Bị tiền sản giật nặng ở tuần thứ 24 và có nguy cơ đình chỉ thai, bác sĩ nói nếu còn tiếp tục giữ thai thì khả năng sẽ không giữ được cả mẹ, cả con, vậy mà chị Tiến quyết đánh cược với số phận để sinh con.



Em gái em thừa cân, 31 tuổi mới có thai lần đầu. Huyết áp tăng cao, bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, em bé nhau quấn cổ. Nó khóc hết nước mắt các mẹ ạ. May sao trời thương, dù đủ thứ biến chứng thai kỳ, nhưng con bé vẫn giữ được con đến cùng và sinh nở thành công. Điều kỳ diệu xảy ra khi nó sinh bé trai nặng 3,4kg dù phải sinh mổ và đau đớn vô cùng lại lên cơn sản giật lúc sinh, men gan tăng cao. Nhớ lại lúc đó cũng rợn hết cả người, cả nhà tưởng đâu nó đánh đổi mạng sống rồi ấy. Sau ngày sinh nở như qua cửa tử nó lại tiếp một phen khổ sở vì không có sữa cho con ti. Hai mẹ con vật vã tội lắm. Nhưng với nó, việc sinh ra con khỏe mạnh như thế đã là một kỳ tích.



Em cũng có biết qua về tiền sản giật. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm bậc nhất trong thai kỳ mà nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến sản giật, nguy hại cho tính mạng của mẹ và cả bé các mẹ ạ:



Những dấu hiệu chính của tiền sản giật:



Vào tuần thứ 20 của thai kỳ, huyết áp người mẹ đột ngột tăng cao, huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết áp tối thiểu > 90mmHg. Biểu hiện toàn thân phù, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có đạm niệu > 0,3g/l.



Tiền sản giật nặng khi huyết áp tối thiểu >110mmHg. Đạm niệu > 3g/l, thiểu niệu < 100ml/4 giờ, kèm theo nhức đầu, mờ mắt, đau vùng thượng vị, phù phổi cấp, suy tim. Siêu âm thai thấy thai chậm tăng trưởng trong tử cung, xét nghiệm chức năng gan giảm, biểu hiện: men gan tăng cao, tiểu cầu giảm, creatinin máu tăng cao.



Sản giật: các dấu hiệu của tiền sản giật nặng đi kèm cơn co giật. Ngoài ra, trong thời gian liên quan đến thai kỳ có cơn co giật phải có bằng chứng liên quan trước đó mới có thể thay đổi việc chẩn đoán sản giật.



Cơn co giật được mô tả: bắt đầu rung rung ở mặt, một vài giây sau đó co cứng toàn thân do co cơ toàn thân, kéo dài 15 - 20 giây, bất ngờ hàm mở ra và khép lại rất mạnh và ngay sau đó mí mắt cũng vậy. Các cơ mặt và tất cả các cơ khác thay phiên nhau giãn rất nhanh. Người mẹ có thể té xuống giường, có thể cắn lưỡi do cử động của hàm, giai đoạn co giãn cơ có thể kéo dài trong 1 phút. Dần dần các cử động cơ yếu dần và cuối cùng người mẹ bất động. Có thể ngưng thở trong vài giây sau đó thở sâu và hôn mê. Người mẹ sẽ không nhớ đến cơn co giật và các sự kiện trước và sau cơn giật.



Nguy cơ dẫn đến tiền sản giật



- Mang đa thai.


- Mang thai con đầu lòng.


- Bà bầu lớn tuổi (hơn 40 tuổi).


- Có tiền sử tăng huyết áp trước đó (tăng huyết áp vô căn).


- Bị đái tháo đường hoặc bệnh lý thận trước đó.


- Thai kì trước đây bị tiền sản giật.


- Tiền sản giật có vẻ liên quan đến di truyền và có tiền sử gia đình.


- Bà bầu thiếu dinh dưỡng.


- Bệnh lý răng miệng cũng được cho là có liên quan.


- Thừa cân hoặc béo phì trong thai kì.



Nghe vậy cũng sợ ghê các mẹ ha. Như em gái em đó, cũng vì thừa cân mà tiền sản giật, rồi sản giật, suýt mất mạng.


Mới đây em có đọc câu chuyện của chị Kim Tiến (24 tuổi, sống tại Phúc Thọ, Hà Nội) bị tiền sản giật nặng nhưng đã dũng cảm đánh cược với số phận để sinh con ở tuần thai 27.



Ở tuần thai thứ 23-24, chị Tiến có dấu hiệu phù chân, phù mặt, đi lại chân rất đau và nhức. Chị đi khám ở viện Phụ sản Trung ương và nhập viện ngay với huyết áp 180/110, protein niệu cao bất thường, được xác định là tiền sản giật nặng. Chị là trường hợp bệnh nhân bị biến chứng này sớm nhất khi mới ở tuần thai thứ 24 (bình thường tiền sản giật hay gặp ở thai phụ từ tuần 30 trở đi).




