Bé con nhà mình 5 tuổi, nói thật cứ mỗi lần nhìn cái dáng ngồi khòng lưng của con là mình chán hẳn. Trước đây vì bận bịu, mình mới sinh con 3 tháng đã phải đi làm nên thuê một bà dì ở quê trông. Bà dì nuôi trẻ con mà chỉ mong nó thành Thánh Gióng hay sao mà lúc nào cùng bế kiểu nửa nằm nửa ngồi, rồi lớn chút nữa thì cho ngồi hẳn. Mình hay thấy bà khoe với hang xóm về thành quà rèn cho con mình ngồi sớm và các bà khác cũng trầm trồ xuýt xoa rồi về ép con ép cháu mình để nó phải biết ngồi, biết đi như con hàng xóm.


Mình biết cột sống bé yếu nên cũng nhắc nhiều nhưng có mặt mình, bà ít cho cháu ngồi nhưng không có mặt mình thì y như rằng. Phần vì họ hàng, phần bà lớn tuổi, phần lại cần người nên mình cũng không dám nói nhiều. Giờ mỗi lần nghĩ đến việc này và hậu quả của hôm nay, mình buồn và hối hận ghê gớm. Hôm nay mình tìm được thông tin này, gửi các mẹ tham khảo.



------------------------



Khi não và các cơ quan hoạt động của trẻ còn chưa phát triển, một số phụ huynh đã nóng vội, sốt ruột bắt trẻ tập ngồi quá sớm làm cho cột sống trẻ còn non nớt phải gánh chịu tải trọng lớn của đầu và phần trên cơ thể nên dễ gây hiện tượng đau lưng về sau. Vì vậy chọn thời điểm thích hợp để dạy trẻ vận động theo đúng khả năng của mình là điều hết sức quan trọng. Khi trẻ bắt đầu tập ngồi, người lớn phải đỡ từ sau lưng và quan sát xem trẻ có đủ cứng để ngồi hay không. Nếu thấy con mình có xu hướng nhoài người và đầu về phía trước mà tay chưa đủ sức đỡ cơ thể, tốt nhất hãy đợi thêm một thời gian nữa khi trẻ cứng cáp hơn hãy cho tập ngồi. Bên cạnh đó cần tránh bế trẻ bằng một bên tay vì sẽ gây vẹo cột sống.



Tư thế ngồi hoặc nằm cũng ảnh hưởng rất lớn đến cột sống của trẻ, do đó cần tránh những tư thế không chuẩn hay nằm gối quá cao vì đây là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ dễ bị gù. Khi trẻ tập đi thường có xu hướng cúi đầu xuống, người đổ nhiều về phía trước chính vì vậy các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian uốn nắn và chỉnh dáng đi cho trẻ giữ cho đầu thẳng, hai vai cân đối, ngực ưỡn ra trước… Đây là giai đoạn đầu tiên cũng là một trong những bước quan trọng nhất tránh cho trẻ bị gù hay cong vẹo cột sống sau này.



5 bí quyết giúp trẻ tập ngồi hiệu quả:


1. Xây dựng sức mạnh các cơ ở lưng, hai bên sườn, bụng và đùi sẽ được sử dụng để nâng bé ngồi dậy. Để rèn luyện tất cả các cơ kể trên cùng lúc, bạn có thể giữ bé ở tư thế ngồi trên một quá bóng tập cỡ vừa rồi từ từ lăn quả bóng khoảng 5-10 cm về phía trước, sau và hai bên. Vì bề mặt mà bé đang ngồi hơi nghiêng xuống dưới nên bé sẽ tự động thẳng lưng và ngả về phía sau. Với bài tập này, không chỉ các cơ được hoạt động mà khả năng giữ thăng bằng của bé yêu cũng được cải thiện nữa đấy.



2. Tập từng động tác một Một trong những cách tốt nhất và dễ nhất để bé tập ngồi là để bé ở tư thế bò, sau đó hai tay lùi về sau rồi lần lượt từng chân đặt xuống vị trí ngồi. Để dạy kỹ thuật này, bạn phải giúp bé thực hiện chuỗi hành động này từ 5 đến 6 lần liên tục và vài ba lượt mỗi ngày. Đầu tiên, để bé nằm sấp, sau đó giúp bé chống hai tay xuống để đỡ thân mình. Tiếp theo, lần lượt đẩy từng chân bé xuống dưới cơ thể, một tay đỡ dưới bụng phòng trường hợp bé ngã ập xuống. Sau đó, giữ cả hai cánh tay của bé, dùng bàn tay đang để dưới bụng để giữ một cánh tay của bé rồi nhấc hai tay của bé về phía đầu gối.


Lưu ý đừng để bé lao về phía trước, cố giữ thăng bằng trọng lượng cơ thể trên hai đầu gối của bé. Cố gắng hướng dẫn bé đặt chân xuống tư thế ngồi một cách tự nhiên bằng cách nghiêng về bên này rồi nghiêng về bên kia khi đang từ từ đưa hai tay của bé hướng về phía đầu gối. Khi bé đã ở tư thế ngồi, hãy để bé “tận hưởng” tư thế này trong một hoặc hai phút rồi để bé nằm sấp và bắt đầu lại từ đầu.



3. Các loại ghế ngồi cho trẻ sơ sinh hiện nay làm quá tốt công việc của mình đến nỗi bé được nâng đỡ ở tất cả các bên và không phải nỗ lực để giữ thăng bằng. Kết quả là, sự phát triển của cơ có thể bị chậm lại và kỹ năng giữ thăng bằng không có cơ hội phát triển. Bạn có nghĩ rằng “hệ thống hỗ trợ ngồi” tốt nhất là chính bạn? Bạn có thể ngồi trên sàn nhà còn bé thì ngồi giữa hai chân bạn. Dùng chăn và gối để đảm bảo an toàn và hạn chế nâng đỡ, chỉ giúp bé giữ thăng bằng khi bé sắp ngã.



4. Dùng đồ chơi làm động lực. Ví dụ, nếu con bạn đã biết bò thì hãy để món đồ chơi ưa thích phía trên và cách trán của bé vài cm. Để có thể nhìn món đồ chơi rõ hơn, bé sẽ cố ưỡn người ra phía sau để nhìn lên trên. Sau đó nếu bé muốn bắt lấy đồ chơi thì phải nghĩ cách để rướn người lên. Phương pháp này có thể được sử dụng trong mọi giai đoạn phát triển, từ khi bé học lật cho đến lúc học đứng và thậm chí ngay đến khi bé tập đi. Nếu bé bắt đầu tỏ ra khó chịu thì hãy cho bé chơi món đồ chơi một lát trước khi tiếp tục bài tập.



5. Dùng vài cái gối để đỡ bé ngồi lên rồi cho bé một món đồ chơi và để bé chơi một mình. Vì không có ai đỡ bé và dựng bé ngồi dậy khi bị ngã nên bé sẽ có thêm kinh nghiệm ứng phó với các yếu tố vật lý ảnh hưởng đến khả năng ngồi thẳng lưng. Bạn chỉ cần đứng cách bé khoảng 1 mét để có thể quan sát nhưng không can thiệp trừ khi tư thế của bé trở nên không thoải mái. Nếu bé bị ngã về hai bên nhưng không bị nguy hiểm thì hãy đợi vài giây rồi mới đỡ bé dậy.