Từ khi chào đời, trẻ sơ sinh đã có bản năng phản xạ tự nhiên để chống lại những tác động từ xung quanh. Đây cũng chính là bản năng chống lại các nguy hiểm của cuộc sống, giúp duy trì sự sống ở mỗi người, đồng thời phản ánh phần nào năng lực trí tuệ của trẻ.




Phản xạ Moro - phản xạ khi sợ hãi


Khi bị kích thích đột ngột, phản xạ giật mình của bé xảy ra như sau: cánh tay của em bé thẳng, ngón tay mở, kéo dài hoặc uốn cong trở lại, duỗi thẳng chân, cánh tay, ngón tay, cong lưng, thậm chí là cố gắng kéo đầu chạm xuống phía vùng ngực.



Phản xạ moro thường xuất hiện ở hầu hết trẻ sơ sinh đến 5 tháng tuổi. Sau khi ra đời, mỗi khi bé cảm thấy âm thanh lớn hay chuyển động đột ngột sẽ tự động cong người trở lại, cánh tay và chân dang rộng, và đôi khi, bé sẽ bật khóc. Đây là những phản ứng bản năng để “phòng vệ” với một số trường hợp nguy hiểm có thể xảy đến với trẻ, vì dụ như bé sẽ có phản xạ Moro khi cảm thấy sợ hãi với những âm thanh lạ hoặc có cảm giác như mình đang bị rơi xuống.



Phản xạ Babinski - phản xạ bàn chân


Khi bàn chân bé bị tác động như cù chân, bị va đập mạnh bàn chân, hoặc miết ngón tay vào lòng bàn chân từ đầu ngón đến gót, phản xạ của bé sẽ là: các ngón chân tự động cong lên và xoè xòe hẳn ra như hình quạt. Riêng ngón chân út có thể sẽ dạng ra rộng hơn.



Phản xạ Babinski là phản ứng xuất hiện ở các trẻ bình thường, có thể diễn ra ngay từ lúc bé mới sinh cho đến khoảng 1 tuổi. Đến lúc đó, phản ứng này sẽ được thay thế bằng phản ứng cả bàn chân (co chân, cong cả bàn chân lại) và phản ứng này sẽ theo chúng ta suốt phần đời còn lại. Cha mẹ nên thử phản ứng Babinski, nhằm giúp trẻ biết cách gom lực bàn chân để có thể nhanh chóng trườn/ bò/ đứng và đi sau này.





Phản xạ Rooting - phản xạ vùng miệng


Khi bị kích thích gần miệng (vùng má của trẻ sơ sinh), phản xạ của bé sẽ là: quay ngay ra hướng má bị chạm và thường mở miệng khá rộng. Phản ứng này giúp cho trẻ sơ sinh tìm thấy núm vú mẹ trong khi bú.



Phản xạ Rooting có thể xuất hiện từ khi bé mới sinh, giúp bé “định vị” được vị trí vùng ngực mẹ cũng như vị trí của chai sữa mà bạn định cho bé bú. Phản xạ này sẽ nhanh nhạy hơn khi bé thức, và khi bé đang đói.



Phản xạ Palmar - nắm chặt bàn tay


Khi đưa ngón tay của mình vào lòng bàn tay của bé, phản ứng của bé là: các ngón tay của bé sẽ tự động nắm chặt lấy các ngón tay của bạn như không muốn buông rời. Có nhiều em bé có thể nắm chắc tay người lớn đến nỗi người lớn có thể nhấc bổng cơ thể của bé lên mà không cần phải ôm hay giữ chặt lấy bé.



Phản xạ Palmar cũng xuất hiện từ khi bé mới sinh. Bé có thể nắm bắt bàn tay mẹ hay bất cứ thứ gì trong tầm tay. Trẻ sơ sinh khỏe mạnh nắm tay rất chặt, do đó các bác sĩ cũng dùng cách này để kiểm tra sức khỏe của trẻ sơ sinh.



Phản xạ Tonic neck - phản ứng phòng vệ khi bị xoay vùng cổ


Khi đặt bé ở tư thế nằm ngửa, rồi xoay vùng cổ của bé sang bên phải hoặc bên trái, phản ứng của bé là: chân và tay của bé ở bên hướng cổ quay sang sẽ duỗi thẳng, chân và tay còn lại sẽ hơi cong.



Phản xạ Tonic neck thể hiện tư thế “phòng vệ” của bé khi quay nghiêng vùng cổ. Bé sẽ cảm thấy an tâm hơn, không sợ bị ngã khi bé quay ngang, quay ngửa.



Phản xạ bước đi


Khi được người lớn xốc nách, đỡ đứng thẳng và để cho chân bé chạm một bề mặt nào đó, phản ứng của bé luôn là: kiễng chân - nhấc chân lên như muốn bước, thậm chí bé có thể bước đi từng bước một, chân nọ nối tiếp chân kia theo người lớn.



Các bé khi được sinh ra đã có sẵn phản ứng bước đi, biểu hiện rõ nhất khi bé được từ bốn ngày tuổi đến hai tháng tuổi. Hầu như các bé đều có phản xạ này nên đó không phải cơ sở xác nhận việc bé nhanh hay chậm biết đi. Đây chỉ là một phản ứng thông thường của các bé, phản xạ này không có khả năng dự báo sớm ngày biết đi thực sự của trẻ.