Ở tuần thai 23-24, chị Tiến có dấu hiệu phù mặt và phù chân. Ảnh: Internet




Nhập viện, chị nằm ở khoa bệnh nặng, được theo dõi hàng ngày kể cả ngày nghỉ, đo huyết áp liên tục. Vì lấy máu quá nhiều, tay chị xanh tím vì vỡ ven, 2 tuần truyền thuốc hạ áp, cơ thể quá tải đến nỗi nổi mụn hết sau lưng như cơm cháy.




Truyền quá nhiều thuốc, lưng chị bị nổi mụn như cơm cháy. Ảnh: Internet




Khi thai 25 tuần tuổi, bé được 800gr. Chị Tiến nghĩ đến con nên cố gắng ăn thật nhiều, thật vui vẻ. "Mỗi lần tắm mình lại xoa bụng rồi nói: “Cố lên nhé con trai. Mẹ con mình phải gặp nhau. Mẹ con mình cùng cố gắng”, chị Tiến tâm sự.


Khi khoa yêu cầu viết giấy cam kết, một là đình chỉ thai nghén, hai là giữ thai, vợ chồng chị Tiến đã quyết định giữ thai.




Đơn xin giữ thai của thai phụ trẻ. Ảnh: Internet




Tuần thứ 26, con tăng lên đạt 1000g. Mỗi đêm đi ngủ chị đều xoa bụng nói chuyện với con, lấy điện thoại mở xem ảnh qua siêu âm của con để lấy động lực, lấy hi vọng, lấy niềm tin.



Tuần thứ 27, siêu âm thai vẫn giữ ở mốc 1000g. Lúc này bác sĩ cảnh báo nếu chị còn tiếp tục giữ thai thì khả năng sẽ không giữ được cả mẹ, cả con. Thai ở trong bụng càng lâu mẹ càng bị suy gan, suy thận... và thai càng suy dinh dưỡng. Bệnh mẹ nặng, con còn quá non, huyết áp cao quá có thể vỡ mạch máu não... Chị Tiến đưa ra quyết định sẽ mổ. Khi lên bàn mổ, huyết áp của chị tăng lên 180/110. Em bé chào đời lúc 27 tuần, nặng 1kg.




Bé Tiến Quang, con trai chị Tiến trong phòng hồi sức. Ảnh: Internet




Sau khi mổ, chị Tiến không đi lại được. Chị tiếp tục phải truyền thuốc giảm đau, thuốc hạ áp. Dần dần huyết áp hạ xuống, chân tay không bị phù nề nữa. Chị nằm lại viện 1 tuần thì được cho về. Trước khi xuất viện, chị xuống thăm con ở phòng hồi sức tích cực. "Đứng trước cửa phòng con, nước mắt mình chảy như mưa, cô hộ sinh phải dìu mình. Con quá bé nhỏ, đỏ hỏn, phổi đập phập phồng, nhìn thấy rõ từng mạch máu nhỏ qua làn da rất mỏng manh, trên người dây rợ chằng chịt vì con đang phải thở bằng máy, ăn bằng ống xông", chị rối bời thương con.




Mẹ ấp Kangaroo với con. Ảnh: Internet




Sau đó là chuỗi ngày vất vả khi chị phải chăm con 24/24, tắm cũng phải thuê y tá tắm, chị phải vắt sữa, đút cho con từng thìa. Con cũng 2 lần nhập viện vì viêm phổi. Hiện tại con đã 1 tuổi và 8.5kg.




Mẹ xuất viện về phòng trọ, em bé vẫn phải ở viện. Ảnh: Internet




Tuy là bà mẹ trẻ, mang thai lần đầu đã gặp biến chứng, nhưng chị Tiến đã vô cùng dũng cảm. Thái độ tích cực từ trái tim vô bờ của một người mẹ đã giúp chị có niềm tin kỳ diệu để không gục ngã. Và cuối cùng phép màu đã xảy ra thật các mẹ ạ.




Bé Tiến Quang xuất viện khi được 45 ngày tuổi. Ảnh: Internet












Bé Tiến Quang đã được 1 tuổi và nặng 8.5kg. Ảnh: Internet




Khi không may rơi vào trường hợp bị các biến chứng thai kỳ, đừng khóc cũng đừng tuyệt vọng các mẹ nhé. Đừng bế tắc mà hãy dũng cảm lên, để cùng con chiến đấu. Hãy nói chuyện với chồng, nhờ chồng giúp, chỉ khi đồng vợ đồng chồng thì mới có thể vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trong những trường hợp này các mẹ cũng phải phối hợp tốt với bác sĩ vì họ mới là những người có chuyên môn để đưa ra những gợi ý phù hợp nhất, bảo đảm an toàn cho tính mạng mẹ và con nhé!



Đối với tiền sản giật, hiện nguyên nhân chưa được hiểu rõ. Vì vậy, biện pháp tốt nhất hiện nay là quản lý thai kỳ chặt chẽ, điều trị tốt các bệnh lý đi kèm nếu như có tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ. Xác định nguy cơ dẫn đến tiền sản giật từ đó loại bỏ một số nguy cơ mình có thể mắc phải như thừa cân, thiếu dinh dưỡng, bệnh lý về răng miệng... các mẹ nha!