Khi vừa chào đời, bé hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, từ cữ bú đến giấc ngủ và mọi sự di chuyển. Nhưng bé sẽ lớn rất nhanh và sẽ sớm trở thành một đứa trẻ hoạt bát và vui vẻ. Hãy chuẩn bị cho những bước phát triển đáng ngạc nhiên của con bằng kiến thức của chính bạn nhé!



1- Mọi em bé đều phát triển như nhau, suôn sẻ và liên tục?


A. Ðúng


B. Sai



2- Ðiều quan trọng nhất bạn có thể làm để thúc đẩy sự phát triển trí óc của con là gì?


A. Cho bé đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo;


B. Cho bé nghe, sờ, ngửi nhiều... để có trải nghiệm về mọi giác quan;


C. Cho bé xem nhiều sách, băng video và đĩa CD;


D. Cung cấp cho bé nhiều vitamin mỗi ngày.



3- Sự phát triển vận động thường xảy ra theo trình tự nào?


A. Không có trình tự đặc biệt;


B. Từ đầu đến chân;


C. Từ chân lên đầu;


D. Ðầu, chân, tay, thân.



4- Khi bé thất vọng vì không thể làm được điều gì, như cầm một món đồ chơi hay tự ăn một mình, tốt nhất bạn nên:


A. Can thiệp vào và giúp bé để bé không chán và bỏ cuộc;


B. Ngả lưng trên ghế và để cho bé tự tìm cách xoay sở lấy, cho dù bé khóc đi nữa.



5- Giác quan nào phát triển hoàn chỉnh ở bé trước tiên?


A. Khứu giác


B. Thị giác


C. Thính giác


D. Xúc giác;


E. Vị giác.



6- Em bé ngọ nguậy và trở mình nhiều bởi vì:


A. Bé không thoải mái ;


B. Bé muốn đi;


C. Cơ bắp của bé cử động ngoài kiểm soát của bé;


D. Bé đang thăm dò mọi thứ xung quanh.



7- Lâu lâu cho bé không mặc gì một lát rất tốt vì:


A. Phòng ngừa hăm kẽ do tã lót;


B. Cho bé cảm nhận bằng toàn bộ các giác quan của cơ thể;


C. Cho bé cử động tự do toàn bộ cơ thể;


D. Tất cả các ý trên đều đúng.



8- Khi nào bé bắt đầu học nói?


A. Ngay từ trong bụng mẹ;


B. Khi mới sinh ra;


C. Khoảng 3 tháng tuổi;


D. Khoảng 6 tháng tuổi.



9- Một đứa bé 2 tuổi biết trung bình bao nhiêu từ?


A. 50 từ;


B. 150 từ;


C. 250 từ;


D. 300 từ.



10- Ở tuổi nào bạn nên cho con ăn dặm?


A. 4 tháng;


B. 5 tháng;


C. 6 tháng;


D. 7 tháng.



11- Ở tuổi nào hầu hết trẻ nhỏ bắt đầu tập đi?


A. 10 đến 11 tháng;


B. 12 đến 13 tháng;


C. 14 đến 15 tháng;


D. 16 đến 17 tháng.



12- Khi nào cần cho con mang giày?


A. Khi vừa mới sinh ra;


B. Lúc được 6 tháng tuổi;


C. Khi bắt đầu đi chập chững;


D. Khi bắt đầu đi vững;


E. Khi bé bắt đầu đi ra ngoài.



13-
Khi nào bé có thể chơi hòa đồng với các bé khác lần đầu tiên trong đời?


