Thói quen xấu khó bỏ, thói quen tốt khó tạo. Người lớn cũng thế trẻ nhỏ cũng thế. Đồng ý là GEN con người quyết định nhưng đôi khi có những thứ do môi trường tạo ra. Ví dụ như: Có một số người từ nhỏ đến lớn chưa hề chửi thề hay nói tục một câu nhưng khi họ đi làm trong môi trường mà ai cũng nói mà thậm chí nói rất rất nhiều thì sau một thời gian dài không nhiều thì ít họ vẫn bị nhiễm cái không tốt đó. Nhưng khi thành thói quen rồi thì để bỏ đi thì đúng là khó cho họ. Cũng như việc hút thuốc lá vậy. Lúc mới sinh tới khi có ý thức có ai biết hút thuốc đâu. Vậy mà khi hút thuốc rồi bảo bỏ thì “thà bỏ người yêu chứ không bỏ thuốc lá”.


Đối với trẻ sơ sinh cũng thế. Truyền thuyết nói rằng, trẻ nhỏ thích bế, thích nghe hát, thích đu võng … blah blah. Nhưng ở trong bụng mẹ thì làm gì có bế, có hát có đu võng… chỉ có một vùng toàn nước là nước mà chắc gì đã yên lặng đâu. Nếu yên lặng thì làm gì có việc khi bé nghe tiếng xe hay tiếng còi, tiếng nhạc bé phản xạ “đạp” trong bụng mẹ. Vậy nên môi trường bế, hát, đu võng chỉ là do cha mẹ, ông bà, người chăm sóc tạo ra để bé dễ ngủ hơn khi ra môi trường rộng lớn và đỡ choáng ngợp hơn thì bế để bé cảm thấy được ôm chặt như trong bụng mẹ, đung đưa như môi trường trôi bồng bềnh trong nước… Thay vì bế tại sao ta không quấn? thay vì đung đưa có thể ta tạo một thói quen khác hay cho bé nghe white noise gần với môi trường nước hơn ngay từ khi bé mới sinh ra. Đó cũng là thói quen đó. Tại sao không chọn tạo cho bé thói quen đó để bé dễ thích nghi hơn và đỡ khóc hơn mà phải là bế, hát, đung đưa để khi đặt xuống nôi thì không còn được như ôm ấp ta hụt hẫng ta khóc gào to và khi gào to ta lại được bế ngay lập tức và cứ như thế cái vòng lẩn quẩn tiếp diễn cho đến lớn. Được đung đưa võng nên khi võng ngừng ta lập tức dậy và lại gào to… Hiển nhiên không phải các bé đều giống nhau vì có những bé từ khi mới sinh đến lớn đã là những thiên thần nhỏ dễ ăn, dễ ngủ, dễ nuôi.. vậy cha mẹ chỉ cần tận hưởng con mình thôi không cần phải “LUYỆN” gì cả. Còn đa phần (cái này là theo mình quan sát và theo lời các mẹ tâm sự) thì ăn và ngủ của bé đếu là vấn đề nan giải. Nhưng từ khi sinh con đến nay đa số người đều hỏi mình bé được bao nhiêu kí mà ít có người hỏi bé đã làm được gì, hoặc là hỏi mình bé ăn được bao nhiêu chứ không ai hỏi mình bé có biết ngủ xuyên đêm không. Mình hỏi họ bé họ làm được gì, có người thì nói con họ chỉ nằm chơi không làm gì, có người thì nói con họ làm được cái này cái kia, có người lại bảo con họ không bằng con người khác… Đó là minh chứng cho việc mỗi bé mỗi tính nên tùy bé của mình mà luyện cho phù hợp. Nhưng dù luyện cái gì thì việc tạo thói quen vẫn là điều cần chú ý để khi thành thói quen rồi thì không cần phải làm gì nữa chỉ cần xuất hiện những việc đó bé sẽ tự hiểu việc tiếp theo sẽ như thế nào.


Đây là ý kiến của cá nhân mình khi quan sát và nuôi con, mẹ nào thấy phù hợp thì áp dụng không thì cứ tham khảo thêm hoặc bơ đi cho nhẹ người nhé.


Thói quen ăn và ngủ của bé nhà mình chỉ được bắt đầu khi bé được 2m vì bé nhà mình là siêu khó ngủ. Trước khi ngủ phải bế vác (bế nằm không chịu), hát ru, đi lòng vòng và gào khóc 45’ mới ngủ. Do vậy mình phải cân nhắc về việc luyện bé ngủ và tạo thói quen để khi làm những hành động đó bé sẽ biết tới giờ đi ngủ và giảm khóc quấy.


