Từ 0- 6 tháng tuổi trí tuệ bé được đánh giá qua sự thành thục của vận động và trạng thái cảm xúc. Bằng những phương pháp đơn giản cha mẹ có thể phát huy được tiềm năng trí tuệ của trẻ từ khi mới chào đời.


Sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ được hình thành theo sự phát triển của bé ngay từ những tháng đầu đời. Não của bé bao gồm hàng triệu tế bào não được gọi là tế bào thần kinh. Những tế bào thần kinh kết nối với nhau như những con đường. Sự kết nối giữa các tế bào càng nhiều thì bộ não của trẻ sẽ trở nên càng thông minh. Sự hình thành của những kết nối này được kích hoạt khi bé được tiếp xúc với môi trường phong phú với màu sắc, âm thanh, mùi vị cũng như sự giao tiếp của cha mẹ với bé. Các bí quyết dưới đây sẽ giúp cha mẹ có thể kích thích sự phát triển não bộ của bé ngay từ khi mới lọt lòng.


Cho bé bú sữa mẹ


Bú sữa mẹ không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể của bé mà con tốt cho sự phát triển trí não ở trẻ sơ sinh. Theo một nghiên cứu gần đây các nhà khoa học chỉ ra rằng trẻ em được bú sữa mẹ có chỉ số IQ cao hơn những trẻ không được uống sữa mẹ. Vì vậy, để con phát triển khỏe mạnh và thông minh hơn các mẹ hãy cố gắng cho con bú được bú sữa đầy đủ.


Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ


Xây dựng lòng tin với bé


Bế và ôm con một cách yêu thương nhất. Thường xuyên trò chuyện và cười với con, tạo cho con cảm giác yêu thương che chở, giao tiếp với con bằng ánh mắt là những bí quyết giúp trẻ sơ sinh kích thích não bộ và ghi nhớ những hình ảnh quan trọng. Các nhà khoa học quan sát thấy rằng những bé không được quan tâm, không được âu yếm hay ít được chú ý thì sự phát triển não bộ của bé cũng bị kìm hãm. Ngược lại, sự kết nối yêu thương mà con cảm nhận được từ cha mẹ sẽ là nền tảng cơ bản để phát triển kỹ năng tư duy của con.



Hãy để con yêu cảm nhận được thương yêu từ cha mẹ


Tạo ra âm thanh cho bé


Những hoạt động đơn giản như vỗ tay, hát hay trò chuyện với con, cha mẹ có thể kích thích các giác quan của con. Ở tháng thứ nhất bé đã biết tập trung nhìn vào mặt người lớn và các đồ vật sặc sỡ, cha mẹ hãy để đồ vật cớ màu sắc rực rỡ và có âm thanh gần bé và lắc cho bé chú ý rồi từ từ di chuyển đồ vật sang hai bên, bé sẽ đưa mắt nhìn theo. Điều này không chỉ giúp bé hoàn thiện thính giác mà còn kích thích thị giác của bé.


Lắng nghe, trò chuyện và hát cho bé nghe cũng chính là tăng cường khả năng giao tiếp và ngôn ngữ ở bé. Cha mẹ cũng có thể đọc sách cho con nghe, trẻ được đọc sách từ nhỏ có thể hình thành thói quen đọc sách khi trưởng thành, đặc biệt đọc sách là hoạt động quan trọng để giúp trẻ thông minh hơn và phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ.


“Tương tác” với bé càng nhiều càng tốt


Khi trẻ được 2-3 tháng tuổi, sự cảm nhận của trẻ bắt đầu từ những gắn bó tình cảm với người mẹ như bé thích nghe mẹ hát ru khi bế, bé nín khóc khi được cha mẹ ẵm, bé biết hướng mắt về phía cha mẹ khi nghe cha mẹ nói. Lúc này mẹ có thể tập cho bé bắt chước những cử động đơn giản như thay đổi cử động của nét mặt hay để bé múa theo tiếng hát ru của mẹ…Cha mẹ cũng nên luôn nhớ đáp lại “thông điệp” của các bé bằng cách lặp lại âm thay mà bé phát ra. Bé sẽ nằm và chăm chú nhìn vào miệng cha mẹ để bắt chước. Sự đón nhận và hưởng ứng của cha mẹ chính là cách hiệu quả kích thích bé có nhu cầu giao tiếp nhiều hơn và phát triển ngôn ngữ nhanh hơn.


Khuyến khích bé kỹ năng cầm nắm


Cha mẹ có thể dạy con cầm nắm những đồ chơi hay vật dụng an toàn. Cho con xem món đồ chơi nhỏ, rồi chạm vào bên trong bàn tay. Cho bé chơi trò “Cho và lấy” để khuyến khích bé xòe ngón tay ra cầm và buông đồ vật. Đặt bé vào lòng bạn, cho bé xem các đồ vật trong hộp và lắc hộp cho bé nghe, đưa từng thứ cho bé sờ mó hay cầm, kể cả việc bé cầm rồi quẳng đồ chơi đi…


6 tháng tuổi, cha mẹ cho bé tập tự cầm bình sữa bằng hai tay, nhón thức ăn cho vào miệng, tự cầm thìa xúc ăn. Cho bé sờ đồ vật ấm hay lạnh (cốc nước ấm, cốc kem…), đồ vật ráp, thô hoặc trơn, nhẵn khác nhau… và luôn nhớ phải trò chuyện với bé về những thứ đồ ấy. Đây là một trong những cách hiệu quả giúp bé phát triển vận động tay chân cũng như chức năng của các giác quan.



Cầm nắm đồ vật giúp trẻ phát triển vận động tay chân và chức năng các giác quan


Cho bé nghe nhạc


Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng nghe nhạc có thể tăng cường trí nhớ và sự tập trung ở trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể cho bé nghe những bài hát có giai điệu tươi vui để bé được nhún nhảy theo nhịp điệu ấy. Hoạt động này sẽ giúp bé phát triển thể chất, vận động tay chân đồng thời phát triển năng lực cảm nhận thông qua các giác quan.



Linh Trần