Đây là câu chuyện có thật của chị gái tôi. Vốn tưởng cuộc sống sau khi sinh con của chị sẽ hoàn toàn hạnh phúc nhưng hóa ra lại có chuyện.




Ảnh minh họa



Sau khi chị sinh được 2 tháng, có lần tôi thấy chị ngồi ủ rủ bên nôi con gái. Tôi có hỏi nhưng chị luôn nói là chị ổn. Tuy nhiên tôi không tin thế, tôi chú ý chị nhiều hơn và nhận ra khi không có ai để ý thì chị luôn có tâm trạng không tốt. Gặng hỏi mãi, thậm chí là dọa sẽ nói với anh rể thì chị mới ấp úng nói với tôi. Hóa ra chị thấy ghen tị với con gái của mình.



Mới nghe tôi giật nẩy người, tôi cứ tưởng thần kinh chị không ổn định. Nhưng bình tĩnh lại tôi nhớ ra chị vẫn chăm sóc và yêu thương bé rất nhiều, chưa từng để bé chịu ấm ức gì cả. Tôi chợt hiểu ra chị đang rơi vào một triệu chứng đặc biệt với phụ nữ ở cuộc sống sau khi sinh con.



Chị tâm sự rằng từ khi sinh bé xong, chị thấy chị bị “ra rìa” luôn trong nhà. Ngày trước, ai ai cũng hỏi thăm chị này nọ nhưng giờ hết rồi. Khách đến nhà cũng chỉ hỏi chuyện bé nặng nhiêu ký, có hay bú không, giống bố giống mẹ điểm nào… chị ngồi kế bên mà cũng chỉ hỏi qua loa cho có. Rồi đến ông anh rể, cứ đi làm về là: “Cục cưng của ba đâu rồi” rồi cưng nựng đủ thứ, không thèm chào vợ lấy một cái. Kể cả ông bà nội ngoại cũng chỉ đến nhà với mục đích chính là chơi với cháu mà thôi…



Còn rất nhiều thứ nữa. Chị bảo chị biết mình không nên xấu tính ghen tuông với con gái như vậy nhưng thật sự là chị có cảm giác đó. Cuộc sống sau khi sinh con của chị cứ như thế mà mất vui dần. Nghe chị nói mà tôi vừa thương vừa buồn cười. Ai đời mẹ lại đi ghen với con. Hai chị em quyết tâm sẽ cùng nhau giúp chị vượt qua tình trạng này càng sớm càng tốt.



Từ hôm đó, hai chị em thường xuyên lân la nói chuyện với các chị em quen biết từng sinh con (chị không muốn nói với mẹ hay họ hàng vì… mắc cỡ, cũng không chịu đi bác sĩ vì cho rằng đây là chuyện cỏn con). Hóa ra không ít người cũng có chuyện ghen tị với con như vậy khi mới bắt đầu cuộc sống sau khi sinh con. Họ cũng từng có khoảng thời gian cảm thấy bị gạt ra một bên khi có con như chị tôi. Có một bà chị làm chung cơ quan tôi chỉ một số cách như:



Viết nhật ký: có bao nhiêu “ấm ức”, cảm xúc thì cứ viết hết ra. Tâm trạng từ đó sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.


Cứ mạnh dạn đòi hỏi quyền lợi: Khi thấy ghen tị, mẹ có quyền “nhõng nhẽo” với gia đình và ông xã của mình. Những câu nói nửa đùa nửa thật như: “Bố con không thèm chơi với mẹ nữa rồi”, “Ông bà đừng quên mẹ con bé nhé”, “Này! Muốn chơi với con bé thì phải có quà hối lộ cho mẹ nó nha”… Bằng cách này mẹ sẽ gần gũi với mọi người hơn. Đồng thời cũng ngấm ngầm thông báo với mọi người là không được bỏ quên mẹ đâu.


Đừng ngại đi gặp bác sĩ: nếu thấy tình trạng vẫn kéo dài và không khá hơn thì đừng ngại gặp bác sĩ. Họ sẽ giúp các mẹ mới sinh hiểu rõ hơn về tâm lý của mình, từ đó mới có thể giải quyết hết vấn đề được.


Với chị tôi thì không cần đi đến bước gặp bác sĩ. Chị cũng tập tành viết nhật ký, bắt đầu biết nhắc khéo với mọi người. Chị cũng nhìn nhận vấn đề với con mắt lạc quan hơn. Sau tầm một tháng, chị nói với tôi là không còn thấy ghen tị với con nữa. Mọi thứ dần dần ổn định hơn với chị. Giờ đây hễ thấy ai quan biết mang thai là y như rằng chị sẽ kể câu chuyện của mình để người ấy có thêm kinh nghiệm cho cuộc sống sau khi sinh con.