Đầu tiên mình tập bé phân biệt ngày đêm và theo trình tự ăn, chơi, ngủ như sách hướng dẫn. Bé mình khi 2m đã thức được 1h nên khi bé thức dậy mình cho ti lau mặt, rơ lưỡi rồi cho chơi khoảng 45’ rồi bắt đầu quấn, bế đứng hơi nghiêng tựa vào người và hát bài bé thích rồi mở nhạc white noise đặt vào nôi ngủ. Sau đó cứ mỗi lần bé ngủ dậy đều như vậy cho tới giờ ngủ đêm. Trước giờ ngủ đêm mình tắm cho bé, bôi dầu tràm và dầu Vick cho bé ấm rồi quấn, cho ti rồi đặt vào nôi. (Thời gian này mình chưa luyện ngủ nên khi bé khóc mình vẫn bế lên đi vòng vòng đến khi bé ngủ lại đặt xuống). Được 2w khi bé quen rồi mình bắt đầu luyện ngủ. Luyện ngủ bằng CIO with check kết hợp với PUPD khoảng 20 ngày thì bé biết tự ngủ. Hôm nào wonder week thì bé khóc trước khi ngủ 15-20’ còn bình thường thì chỉ nằm ngao ngao như mèo con rồi ngủ. Đặc biệt là khi được luyện ngủ xong thì bé không bị cắt giấc nữa và bé ngủ được các giấc 2h tăng lên. Lúc chưa luyện thì có khi 15’, 30’, 45’ là dậy. Nhưng bé dậy bé không chơi mà cứ đòi bế và khóc. Sau khi luyện ngủ thì các giấc dài nhiều hơn nên khi bé dậy bé cười hớn hở khoe lợi nên mình càng tin là mình làm đúng.


Thật tình mà nói nhiều mẹ bảo sau khi luyện ngủ bé đã biết tự ngủ và không khóc trước khi ngủ nhưng đối với bé nhà mình thì khác, con vẫn khóc trước khi ngủ có hôm 5’ hay 10’ hoặc mỗi khi chuyển giấc cũng khóc. Thế nhưng như vậy cũng là kết quả tốt với mình vì con ít khóc hơn lúc trước. Đêm con cũng tự chuyển giấc mà không khóc nữa (trừ khi đói, hoặc ướt bỉm).


Mình đã luyện cho con biết tự chơi, tự ngủ, còn ăn thì mình không ép. Con ăn được bao nhiêu thì ăn, ti được bao nhiêu thì ti. Ti ít mà mẹ mời 3 lần không ti nữa thì mẹ dẹp bình đi, gần ngủ đói, tha thiết muốn ti thì xin lỗi con cứ chịu khó tới cử sau mới ăn tiếp. (Hiển nhiên là trừ lúc bệnh). Lúc đầu mẹ mình cũng phản đối kịch liệt vì để con khóc thế nghe xót ruột nhưng khi mình để bà cho bé ngủ 3 ngày liên tục thì bà cũng phải nói “Con muốn làm sao thì làm” (Vì bé khóc hét bên tai bà cũng không chịu nổi). Bố mẹ chồng cũng phản đối việc mình làm kịch liệt nhưng do ở riêng nên trong thời gian mình luyện mình nhờ chồng nói bố mẹ để mình luyện xong hãy lên chơi chứ không là “công Dã tràng”. Sau khi mình luyện xong thì ông bà cũng khen là bé nhà mình biết tự chơi không đòi bế bồng gì mà thậm chí giờ đưa ông bà bế ông bà còn kêu là không bế nổi. Ahaha.


Các mẹ có con khó ngủ hãy thử một lần xem. Cái khó nhất là nghe con khóc vì không chịu nổi lúc nó phản kháng thì sẽ thất bại thảm hại vì sau đó nó sẽ khóc to hơn, dai hơn và thảm thiết hơn. Nếu qua được thì sau đó con dễ ngủ hơn và mình cũng thoải mái hơn. Tạo cho bé thói quen tốt cũng là giúp bé. Hiển nhiên là mình không khuyến khích các mẹ có em bé khóc không biết ngừng. Vì trước khi luyện ngủ cho con mình phải quan sát, theo dõi con 2w xem con như thế nào, thời gian khóc thế nào cho phù hợp chứ khóc nhiều mà để con một mình (CIO) thì nói thiệt là mình cũng không muốn.