Các mẹ đừng vội ký giấy tiêm gây tê ngoài màng cứng để rồi phải hối hận vì chưa cân nhắc nhé!



Vốn dĩ em rất sợ đau. Bình thường, chỉ đứt tay, chảy máu chút xíu là đã hãi đến phát khóc. Bởi vậy càng cận ngày sinh đẻ, em lại càng sợ. Đã thế, các cô bên chồng cứ hễ qua nhà là dọa “đau đẻ thì chẳng có cái đau nào bằng” rồi còn “đau lắm, đau đến mức cắn đứt tai thằng chồng chứ chẳng chơi”. Eo ơi! lúc ấy nghe tả thôi đã thấy rợn người.



Cũng vì vậy nên ngày nào em cũng đặt gạch, ngồi hóng các mẹ trên diễn đàn xem có kinh nghiệm nào chia sẻ gì về chuyện đẻ đái hẵng còn biết. Để cho chắc, trong lúc đi khám thai, em cũng có hỏi bác sĩ về vấn đề này. Bác bảo nếu thấy không chịu đau được có thể chọn cách sinh không đau bằng việc tiêm gây tê ngoài màng cứng. Ui trùi ui! Gì chứ, nói đến sinh không đau là khoái rồi! Em nghe bác hướng dẫn mà gật đầu lia chia.



Đến hôm sinh, em nằm trong phòng đẻ. Lúc này, tử cung em nở được 4 phân, cũng bắt đầu thấm thấm cơn đau. Các cô y tá mang tới cho em tờ giấy bảo đọc tham khảo phương pháp đẻ không đau. Mừng như vớt được phao lúc chết đuối, chẳng chút ngần ngại, em ký bút cái xoẹt, rồi y tá gọi chồng đi đóng tiền. Hồi em sinh phí này là 600 nghìn thì phải.



Đang quặn cơn co thắt, tuy thấy đau thật nhưng em cũng tự an ủi mình “Sắp có thuốc tê rồi, chích xong một phát là sẽ không thấy đau gì hết, cứ vậy rặn thôi”.



Mà đúng thật, chích xong, khoảng 15 phút sau đó, em bắt đầu thấy toàn thân run rẩy, hai chân tê tê và cơn đau chuyển dạ giảm hẳn. Em khỏe re, chẳng thấy chút cảm giác gì là “đau chối chết” hay “đau đến mức gọi tên chồng ra mà chửi” như các bà cô đã từng dọa.



Xong xuôi đâu đó, lúc tử cung em mở được 8 phân, họ chuyển em vào căn phòng trắng lạnh toát. Tại đây, em nằm từ lúc 5h30 sáng mà mãi đến 6h45 vẫn chưa thể đẻ được. Thực sự lúc đó em cũng có cảm giác rặn. Điều này có gì đó hơi sai sai với những gì các mẹ khác vẫn kể nên em cứ sợ thuốc tiêm không đủ liều. Nhưng cảm giác ấy thực sự không rõ ràng. Em cứ thấy bác sĩ nhìn máy mornitor chạy chạy, phát lệnh “rặn” là em rặn theo thôi, chứ chẳng thể chủ động được. Càng lúc em càng sợ, bấn loạn cả lên, toàn làm trật nhịp các bác ấy đếm. Cũng trong lúc này, em bắt đầu cảm thấy cơn đau dần trở lại chứ không hoàn toàn “tê liệt” như các mẹ nói nhưng cảm giác rặn vẫn rất yếu nên mãi chẳng sinh được. Được đâu dăm mười phút sau, bác nói:



- Thôi được rồi, chuyển vào phòng sinh mổ chứ thế này thì chết!



- Ối bác ơi, sinh mổ thì sao em có sữa cho con bú. Bác đếm lại đi, em rặn cho bác coi! – Em nói thiếu điều năn nỉ.



- Thôi, tôi coi thế đủ rồi. Giờ chị cam kết rặn đều hơi cho tôi là tôi cảm ơn rồi!



Thấy bác sĩ vui tính, em biết bác chỉ ghẹo nên nhẹ cả người. Sau đấy em bình tĩnh trở lại, rặn đâu chừng 4, 5 hơi theo hướng dẫn của bác thì tòi được thằng cu mà chẳng thấy mất sức nhiều lắm.



Sau sinh, em cũng đau lưng cả một ngày ê ẩm nhưng hôm sau thì khỏi. Đúng là tiêm gây tê ngoài màng cứng có nhẹ nhàng hơn lúc sinh thật, nhưng nói thật cứ cái kiểu rặn vô cảm, rặn theo lời bác sĩ hướng dẫn ấy thì chẳng có cảm được gì tình mẫu tử đấy ạ!



Bởi vậy, sau lần tiêm gây tê ngoài màng cứng, em thấy thế này: Nếu mẹ nào chịu đau được, tốt nhất cứ chọn sinh thường không tiêm gây tê màng cứng. Lý do:



- Thứ nhất: Em nghe nhiều người bảo có khi chịu đau vậy lại hay vì mẹ biết cảm giác đau đớn khi sinh một đứa con là như thế nào để có mối dây liên kết mẫu tử mạnh mẽ hơn. Chứ như em, cứ rặn con như một cái máy ấy.



- Thứ hai: Tuy không phải tất cả các trường hợp nhưng một số mẹ sau khi gây tê xong không biết đau, thành ra khi cơn gò tới lại không biết rặn, khiến cho việc sinh nở sẽ khó khăn hơn. Thậm chí, nhiều người phải từ sinh thường chuyển sang sinh mổ. Điều này rất thiệt cho em bé.



- Thứ ba: Các trường hợp đau lưng sau tiêm gây tê ngoài màng cứng tuy có người bị người không nhưng các trường hợp đau cũng rất khó chịu (giống em vậy ạ!).



Sau cùng, nếu mẹ nào chưa biết gì về gây tê ngoài màng cứng thì có thể tham khảo những thông tin này nhé!



Vì sao gọi là gây tê ngoài màng cứng là phương pháp đẻ không đau?



Phương pháp gây tê ngoài màng cứng là thủ thuật gây mê hồi sức. Các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm sẽ bơm một lượng thuốc tê nhỏ liên tục vào khoang ngoài màng cứng bao bọc xung quanh tủy sống để giúp mẹ giảm đau khi chuyển dạ. Nhờ đó, bà đẻ sẽ đỡ mất sức, cuộc chuyển dạ sẽ xảy ra nhanh và nhẹ nhàng hơn.



Tiêm gây tê ngoài màng có thật sự nhẹ nhàng và an toàn tuyệt đối?



Đây là một thủ thuật y khoa nên khó tránh khỏi một số biến chứng mà các mẹ cũng cần biết:



Cảm giác đau do gây tê cũng rất kinh khủng, không kém cảm giác đau chuyển dạ vì ngoài mũi tiêm thuốc tê ban đầu, còn có công đoạn luồn ống nhựa vào trong cột sống sau đó.


Thuốc tê tiêm ngoài màng cứng chỉ có tác dụng giảm đau 70% chứ không phải 100% như các mẹ vẫn nghĩ.


Sau sinh, nhiều bà mẹ đã từng tiêm gây tê ngoài màng cứng bị đau lưng rất dữ .


Tuy không có công nhận khoa học nhưng không ít bà mẹ sau khi tiêm gây tê ngoài màng cứng cho biết trí nhớ của họ đã suy giảm đáng kể (Cái này ở trường hợp của em chưa rõ lắm nên chưa thể khẳng định ạ!).