“Ăn bám”, có mẹ nào nhận được 2 từ này từ chồng, hay mẹ chồng chưa vậy?



Mình thì đã từng nghe, trong thời gian mình ở nhà chăm con chưa đi làm lại. Thời gian đó, mình làm quần quật từ sáng đến tối không có thời gian mà ngủ. Nhưng nếu mở miệng than vãn một câu là nhận ngay câu ấy, có đôi lúc cảm thấy tủi nhục vô cùng các mẹ ạ!



Mình nhớ một ngày, mình quá vất vả khi chăm con, rồi làm cùng lúc nhiều việc nhà khác, đến thời gian ngủ, ăn và vệ sinh cá nhân còn không có. Mình có than với chồng một câu: “Tại sao em phải làm cùng lúc quá nhiều việc như vậy, em có cảm giác em sắp chịu hết nổi rồi”. Chồng mình trả lời: “Mấy người ở nhà có mỗi việc chăm con mà làm không xong, tôi ra đường kiếm tiền mệt mỏi còn không nói câu nào. Bây giờ đổi lại tôi ở nhà còn mấy người ra đường kiếm tiền đi. Sung sướng hơn khối người mà không biết hưởng!”. Mình chết lặng…



Trong thời gian ở nhà, mình phải sống cùng với gia đình chồng. Suốt ngày ở nhà gặp mặt, xảy ra nhiều va chạm và mâu thuẫn, cũng không dám nói với chồng tiếng nào. Mình ở nhà chăm con là vì thương con, muốn con cứng cáp rồi mới yên tâm đi làm, chứ mình không hề dở tệ hay lười biếng, hay do thất nghiệp, vậy mà mẹ chồng cứ nói ra nói vào, rằng mình ở nhà xài tiền chồng sung sướng, con trai bà cực khổ bên ngoài. Nhiều khi thèm ăn gì cũng không dám mua, sợ bà bảo xài tiền của chồng ăn sang, lãng phí. Quả thật là rất mệt mỏi, rồi bà cứ nói xa nói gần là mình nên tìm việc làm để phụ chồng. Sau 10 tháng ở nhà, mình chịu hết nổi buộc phải rời xa con để đi làm trở lại :(





Hôm nay mình vô tình đọc được một mẩu chuyện rất hay, mình chia sẻ cho các mẹ cùng đọc nha! Cùng là phụ nữ, mà sao người vợ trong câu chuyện này có phước quá các mẹ :)



Câu chuyện này được kể từ một người đàn ông…



"Hôm nay đến nhà thằng bạn chơi. Thấy nó làm việc nhà quần quật, còn cô vợ thì nằm ngủ. Tôi thấy khó chịu, liền hỏi nó: Sao vợ mày không làm, mà mày lại làm?



Nó bảo: vợ tao đang tới tháng, trong người bực dọc, hay mệt mỏi, nên tao kêu cô ấy nghỉ ngơi, để tao làm mấy ngày này.



Tôi sững người: "Tới tháng mà cũng mệt sao mày? Mày có đâu mà biết, thằng điên, mày điêu vừa thôi".



Nó lại nói: Không biết thì phải tìm hiểu. Tâm sinh lí của phụ nữ dễ thay đổi những ngày này, phụ giúp được cô ấy cái gì thì tao phụ, cô ấy làm cũng mệt những ngày kia rồi.



Nhìn nó làm việc nhà, rồi đi thay ga nệm giường các thứ, nấu ăn đem đến cho vợ nó ăn, tôi thấy nó thương vợ nó vô cùng.



Đàn ông là thế. Một khi đã yêu thật lòng thì chuyện gì cũng có thể làm được…



Tôi thấy hối hận khi trước giờ chẳng biết chăm sóc vợ mình như thằng bạn. Tôi vừa buồn, vừa xấu hổ.



Khoảng thời gian sau này, tôi cũng dần dà quan tâm vợ mình hơn. Thái độ của cô ấy thay đổi hẳn. Ít hằn học hơn. Tôi hiểu, phụ nữ cần nhất là sự quan tâm từ người mình yêu thương. Có những chuyện tình cảm chỉ nên thể hiện bằng hành động".



Đấy, chỉ là tới tháng thôi mà người vợ này đã được chồng cưng như vậy rồi, không biết đến khi sinh con thì như thế nào hả các mẹ?



