Trẻ sơ sinh bắt đầu mọc răng sữa từ tháng tuổi thứ 6. Chiếc đầu tiên là răng cửa giữa, hàm dưới. Thời kỳ mọc răng sữa của bé bắt đầu trong khoảng từ 5 tháng đến 8 tháng tuổi. Không có mốc chuẩn cụ thể nào qui định cho thời gian mọc răng sữa của trẻ, một số trẻ mọc sớm lúc 3 – 4 tháng tuổi, có trẻ mọc răng lúc 6 – 7 tháng tuổi và một số trẻ có thể muộn hơn. Việc mọc răng nhanh hay chậm vài tháng là điều hoàn toàn bình thường. Thậm chí, có trẻ sinh ra đã có sẵn 1 hoặc 2 chiếc răng rồi gọi là “răng sơ sinh”. Giới hạn của tuổi mọc răng đầu tiên là từ lúc sinh tới 1 tuổi. Răng đầu tiên trung bình mọc vào 6 – 8 tháng tuổi. Hai răng cửa hàm dưới sẽ mọc đầu tiên, sau đó các răng khác sẽ tuần tự mọc.



Các triệu chứng khi trẻ mọc răng


Trẻ bỏ ăn: Trẻ giai đoạn này thường có biểu hiện bỏ bú hoặc chán ăn, do việc mọc răng gây khó chịu cho bé. Nếu việc bỏ bú xảy ra trong thời gian dài, trẻ không chịu ti mẹ hay ăn thức ăn dặm, khiến sức khỏe, cân nặng của trẻ giảm sút đáng kể. Bố mẹ cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn cách chăm sóc phù hợp. Có thể kéo dài thời gian giữa các cữ bú hay ăn dặm để bé thấy đói và đòi ăn.


Trẻ quấy khóc: Không phải trẻ nào cũng quấy khóc hay khó chịu trong giai đoạn mọc răng, vì quá trình mọc răng ở mỗi trẻ không giống nhau, do đó, bố mẹ cần quan sát kĩ, nếu trẻ quấy khóc, bứt rứt khó chịu. Cần có những biện pháp dỗ cho trẻ nín khóc như hát ru, đưa trẻ đi dạo, thu hút sự chú ý của trẻ bằng âm nhạc, đồ chơi phát nhạc…


Trẻ khó ngủ: Nếu thấy trẻ có biểu hiện khó ngủ, hay thức giấc vào ban đêm, mẹ có thể để bé tự ngủ lại hay dỗ bé ngủ bằng cách hát ru, hay xoa lưng, vỗ nhẹ vào mông bé…


Trẻ bị ho: Nếu bé ho nhẹ nhưng không kèm theo sốt, hắt hơi, sổ mũi thì không nên quá lo lắng, vì đây là biểu hiện bình thường do việc tiết nhiều dãi gây nên. Tuy nhiên, nên quan sát và đưa trẻ đến bác sĩ ngay nếu thấy trẻ ho bất thường như ho nhiều, cố dặn lấy hơi để ho, đỏ bừng mặt hoặc hơi tái khi ho, bé mệt mỏi, bỏ bú …


Trẻ chảy nước dãi: Khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng, thường là vào tháng thứ 4 sẽ có hiện tượng chảy dãi quanh miệng trẻ. Bố mẹ không cần lo lắng vì đây là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ. Hãy dùng khăn mềm lau sạch dãi cho trẻ để ngừa dãi chảy xuống cổ bé gây mẩn ngứa, khó chịu hoặc chảy xuống áo bé.


Trẻ bị ngứa răng và thích cắn: Khi mầm răng nhú lên sẽ khiến lợi của bé bị kích thích dẫn đến ngứa ngáy. Trẻ có xu hướng đút tay vào miệng nhai, hay nhai các đồ vật trong tay. Để đảm bảo vệ sinh và không làm hỏng nướu bé, bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ các dụng cụ, đồ chơi gặm nướu chuyên dụng. Mẹ có thể dùng dụng cụ trợ ti nếu hay bị bé cắn trong khi bú.


Sốt khi bé mọc răng: Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc trẻ bị sốt trong giai đoạn mọc răng là bình thường, do có nhiều trẻ chỉ sốt nhẹ, nhưng cũng có trẻ bị sốt cao, thậm chí co giật và kéo dài nhiều ngày. Vì vậy, bố mẹ cần hết sức lưu ý khi thấy bé bị sốt.


Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng


– Trước khi răng nhú lên, bạn sẽ thấy lợi của bé đỏ và sưng to, kèm theo sốt nhẹ. Mọc răng thường làm bé bị đau và rất khó chịu, do đó bé hay quấy khóc và lười ăn, thậm chí có thể sút cân. Vì vậy bạn nên vỗ về bé, thay đổi chế độ ăn của bé bằng bột, sữa hoặc cháo loãng.


– Sau khi ăn, nên cho bé uống một ít nước lọc để súc miệng, sau đó lau răng bằng khăn mềm; hoặc đánh răng cho bé. Nên làm thường xuyên nhiều lần trong ngày.


– Nếu trẻ được 12 tháng mà chưa thấy răng nào mọc thì phải coi là bất thường do thiếu dinh dưỡng, còi xương, cần cho trẻ ăn nhiều chất đạm, uống vitamin, đặc biệt là vitamin D.


– Bé cũng có thể đi ngoài phân nhão, sệt 3-4 lần/ngày, trong vòng khoảng 3-7 ngày. Nếu bé đi ngoài phân sệt nhiều lần trong ngày nhưng lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần cho uống bù nước, vẫn cho ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đến bác sĩ.


– Bé có thể ngứa lợi, thích mút ngón tay, cắn các vật rắn. Do đó bạn nên chọn cho trẻ loại đồ chơi bằng chất liệu mềm, có hình tròn. Những đồ chơi vuông thành sắc cạnh rất nguy hiểm vì dễ làm tổn thương lợi và ảnh hưởng không tốt đến quá trình mọc răng của trẻ. Tốt nhất bạn hãy thay thế đồ chơi hàng ngày của bé bằng những miếng lê, táo hay cà rốt nhỏ.


– Hãy đưa bé đến bác sĩ nếu tình trạng quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần lễ, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân. Nếu bé chỉ ăn ít trong vài ngày thì có thể không cần đi khám