đời ở khoảng 32-36 tuần thai, và các bé này được gọi là trẻ sinh non muộn.



Nhìn chung, thai nhi càng ở trong bụng mẹ lâu bao nhiêu, hay càng gần thời điểm đủ tuần thai bao nhiêu thì cơ thể bé càng hoàn thiện và có một nền tảng sức khoẻ tốt cho tương lai bấy nhiêu.



Trẻ sơ sinh thiếu tháng thường gặp phải những vấn đề sức khoẻ nào?



Nhiều trẻ sinh non có vấn đề về hô hấp khi sinh ra, do phổi của trẻ chưa có đủ thời gian để phát triển đầy đủ trước khi bé ra đời. Các bé có thể phải đặt ống thông khí hoặc nối với máy thở dành cho trẻ sinh non. Chỉ một số rất ít bé cần phải cung cấp oxy sau khi đã ra viện về nhà. Hầu hết các bé sẽ tự thở được sau thời gian chăm sóc đặc biệt.





Trẻ sinh thiếu tháng thường cần được hỗ trợ thở trong thời gian chăm sóc đặc biệt sau sinh. Ảnh: Gettyimages.



Một số bé sinh non có vấn đề về tim và cần phải phẫu thuật. Trong những ngày đầu, các bé sinh non cũng thường bị xuất huyết não, nhiễm trùng nghiêm trọng và gặp vấn đề ở đường ruột. Các bé cần được theo dõi y tế để phát hiện kịp thời bất kỳ dấu hiệu bệnh tật nào.



Trẻ sinh non có gặp vấn đề sức khoẻ lâu dài?



Bác sỹ sẽ nói với bạn về các vấn đề sức khỏe mà con bạn có thể phải đối mặt. Dù vậy, phần lớn những vấn đề này chỉ là dự phòng chứ không nhất thiết sẽ xảy ra. Sự không chắn chắn này có thể khiến gia đình của nhiều bé sinh non căng thẳng trong một thời gian dài.



Bạn cần hỗ trợ gì để chăm sóc trẻ sinh non tại nhà?



Trẻ sinh thiếu tháng thường sẽ trải qua những tuần đầu đời ở khoa chăm sóc sơ sinh đặc biệt. Bé chỉ được xuất viện khi đã đủ cứng cáp, tự thở và bú được. Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng ở nhà cũng đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức đặc biệt, bác sỹ và nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn và dặn dò bạn trước khi xuất viện.



Bạn cũng nên có bác sỹ nhi riêng cho con để có thể nhờ tư vấn khi cảm thấy lo lắng. Ngoài ra, diễn đàn và các hội nhóm dành cho bà mẹ tại Webtretho cũng là nơi để bạn chia sẻ thắc mắc, tâm sự cũng như tìm sự hỗ trợ cho việc chăm sóc bé sinh non tại nhà.



>> Xem tiếp: Tương lai của trẻ sinh non khi đi học.