Các anh chồng, khi đọc mẩu chuyện trên các anh có thấy xấu hổ không?



Kẻ ăn bám chúng tôi từ khi có con, chưa bao giờ biết đến ngủ nướng là gì, dường như điều đó quá xa xỉ, xa xỉ hơn món quần áo đắt tiền mà trước kia chúng tôi từng sở hữu.



Kẻ ăn bám chúng tôi thức dậy từ sớm cho con bú, vệ sinh và thay quần áo cho con. Sau đó là xuống bếp lo bữa ăn sáng để người kiếm tiền ăn, và chuẩn bị bữa trưa cho người kiếm tiền mang theo đến cơ quan.



Xong bữa sáng, kẻ ăn bám lại tất bật chợ búa, bếp núc cho bữa trưa, bữa tối, để đảm bảo người đi làm về nhà là có mâm cơm tươm tất chuẩn bị sẵn. Kẻ ăn bám khi đi chợ, phải nhớ nhà còn gì, hết gì, nay ăn gì, mai ăn gì. Thức ăn phải thay đổi liên tục, và phải phong phú bữa ăn nhưng đồng thời phải tiết kiệm tối đa.



Kẻ ăn bám luôn là người giữ con, cho con ăn để người kiếm tiền ăn cơm trước. Kẻ ăn bám ăn sau hoặc ăn qua loa cũng chẳng sao, vì ở nhà mà khối thời gian để ăn.



Việc thay bỉm cũng không phải là chuyện đơn giản, đôi khi cũng toát mồ hôi hột, kể cả chuyện cho uống sữa, ăn dặm mỗi ngày. Hôm nào con vui mà ăn, uống một mạch thì hôm đó nhất định là ngày hạnh phúc, hôm nào con nhè ra đùn vào, phun phì phì, giật qua giật lại, ói mửa đầy nhà, ắt hôm đó trời u ám lắm.



Nếu buổi trưa nào con ngoan ngoãn ngủ thì kẻ ăn bám có chút thời gian giặt đồ, xếp đồ, lau quét nhà và tắm rửa bản thân. Nếu không, cả ngày người hôi hám mùi khai của nước tiểu, của ọc sữa để người kiếm tiền về chê bai là lôi thôi, nhếch nhác.



Tối, kẻ ăn bám phải dỗ con ngủ, và khuya phải giật mình tỉnh giấc dỗ con nếu con quấy khóc để người kiếm tiền ngủ ngon giấc. Khi con ngủ rồi thì kẻ ăn bám lại lọ mọ tranh thủ làm một số việc, như là dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn cho ngày hôm sau, thu xếp lại vài thứ, giặt giũ, phơi phóng, tắm rửa nếu buổi trưa chưa làm xong :v Có những khi xong việc cũng khuya, nhà nhà tắt đèn, người người ngon giấc, kẻ ăn bám mới lọ mọ bước lên giường. Nửa đêm, kẻ ăn bám phải dậy pha sữa cho con vài lần, phải dỗ con ngủ ngon trở lại.



Kẻ ăn bám chúng tôi làm tất cả những việc như một osin, chỉ khác mỗi việc “chúng tôi không có lương”.





Đấy, chân dung của kẻ ăn bám đấy, chúng tôi không phải đi làm, chúng tôi thật sung sướng, ở nhà chỉ mỗi việc chăm con và xài tiền của chồng. Chúng tôi chỉ mỗi việc trông chừng một đứa trẻ hay bày bừa, phá phách, xé toạc mọi thứ, ném cái này quăng cái kia; một đứa trẻ hay ăn hay ngủ, hay ị, nôn trớ khắp mọi nơi, nghịch đủ mọi thứ, rúc chỗ nọ, móc chỗ kia, ăn vạ, ngang bướng.... Có những lúc đầu óc, và sự kiên nhẫn, đôi khi muốn nổ tung! Chúng tôi không thơm tho, chúng tôi bù xù, lôi thôi, và chúng tôi cáu gắt khó tính. Chúng tôi nếu chưa kịp làm việc gì, là sẽ có câu hỏi: "thế ở nhà làm cái gì?"



Chúng tôi hi sinh không vì gì, không ai ghi nhận, không lương, không một lời cảm ơn! Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng, vậy đừng vì cho chúng tôi miếng cơm, mà thốt lên 2 tiếng “ăn bám”.



Làm ơn đi!