Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 11/4 cho biết, Khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương vừa kịp thời phẫu thuật cứu cháu bé 6 tháng tuổi bị gãy xương hàm mặt, do xe tập đi bị trượt cầu thang.



Tai nạn kinh hoàng xảy ra với bé Nguyễn Xuân L.(6 tháng tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) khi bà đang trông cháu ở nhà và để bé ngồi trong xe tập đi. Chỉ một phút lơ đễnh của người bà, chiếc xe tập đi mất đà trượt xuống cầu thang khiến vùng mặt của bé đập mạnh vào các bậc cầu thang, gây đau đớn và chảy rất nhiều máu.



Ngay lập tức, cháu bé được đưa đến Khoa Cấp cứu chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng lơ mơ, da nhợt nhạt do mất nhiều máu. Các bác sĩ tiến hành cho thở oxy, truyền dịch, giảm đau đồng thời truyền máu, sau đó chỉ định chụp cắt lớp vùng hàm mặt. Kết quả cho thấy cháu bị gãy rời di lệch xương hàm dưới. Sáu tiếng sau khi vào viện, bé đã qua cơn nguy kịch.



Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật kết hợp cố định xương hàm dưới bằng nẹp vít cho bé L., sau đó chuyển bé sang điều trị tại khoa răng hàm mặt. Sau 6 ngày điều trị, bé được các bác sĩ cho ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.



Theo các bác sĩ, trẻ em bị tai nạn do xe tập đi khá thường gặp và tổn thương chủ yếu thường là vùng hàm mặt.


Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: khi để trẻ với xe tập đi, các bậc cha mẹ phải theo sát trẻ bởi bé có thể tự cho xe đi khắp nhà, dễ va đập vào các đồ vật. Vì thế nên để trẻ trong phòng rộng, tránh vật dụng cứng sắc, những chỗ đễ trơn trượt, đặc biệt không cho trẻ chơi ở các khu vực gần cầu thang.



“Để trẻ một mình với xe tập đi, dù chỉ trong giây lát cũng có thể dẫn tới những tai nạn nghiêm trọng, gây hậu quả khó lường cho trẻ”- lời khuyên của các bác sĩ nhi khoa.




Các bậc phụ huynh cần cảnh giác khi cho trẻ nhỏ sử dụng xe tập đi để đảm bảo an toàn cho trẻ. Ảnh:Internet




Một tai nạn thương tâm khác cũng vừa xảy ra gần đây, một bé gái 3 tuổi bị chấn thương sọ não sau khi bị ngã từ xe đẩy siêu thị xuống dưới đất, do bất cẩn của người mẹ.



Bé gái tên Điểm Điểm 3 tuổi do mẹ bất cẩn, đã ngã từ trên xe đẩy xuống đất nứt xương sọ, xuất huyết não, đang ở trong tình trạng nguy kịch.



Theo đó, cô Hà, mẹ của bé gái 3 tuổi cho biết, vào lúc 20h tối, ngày 12/3, cô và con gái cùng đi siêu thị Shapingba (Trung Quốc), con gái cô đòi ngồi xe đẩy hàng trong siêu thị. Đi bộ khoảng 10 phút thì bé Điểm Điểm nói muốn đi rửa tay.



Người mẹ chưa kịp bế bé gái ra bên ngoài thì Điểm Điểm đã nhanh chóng đứng lên và cô Hà chỉ kịp nghe một tiếng rầm thì thấy con gái đã ngã, đầu cắm xuống đất.



Sau khi về nhà, Điểm Điểm xuất hiện triệu chứng chóng mặt và buồn nôn. Vào ngay đêm hôm đó, gia đình đã đưa bé gái đến bệnh viện Nhi. Sau khi chụp cắt lớp, bác sĩ tên Chu cho biết bé bị nứt xương sọ, xuất huyết não, phải đưa đi phẫu thuật ngay lập tức. Sau khi phẫu thuật, bé gái may mắn đã thoát khỏi cơn nguy hiểm.



Theo bác sĩ Chu, hàng năm bệnh viện đều tiếp nhận các trường hợp tai nạn do trẻ em ngồi trong xe đẩy siêu thị, phải phẫu thuật não. Bác sĩ cũng cảnh báo các bậc cha mẹ cần nhận thức rõ những rủi ro khi cho trẻ em ngồi trên xe đẩy trong khi siêu thị để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc như trường hợp của bé Điểm Điểm.




Bé gái 3 tuổi bị Điểm Điểm đang điều trị trong bệnh viện. Ảnh: Trí Thức Trẻ




Trung tâm Nghiên cứu Tai nạn thương tích ở Mỹ đã gợi ý một số biện pháp thận trọng cho các bậc cha mẹ khi sử dụng xe đẩy hàng trong siêu thị như sau:



- Chọn cách khác thay cho việc đặt bé trong xe đẩy mua hàng mỗi khi có thể. Tốt nhất nếu cho bé đi siêu thị cùng thì nên có hai người lớn đi theo, thay nhau trông chừng bé.