A. Lúc mới sinh;


B. Lúc 6 tháng;


C. Lúc 1 tuổi;


D. Lúc 2 tuổi.



14.
Tất cả trẻ em đều sẵn sàng học cách đi vệ sinh khi được?


A. 12 tháng tuổi;


B. 18 tháng tuổi;


C. 24 tháng tuổi;


D. 36 tháng tuổi;


E. Không có câu nào đúng.



15. Thông thường ai là người đầu tiên chú ý đến vấn đề phát triển của con trẻ?


A. Bố mẹ của bé;


B. Bác sĩ của bé;


C. Người chăm sóc bé hàng ngày\



Bạn đã trả lời xong? Giờ hãy xem những gì bạn biết có đúng không và nhân tiện cập nhật thông tin mới cho kho kiến thức làm cha mẹ của mình nhé!



ĐÁP ÁN:



1- B đúng.
Không có hai đứa trẻ nào phát triển hoàn toàn giống nhau cả, mỗi đứa trẻ trên đời có một lịch trình và tốc độ phát triển khác nhau. Con bạn có thể phát triển nhanh hơn hoặc chậm hơn các bé cùng tuổi ở một vài khả năng trong khi có thể trễ hẳn ở vài tiêu chí khác so với chuẩn. Nhưng bạn đừng lo, phạm vi phát triển bình thường của trẻ khá rộng cho phép các bác sĩ xác định không có gì đáng lo nếu trẻ không bị trễ quá 9 tháng so với mốc phát triển sớm nhất.



Chẳng hạn, một số bé có thể tập đi sớm từ 9 tháng tuổi, nhưng những bé khác có thể đến 18 tháng tuổi mới biết đi, điều này là hoàn toàn bình thường, không đáng lo ngại. Một số trẻ thậm chí còn "đi tắt" và hoàn toàn bỏ qua một số mốc phát triển nào đó (phổ biến nhất là trốn lật và trốn bò) hoặc đã đạt tới mốc nhưng chỉ thoáng qua trước khi đạt luôn mốc tiếp theo đến nỗi bạn tưởng như bé đã bỏ qua một mốc phát triển. Chẳng hạn, một em bé vừa đạt được mốc ngủ thẳng giấc suốt đêm có thể trở mình dậy giữa đêm khi bé bắt đầu tập nói nên bạn lại tưởng bé chưa thể ngủ thẳng giấc.



2- B đúng
. Nghiên cứu thực nghiệm kết luận rằng việc cho trẻ tiếp xúc với những trải nghiệm giác quan đa dạng - gồm cả xúc giác, vị giác, khứu giác, thính giác và thị giác - là cách tốt nhất bạn có thể làm để kích thích sự phát triển trí não của trẻ.



Vậy chính xác bạn cần phải làm gì? Hãy trò chuyện trực tiếp với con, đọc sách cho con nghe, chơi với con, để bé sờ những thứ mới và nếm những vị mới, cho bé không gian an toàn để bò quanh và khám phá. Và đừng quên yêu thường vỗ về bé mỗi phút giây, ôm ấp bé và hưởng ứng khi bé muốn bố mẹ để ý. Tình cảm và sự quan tâm của bạn khiến bé cảm thấy an toàn và được che chở trên con đường chinh phục những mốc phát triển mới.




Tình yêu và sự quan tâm của mẹ giúp bé yên tâm khôn lớn. Ảnh: Inmagine.




3- B đúng. Nhìn chung, trẻ phát triển khả năng điều khiển đầu và cổ trước tiên (bắt đầu ở khoảng 2 tháng tuổi), tiếp đến là điều khiển cánh tay và bàn tay (với kỹ năng cầm nắm ở 3 tháng tuổi), toàn thân (trẻ có thể ngồi tốt ở 8 tháng tuổi), và cuối cùng là chân và bàn chân (với kỹ năng đứng và đi ở 14-15 tháng tuổi).



4- B đúng.
Mỗi một bước phát triển đều đòi hỏi bé phải phấn đấu rất nhiều. Bạn hãy cứ để con vung vãi thức ăn khi bé tập nhét chúng vào miệng, dù rằng mới đầu phần lớn thức ăn sẽ nhoe nhoét trên mặt bé hoặc rơi đầy ra sàn thay vì được cho vào miệng.



