Nên cho con bú sữa mẹ trong bao lâu? Đến khi nào thì phải cai sữa cho con? Đây là những câu hỏi luôn nhận phải sự tranh luận khó có hồi kết. Vấn đề này cũng khiến không ít các bà mẹ bỉm sữa đau đầu vì những lời góp ý qua lại của những người xung quanh. Phongbenhchobe xin được trích một câu chuyện và tư vấn của bác sĩ trong cuốn “ Chat với Bác sĩ ” của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo (Trưởng khoa Nhi Phòng khám CarePlus VietNam) như sau:


“Bác sĩ ơi, con em được 2 tuổi rồi và em vẫn còn cho con bú mẹ. Hiện tại bé ăn ngủ tốt chị ạ. Em thì vẫn muốn tiếp tục cho con bú, vì nó giống như là sợi dây gắn kết riêng đặc biệt của em và con. Nhưng mà, gia đình em lúc nào cũng nói sữa tới lúc này là hết chất rồi, cho con bú làm gì nữa. Rồi nhiều người cũng nói này nói kia, tối ngày cứ kêu em cai sữa đi, làm em rất khó chịu, bực bội và nhiều khi em cũng phải đặt câu hỏi là em có nên tiếp tục cho con bú nữa không. Bé vẫn chưa đi nhà trẻ, và cũng chưa có biểu hiện gì là muốn bỏ ti mẹ cả chị ạ.”


Bác sĩ xin được trả lời như sau:



1.Nên cho con bú tối thiểu trong bao lâu, và đến khi nào?


Sữa mẹ, thật sự đã được khoa học chứng minh là nguồn dinh dưỡng tối ưu nhất trên đời này dành cho con trẻ, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển thể chất, trí não một cách lý tưởng nhất. Điều này cũng đã được các tổ chức ý khoa trên thế giới ghi nhận và khuyến cáo, khuyến khích mẹ cho con bú hoàn toàn, tối thiểu trong 6 tháng đầu tiên, và có thể kéo dài đến 2 tuổi, hoặc sau 2 tuổi nếu mẹ và con đều mong muốn.


Theo thời gian, trẻ có thể tự cai bú mẹ một cách tự nhiên. Cũng có thể có những hoàn cảnh mà mẹ cảm thấy cần giảm thời gian cho con bú, hoặc bắt buộc phải cai sữa cho con. Những vấn đề này là những vấn đề rất riêng tư, khác nhau ở từng gia đình, mà chúng ta nên linh động xem xét để quyết định và thực hiện.




2.Sữa mẹ có bị mất đi dinh dưỡng theo thời gian không?


Đặc biệt sữa mẹ có thể thay đổi thành phần khá linh động tùy theo chế độ ăn của mẹ, hơn nữa lại có thể thay đổi theo thời gian để phù hợp với nhu cầu và từng giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ. Ngay cả khi dinh dưỡng của mẹ có vấn đề, sữa tiết ra từ mẹ vẫn đảm bảo được đầy đủ những dưỡng chất cần thiết cho con. Đây là một cơ chế tự điều chỉnh rất thông minh, ưu tiên cho trẻ. Nghiên cứu phân tích sự thay đổi thành phần sữa mẹ theo thời gian trong hai năm đầu đời của trẻ cho thấy rằng, sữa mẹ theo thời gian hoàn toàn không mất đi dưỡng chất, mà ngược lại. Trong năm thứ hai cho con bú, các loại chất dinh dưỡng vĩ mô và các hợp chất sinh học quan trọng trong sữa mẹ, như là protein, lactoferrin, IgA, và lysozyme chẳng hạn, lại có mặt với lượng nhiều hơn, so với sữa mẹ trong năm đầu cho con bú. Lượng mỡ trong sữa mẹ vẫn giữ nguyên, không thay đổi theo thời gian.


Sau 6 tháng đầu đời, dinh dưỡng từ sữa mẹ sẽ không thể đảm bảo được hoàn toàn yêu cầu dinh dưỡng để trẻ tăng trưởng, do đó, trẻ nên được bắt đầu ăn dặm. Các loại sữa công thức khi đến thời điểm 6 tháng tuổi, cũng như vậy mà thôi.



3.Mẹ cho con bú, không chỉ tốt cho con!


Các nghiên cứu cũng cho ra các bằng chứng cực kì mạnh mẽ rằng, có rất nhiều lợi ích mà sữa mẹ mang lại cho con trẻ như giảm nguy cơ nhiễm trùng, tiêu chảy, giảm nguy cơ thừa cân, béo phì; giảm nguy cơ các bệnh dị ứng; giảm nguy cơ bị các bệnh tim mạch, tiểu đường; và giúp tăng cường trí não cho trẻ nữa. Những lợi ích này càng nhiều nếu trẻ được bú mẹ càng lâu!


Bênh cạnh đó, việc cho con bú mẹ lại mang đến những lợi ích sức khỏe rất quan trọng cho mẹ về lâu dài, như giảm nguy cơ tim mạch, tiểu đường và cả nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng. Những lợi ích này cũng được tích lũy càng nhiều theo thời gian cho con bú mẹ.


Vì vậy nếu bản thân em vẫn thích và muốn tiếp tục cho con bú, em cứ nên tiếp tục. Nếu bản thân em vẫn thấy đây là một hoạt động gắn kết cho cả mẹ và con, em cứ nên duy trì. Còn đối với những ý kiến của người khác, em hãy cứ tự tin rằng đây là quyết định của không chỉ riêng em, y khoa, khoa học và cả bác sĩ của em (là chị chẳng hạn) đều thống nhất chung như vậy!


Phongbenhchobe muốn mượn câu chuyện này để gửi đến cho các bạn kiến thức y học, khoa học về sữa mẹ, đồng thời cũng muốn mượn lời của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo động viên các mẹ hãy tự tin gạt bỏ những quan điểm sai lầm, lạc hậu của mọi người xung quanh vì ai cũng chỉ được sống một lần trong đời, con của bạn cũng vậy, hãy sống vì bản thân mình và con của mình. Chúc các mẹ luôn mạnh mẽ để rũ bỏ được những ưu phiền trong quá trình nuôi con thơ nhé!


Mời các bạn tìm hiểu thêm nhiều chủ đề về Chăm Sóc Mẹ & Bé tại nguồn:


http://phongbenhchobe.com/nen-cho-tre-bu-sua-me-trong-bao-lau-can-gat-bo-nhung-quan-diem-sai-lam/