- Nếu bé chưa đủ lớn để ngồi vững trong chỗ ngồi của xe đẩy, thì không nên để bé ở đó.



- Luôn sử dụng dây đai an toàn của xe đẩy hàng.



- Chú ý đến mọi cử động của bé khi ở trên xe.



- Không đi quá xa khỏi xe trong khi bé đang ở trong xe.



Và cuối năm ngoái, một thành viên Webtretho có tên là Mẹ Cục Ròm đã chia sẻ câu chuyện con trai 10 tháng tuổi của chị, bị tai nạn khi ngồi xe tập đi. Theo lời kể của chị thì chị đi làm, để con ở nhà cho ông bà nội chăm. Tối đi làm về chị phát hiện thằng bé không có vẻ lanh lợi như ngày thường, con có vẻ mệt mỏi và yếu ớt. Do con đã vào phòng ngủ và bật đèn ngủ nên ban đầu chị không nhận ra, nhưng sau khi chị bật đèn lớn lên thì chị thảng thốt nhận thấy vùng trán và toàn bộ gương mặt trầy trụa, bầm tím cả lên. Lúc đấy, mẹ chồng chị mới cho biết là lúc chiều ở nhà cháu ngồi xe tập đi, ông bà có cột dây vào chân bàn nhưng không hiểu sao dây tuột ra, và thằng bé lao thẳng xuống 5 bậc thềm. Ngay trong đêm chị đưa con đến bệnh viện Nhi Đồng 1 để làm các xét nghiệm, siêu âm để đảm bảo rằng con trai không gặp vấn đề gì bên trong. Và chị thở phào nhẹ nhõm, khi con trai không có chấn thương gì nghiêm trọng. Bác sĩ bảo bé chỉ bị tổn thương ngoài da, và có lẽ do tâm lý hoảng loạn khi té nên bé nôn mửa nhiều. Từ đó, chị quăng cái xe tập đi vào góc nhà.



“Từ đó tôi không dùng xe tập đi cho con nữa, mà qua quan sát từ thực tế, con tôi không hề nhanh biết đi nhờ đi xe tập đi như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi thấy rằng khi cho con tự đứng dậy, dùng hai tay vịn tường hay đồ đạc trong nhà rồi men men theo đi, một thời gian sau thành quen, con tôi thả tay ra tự đi lúc nào không hay, còn khi quá phụ thuộc vào chiếc xe, con không còn phản xạ tập đi nữa”- Mẹ Cục Ròm chia sẻ.



Và chị cũng đưa ra vài lời khuyên hữu ích cho các bậc cha mẹ, để không xảy ra trường hợp đáng tiếc như con chị:



- Luôn luôn để mắt đến trẻ, trẻ phải trong tầm nhìn của người lớn, vì xe tập đi di chuyển bằng bánh xe với tốc độ rất nhanh. Trẻ có thể bị văng xuống bậc thềm, cầu thang như trường hợp bé trai kể trên, hoặc va đầu vào tường.



- Nếu mẹ bắt buộc phải rời đi, thì nên dùng dây cột xe tập đi lại. Lưu ý dây cột phải chắc chắn và đầu nối phải thật chặt, tránh trường hợp dây tuột ra gây nguy hiểm cho trẻ.



- Nên mua loại xe tốt, khung xe chắc chắn, miếng vải đệm bên trong đảm bảo không bị tuột.



- Không nên để trẻ vào xe tập đi quá thường xuyên, chỉ để khi nào thật sự cần thiết. Hãy để trẻ tự tập đi trên chính đôi chân của mình, trong nhà không nên mang vớ hay giày dép, để lòng bàn chân trẻ cảm nhận được nền nhà, sẽ giúp trẻ cảm nhận rõ hơn về từng bước đi và cân bằng hơn.



- Ba mẹ nên dọn dẹp gọn gàng vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ, vì khi di chuyển trẻ có thể “bang” đi nhanh với tốc độ chóng mặt mà ba mẹ không thể ngờ tới được.



- Không nên cho trẻ ngồi xe tập đi nếu thân hình của trẻ quá lớn so với xe, vì khi ngồi vào trẻ hay chồm người về phía trẻ và có khả năng té hẳn ra ngoài. Điều nguy hiểm nữa là khi trẻ quá to lớn, chân trẻ chắc chắn dài ra, nên khi di chuyển bằng xe với tốc độ nhanh, chân trẻ hay bị vướng vào gầm xe chà xát với nền nhà rất nguy hiểm.



Tổng hợp