Đây là câu chuyện có thật, được chia sẻ của một người mẹ có con bị tai nạn khi ngồi xe tập đi. Chị nói rằng, ngay khi đọc được bài viết về tác hại khi cho con ngồi xe tập đi vừa đăng tải trên Webtretho, đã khiến chị nhớ lại tai nạn của con chị, mà chị không bao giờ quên được.




Trẻ ngồi xe tập đi, nếu không có người lớn luôn để mắt đến thì khả năng gặp tai nạn rất cao; ngoài ra cho trẻ ngồi xe tập đi quá thường xuyên sẽ khiến trẻ mất phản xạ tập đi. Ảnh: Internet



Và chị muốn chia sẻ câu chuyện này đến cho những người mẹ khác, nếu có cho con ngồi xe tập đi thì nên cẩn thận, vì tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào...



Tôi đã không hề biết được những tác hại của xe tập đi, không ai nói với tôi về điều đó, cho đến khi tôi đọc được một bài báo vào ngày hôm qua.



Khi con trai của tôi được 6 tháng, tôi đã mua cho con 1 chiếc xe tập đi, với mong muốn con rèn luyện đôi chân cho cứng cáp để mau biết đi. Và tôi biết hàng triệu bà mẹ khác ở Việt Nam đều làm vậy, một số người mẹ có con chưa được 6 tháng, chỉ cần con ngồi hơi cứng một chút là cho vào xe tập đi, nói đâu xa ngay chính những người mẹ xung quanh tôi đều vậy. Và trên thực tế là ông bà hai bên đều khuyên tôi làm vậy, những người hàng xóm đến những người thân trong họ, đều nuôi con như vậy, và nó như là một điều tất nhiên trong suy nghĩ của tôi khi tôi làm mẹ, rằng con tôi đủ 6 tháng rồi phải cho con ngồi xe tập đi, đó như là một quy trình tự nhiên đối với một đứa trẻ.



Nhưng, các mẹ ơi, hãy từ bỏ ngay ý nghĩ đó, đó không phải là một quy trình bắt buộc mà đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Vì bạn có thể quyết định nuôi con như thế là an toàn nhất.



Tôi biết nhiều người mẹ, trong đó có tôi, ba mẹ tôi, đều xem xe tập đi là một cứu cánh để có thể vừa trông bé vừa làm việc nhà, rất thuận tiện.



Tôi nhớ hôm đó tôi đi làm về, tôi lên phòng má chồng để chơi với con như mọi khi. Tôi thấy con trai tôi không có vẻ lanh lợi như ngày thường, con có vẻ mệt mỏi và yếu ớt. Đến khi tôi nhìn rõ mặt con thì trời ơi, tôi đã không thể cầm lòng được, tôi đã hét lên:



- Má ơi, mặt cu Mít bị làm sao vậy?”



Tôi thấy xót con vô cùng, vùng trán và toàn bộ gương mặt trầy trụa, bầm tím cả lên. Má chồng tôi im lặng và giải thích:



- Hồi chiều Mít ngồi xe tập đi ở thềm nhà, làm sao mà nó phi thẳng xuống sân, lộn nhào 5 bậc thềm.



- Sao má không gọi cho con, rồi nó có sao nữa không, chân nó có mắc kẹt vào xe không, có bị gãy chân không?



- Má sợ con lo nên không gọi con.



- Bộ ba má không cột dây cái xe vào chân bàn hả?



- Thì ba mày ổng cho cu Mít vào xe rồi đi làm việc của ổng, có cột dây nhưng không hiểu cột làm sao mà sợi dây tuột ra, thế là…



Trời ơi, ngay lúc đó tôi chỉ muốn nghỉ việc ở nhà chăm con. Chính ba má chồng là người cổ vũ cho tôi mua cái xe tập đi cho cháu, ông bà hầu như cho cu Mít vào xe tập đi cả ngày, đến lúc cho cháu ăn cũng trong xe tập đi, tôi nhiều lần bảo ba má nên trông coi cẩn thận vì nay nó đã 10 tháng có thể dùng chân di chuyển xe tập đi rất nhanh, hở một chút là gặp tai nạn ngay.



Một lát sau tôi cho con bú sữa, nhưng bú vào bao nhiêu con tôi lại nôn hết bao nhiêu, tôi lo lắng quá, không biết lúc té con tôi có bị chấn thương đầu không, có bị đập ngực xuống đất không, vì sân nhà tôi không có bằng phẳng mà rải đá mi lỏm chỏm.