Khi bé thực sự nản chí vì không thể làm được, bạn hãy khuyến khích bằng cách chỉ cho bé hoặc làm mẫu cho bé xem (chẳng hạn cho thức ăn vào miệng, dùng muỗng, hoặc xếp hình khối theo đúng loại...) nhưng hãy cho bé cơ hội được thử làm đến khi làm được. Cảm giác hoàn thành một việc khó rất có ý nghĩa với bé, nó khuyến khích bé tiếp tục phấn đấu để chinh phục được những mốc phát triển mới. Điều tốt nhất bạn có thể làm cho một em bé đang chán nản là khích lệ bé cố gắng hơn nữa, kiên nhẫn thử lại với bé đến khi làm được nhưng cũng đừng ép bé phải loay hoay mãi với thứ bé không còn hứng thú nữa, lúc này hãy cho bé thử làm điều mới.



5- C đúng.
Thính giác là giác quan được hoàn thiện đầu tiên. Bé đã bắt đầu luyện tập khả năng nghe từ trong bụng mẹ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba - các nghiên cứu đã chứng minh được rằng thai nhi có thể nghe được nhịp tim của mẹ và phân biệt được âm thanh (như giọng nói và âm nhạc) bên ngoài vọng vào tử cung. Khả năng nghe của bé hoàn thiện ngay ở cuối tháng tuổi đầu tiên, mặc dù bé sẽ cần thêm khá nhiều thời gian để hiểu được những gì mình nghe được.



6- D đúng.
Bé ngọ nguậy và khua tay chân để khám phá thế giới và không gian quanh mình. Mỗi cú đạp, nắm tay, kéo và cựa mình đều đưa về cho não bộ thêm dữ liệu về môi trường xung quanh và cơ thể của bé. Những gì bé cảm thấy đều được gửi tín hiệu về não để phân tích, diễn giải và sử dụng cho sự phát triển của bé trong tương lai.



7- D đúng.
Tất cả đáp án đều đúng. Bé rất thích được "nuy". Sau khi tắm hoặc thay tã, hãy để bé được thoải mái nằm chơi trên một tấm chăn hay khăn mềm để tận hưởng sự thoải mái khi không phải mặc gì trên người. Đó cũng là cách tốt để kích thích các giác quan mới của bé - cảm giác của vải sợi chạm vào da lưng và chân bé, cảm thác ấm áp của đôi tay mẹ trên da bé. Bên cạnh đó, các bác sĩ nhi khoa cũng khuyên bạn nên tháo tã cho bé trong một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày để da bé được thông thoáng, thoải mái, ngăn ngừa hăm tã.




Giờ "ở truồng" của bé thật vui và dễ thương, mẹ có biết nó cũng rất có ích cho giác quan của bé? Ảnh: Inmagine.




8- A đúng. Nghiên cứu gần đây cho biết trẻ đã bắt đầu học các dạng câu, âm điệu và ngữ âm cần thiết cho việc nói từ khá lâu trước khi có thể chính thức nói được một từ. Con có thể nghe, và ghi nhận nhịp điệu giọng nói của mẹ ngay từ trong bụng mẹ. Sau khi sinh, bé tiếp tục lắng nghe bạn và những người khác nói chuyện để tích luỹ dần cho khả năng tạo âm thanh và nói chuyện sau này.



9- A đúng.
Một đứa trẻ 2 tuổi thông thường có vốn từ vựng khoảng 50 từ, một số bé có vốn từ khá hơn. Bé ở tuổi chập chứng thường có thể gọi được tên của khoảng chục món đồ mà bé thường xuyên thấy nhất như những vật dụng gia đình (bàn, ghế, giường), con vật (chó, mèo, cá, chim), thức ăn và người thân. Ở tuổi này, mỗi ngày, bé có thể học được 1 hoặc hơn 1 từ, và có thể ghép thành câu ngắn.



10- B đúng.
Một số chuyên gia khuyến khích bạn nên đợi đến khi bé được 6 tháng tuổi mới cho ăn dặm vì sữa là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo và dễ tiêu hoá nhất đối với em bé trong những tháng đầu đời. Thời gian cho con bú càng kéo dài, khả năng dị ứng thức ăn cũng sẽ càng thấp. Về lý thuyết bạn đã có thể cho con ăn dặm từ 4 tháng tuổi vì lúc này cơ thể bé đã sẵn sàng để tiếp nhận thức ăn thô. Ngay từ khi bắt đầu cho con ăn dặm, bạn hãy cố gắng cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau để giảm khả năng kén ăn hình thành ở trẻ.



11- C đúng.
Hầu hết các bé có thể bước đi ở tháng thứ 14-15, nhưng phạm vi phát triển khả năng này khá rộng. Một số bé chập chững bước những bước đi đầu tiên ở tháng thứ 9, trong khi có những bé đến 17-18 tháng mới bắt đầu biết đi, cả 2 trường hợp này đều bình thường và nằm trong chuẩn phát triển lành mạnh. Bác sĩ sẽ không đặt vấn đề lo ngại về khả năng đi của bé cho đến khi bé vượt qua 18 tháng tuổi.



12- E đúng.
Các chuyên gia khuyên bạn chỉ nên cho con mang giày khi bé đi bộ bên ngoài nhà hoặc trên những bề mặt thô ráp. Để chân trần thường xuyên giúp hoàn thiện khả năng thăng bằng của trẻ tốt nhất.




Từ 2 tuổi, bé đã biết cách chơi cùng những bé khác. Ảnh: Inmagine.




13- D đúng. Ngạc nhiên chưa, ở 2 tuổi bé đã biết chơi cùng bạn. Mặc dù một em bé sẽ nhìn theo các em bé khác, chơi cạnh nhau, tìm hiểu nhau ở vài tháng đầu đời nhưng chưa thực sự chơi với nhau - việc này thật ra đòi hỏi phải phối hợp nhiều kỹ năng và cùng hướng đến một mục tiêu hoặc luật chơi, bé sẽ làm được điều này khi được 2 tuổi. Lý do các hoạt động tương tác này không thể diễn ra sớm hơn vì bé cần phát triển một số kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp trước. Bé cũng cần phải vượt qua giai đoạn ích kỷ và chỉ xem mình là trung tâm khi còn đang bận rộn tự tìm hiểu mình và thế giới - ở giai đoạn này, bé không có kỹ năng xem xét lợi ích của người khác hoặc chấp nhận sự luân phiên.



14- E đúng.
Đa số trẻ nhỏ chưa sẵn sàng về sinh lý cho việc tập đi vệ sinh cho đến khi được 18-24 tháng tuổi, một số bé có thể chưa sẵn sàng để bắt đầu cho đến hơn 1 năm sau đó.



15- A đúng.
Bác sĩ nhi sẽ hỏi bạn các câu hỏi về sự phát triển của bé trong mỗi lần thăm khám, nhưng họ chỉ có thể trực tiếp quan sát con bạn trong vỏn vẹn vài phút của một lượt khám. Chừng ấy thời gian không đủ để họ nhận ra con bạn thực sự có vấn đề (nếu có). Bạn chính là người dõi theo từng hoạt động của bé mỗi ngày, xem cách bé chơi, giao tiếp với mọi người, cách bé lớn lên so với những đứa trẻ khác. Nếu bạn nhận ra bất cứ điều gì không ổn hoặc nghĩ rằng con mình phát triển thua kém đáng kể so với trẻ cùng lứa, hãy nghe theo linh cảm của mình và đưa bé đi khám. Nếu bạn không thoả mãn với trả lời của bác sĩ, hãy hỏi lại hoặc tìm một chuyên gia khác để được tư vấn.