Tôi liền bảo chồng gọi xe taxi chở con tôi lên bệnh viện Nhi Đồng 1 ngay trong đêm, tôi muốn làm các xét nghiệm, siêu âm để đảm bảo rằng con trai tôi không gặp vấn đề gì. Trên xe, con trai tôi tiếp tục nôn mửa và gần như là lả đi trên tay chồng tôi, nhìn thiệt là xót xa. Gương mặt vốn thanh tú, dễ cưng là thế mà nhìn trầy xước không còn chỗ nào, có chỗ còn đang rướm máu.



Đến bệnh viện, tôi trình bày cho bác sĩ trực ca nghe, con tôi được đưa đi chụp hình đầu, siêu âm mỏ ác, lồng ngực và vùng bụng. Nói chung tất cả những cơ quan có thể bị tổn thương, tôi đều tiến hành làm cả.



Và khi có kết quả thì tôi thật sự thở phào nhẹ nhõm, khi con trai tôi không có chấn thương gì nghiêm trọng. Bác sĩ bảo bé chỉ bị tổn thương ngoài da, và có lẽ do tâm lý hoảng loạn khi té nên con tôi nôn mửa nhiều. Bác sĩ kê toa thuốc cho con tôi uống và căn dặn nhớ về nhà theo dõi, nếu bé tiếp tục nôn ói, bỏ bữa thì nên đưa lại tái khám ngay và bảo không nên cho bé ngồi xe tập đi nữa vì chẳng có lợi ích gì, ngược lại còn khiến bé chậm biết đi.



Về nhà, ngày hôm sau con tôi vẫn còn lừ đừ và uống sữa rất ít, nhưng sau đó vài ngày con tôi dần dần hồi phục, và phải mất cả tuần sau đó các vết trầy xước mới lành hẳn.



Từ đó tôi không dùng xe tập đi cho con nữa, mà qua quan sát từ thực tế, con tôi không hề nhanh biết đi nhờ đi xe tập đi như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi thấy rằng khi cho con tự đứng dậy, dùng hai tay vịn tường hay đồ đạc trong nhà rồi men men theo đi, một thời gian sau thành quen, con tôi thả tay ra tự đi lúc nào không hay, còn khi quá phụ thuộc vào chiếc xe, con không còn phản xạ tập đi nữa.




Không nên cho trẻ còn quá nhỏ tháng ngồi xe tập đi, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến cột sống của trẻ. Ảnh: Internet



Vì thế mẹ không nên cho trẻ ngồi xe tập đi, và nếu trong các trường hợp không ai trông con, mà mẹ phải làm việc khác phải để trẻ vào xe, hoặc giao con cho ông bà chăm, mẹ nên đặc biệt lưu ý những điều sau:



- Luôn luôn để mắt đến trẻ, trẻ phải trong tầm nhìn của người lớn, vì xe tập đi di chuyển bằng bánh xe với tốc độ rất nhanh. Trẻ có thể bị văng xuống bậc thềm, cầu thang như trường hợp bé trai kể trên, hoặc va đầu vào tường.



- Nếu mẹ bắt buộc phải rời đi, thì nên dùng dây cột xe tập đi lại. Lưu ý dây cột phải chắc chắn và đầu nối phải thật chặt, tránh trường hợp dây tuột ra gây nguy hiểm cho trẻ.



- Nên mua loại xe tốt, khung xe chắc chắn, miếng vải đệm bên trong đảm bảo không bị tuột.



- Không nên để trẻ vào xe tập đi quá thường xuyên, chỉ để khi nào thật sự cần thiết. Hãy để trẻ tự tập đi trên chính đôi chân của mình, trong nhà không nên mang vớ hay giày dép, để lòng bàn chân trẻ cảm nhận được nền nhà, sẽ giúp trẻ cảm nhận rõ hơn về từng bước đi và cân bằng hơn.



- Ba mẹ nên dọn dẹp gọn gàng vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ, vì khi di chuyển trẻ có thể “bang” đi nhanh với tốc độ chóng mặt mà ba mẹ không thể ngờ tới được.



- Không nên cho trẻ ngồi xe tập đi nếu thân hình của trẻ quá lớn so với xe, vì khi ngồi vào trẻ hay chồm người về phía trẻ và có khả năng té hẳn ra ngoài. Điều nguy hiểm nữa là khi trẻ quá to lớn, chân trẻ chắc chắn dài ra, nên khi di chuyển bằng xe với tốc độ nhanh, chân trẻ hay bị vướng vào gầm xe chà xát với nền nhà rất nguy hiểm.



Chúc các mẹ nuôi con khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn và không gặp bất kì tai nạn đáng tiếc nào nhé!