Tên bé: Cù Phương Thảo (nhưng bố mẹ thích gọi em là Cù Thị Bông :">)


Giới tính: Nữ


Ngày sinh: 4/8/2013


Ngày dự sinh: 19/8/2013


Số tuần mang thai: 38 tuần


Cân nặng: 3,5kg


Chiều dài:


Nhật ký chào đời của bé:



373559



Con mới tròn 1 tuổi hôm 4/8 vừa qua. Và câu chuyện đầu tiên về cuộc đời con mẹ xin tặng con như 1 món quà, 1 hành trang, 1 trang nhật kí đầu tiên để con mang theo suốt hành trình của cuộc đời. Và để con hiểu rằng mẹ luôn yêu và mãi yêu con.



Câu đầu tiên có lẽ mẹ phải nói "Có con mới biết lòng cha mẹ" của các cụ thật không sai chút nào. Có con rồi mẹ mới thực sự hiểu rõ sự hy sinh, vất vả và cả tình yêu thương của bà ngoại dành cho mẹ và bà nội dành cho bố như thế nào.



Mẹ và bố lấy nhau vào 29/11/2012, bố mẹ đi trăng mật sau đó 1 ngày. Đôi vợ chồng trẻ quyết định có con luôn chứ không "kế hoạch" vài 3 tháng để hưởng cuộc sống son rỗi như bao đôi vợ chồng khác, chỉ vì quanh bố mẹ biết bao đôi vợ chồng chưa có con, không có con, có con khó khăn. Và với những thứ đồ ăn thức uống đầy hóa chất như hiện nay thì khó khăn trong việc có con là rất hiển nhiên. Hơn nữa bạn bè xung quanh và cả trên mạng đều bảo lấy nhau xong cũng mất vài tháng mới có được. Vậy là bố mẹ quyết định không "phòng" cũng không "tránh", bố mẹ mong con đến càng sớm càng tốt.



Vậy là ngày 12/12 là ngày đầu tiên của chu kì kinh (13 ngày sau khi cưới, 8 ngày sau khi đi trăng mật về) mẹ mua que về thử. Kết quả là 1 vạch. Lúc ấy tâm trạng háo hức lắm và kết quả 1 vạch khiến mẹ hơi buồn, mẹ nghĩ thôi không sao, mới có vài ngày mà. Mẹ không buồn nữa, mẹ đi làm và cùng bố hưởng cuộc sống vợ chồng son. Nhưng 1 tuần sau đó mẹ vẫn không thấy gì và mua que về thử tiếp. Mẹ không thể chờ đến sang để thử cho nó chuẩn như người ta khuyến nghị trong tờ hướng dẫn sử dụng. Mẹ thử ngay, bố không có nhà. Kết quả 2 vạch khiến mẹ mừng lắm. Mẹ quyết đi mua them 2 que nữa về thử cho chắc. Que thứ 2 mẹ cũng thử ngay luôn sau đó. Kết quả vẫn 2 vạch. Mẹ rất hạnh phúc, mẹ đợi bố về để báo tin. Nhưng khi bố về mẹ giả vờ nói là 1 vạch nhưng hình như bố đọc được niềm hạnh phúc trong mắt mẹ và mẹ không giỏi nói dối nên bố đã đoán ra. Bố hỏi que đâu để bố kiểm tra, mẹ vẫn để trong phòng tắm. Bố nhìn thấy và cũng hạnh phúc lắm. Bố chạy xuống khoe với ông bà nội ngay. Hình như ông bà nội nghĩ mẹ có bầu từ trước khi cưới hay sao mà ông bà bảo “tưởng có lâu rồi chứ”. Bảo sao bố mẹ đi trăng mật và vào thăm ông bà trẻ, bữa hải sản ông bà không có mẹ ăn mực vì bảo bầu không được ăn mực. và chắc đến 99% họ hàng, bạn bè của bố và mẹ đều nghĩ bố mẹ “bầu rồi mới cưới” hay sao ý :D. Que thứ 3 mẹ thử vào sáng hôm sau cho nó chắc chắn 1 lần nữa. Kết quả vẫn là 2 vạch, và thế là mẹ có thể khẳng định mẹ đã có con rồi.



Niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ cứ râm ran, bố cứ hí hoáy ghé tai vào bụng xem con thế nào nhưng thực sự thì mới có 5 tuần thì thấy sao được con nhỉ. Bố mẹ cũng loay hoay gọi điện cho bà ngoại báo tin vui, bà cũng vui lắm nhưng đúng lúc ấy mẹ lại bị cảm cúm. Sự lo lắng cũng bắt đầu từ đây. Mẹ và bố tìm trên mạng, hỏi thăm bạn bè chỗ khám tin tưởng nhất, vì rất lo lắng cho con, con mới 5-6 tuần tuổi mà mẹ đã bị cúm nặng rồi. Bố mẹ được mách đến phòng khám tư của 1 vị trưởng khoa bệnh viện lớn tại Hà Nội. Bố phải gọi điện từ 15h đến tận 17h mới đặt được lịch khám vào lúc 21h. Đặt được lịch khám như vậy là bố mẹ thấy hạnh phúc lắm rồi mặc dù hơi muộn, trời mùa đông còn lạnh nữa. Vào khám đúng 5p bác sỹ bảo mẹ theo dõi thêm, trứng chưa đậu vào tử cung làm tổ, 2 tuần sau tái khám, không uống thuốc trị cảm cúm, sống chung với nó, chỉ uống vào thuốc bổ. Tất tần tật hết gần 600k. Ai cũng bảo mẹ sao khám gì đắt thế nhưng tâm lý chung của những bà mẹ lần đầu có thai là vậy, “tiếc gì con lợn con”, “đầu tư cho tương lai”, “con cái là trên hết”. Vậy nên mẹ vẫn mạnh dạn chi thêm vài lần nữa ở phòng khám ấy.



Và 4 tháng đầu tiên mang thai con, mẹ luôn sống chung với cảm cúm và nôn nghén. Một phần là vì thời tiết mùa đông, 1 phần là vì tuy mẹ to béo nhưng sức đề kháng yếu lại thêm mang thai nên cứ hết đợt cúm này lại đến đợt cúm khác. Nôn nghén thì thật là kinh khủng. Mọi thứ mẹ ăn vào mẹ đều nôn ra. Nhưng may mắn là mẹ vẫn ăn được và không hề sợ ăn. Vậy nên cứ ăn, cứ nôn và mẹ lại ăn lại. Trộm vía, mặc dù như vậy nhưng 2 mẹ con mình cứ tăng cân vù vù ấy. Mẹ thì tăng cân nhiều quá nên đi lại cũng vất vả hơn nhiều. Lại được bố, ông bà nội, ông bà ngoại tẩm bổ thế nên trước lúc lên bàn mổ mẹ đạt mốc 79kg mặc dù thời con gái có 50kg.



Mẹ kể nhiều về những khó khăn, lo lắng, vất vả mẹ phải trải qua mà quên chưa kể về những nỗi vất vả của bố nhỉ. Khi mẹ mang thai con thì thực sự mẹ hơi ghen tỵ với con đấy. Bố chăm mẹ nhưng thực chất là chăm con, lo lắng cho con. Bố lên mạng đọc tất cả những thứ nên, không nên, đồ ăn tẩm bổ nào tốt cho con, mẹ uống sữa nào, thuốc nào tốt cho con. Ngày nào bố cũng bóp chân cho mẹ kể cả nửa đêm đang ngủ, vì mẹ rất đau (mang bầu nên bị phù chân, vì mẹ tăng cân nhiều nữa), nhưng đấy là bố làm vì con, bố thương con cũng sẽ bị đau khi mẹ đau, mẹ không thoải mái (bằng chứng là bây giờ khi không mang thai con nữa, mẹ đau chân nhờ bố mỏi mồm bố không làm). Đấy con thấy bố yêu con chưa.



Rồi sự lo lắng vẫn còn kéo dài đến ngày gần sinh con, nào tiền viện, nào tiền sắm đồ dung, các thứ cần chuẩn bị, nơi sinh, đồ sinh … bố mẹ lại 1 phen lo lắng, đứng ngồi không yên, xục xạo hết trên mạng lại đến bạn bè. Và cuối cũng tất cả cũng đâu vào đấy. Vậy là chỉ còn chờ đến ngày sinh con thôi.



Ngày dự sinh là 19/8 nhưng 26/7 mẹ quyết định nghỉ sinh ở nhà, 1 phần là vì bầu to quá mẹ mệt, 1 phần cũng muốn có thời gian nghỉ ngời lấy sức và chuẩn bị kỹ càng cho kì vượt cạn sắp tới.



Hôm ấy mẹ còn nhớ rất rõ là ngày chủ nhật 4/8. Vì là chủ nhật, bố đi làmvà cũng vì ông bà nội và bố chiều nên mẹ ngủ 1 mạch tận 9h mới dậy. Sau khi đánh răng rửa mặt mẹ xuống rủ cô Hằng đi siêu thị gần nhà. Mẹ và cô mua sữa, bánh, mấy đồ dung linh tinh. Về đến nhà mẹ đang cất sữa vào tủ lạnh thì thấy nước chảy ra. Mẹ đang nghĩ, khổ thân tôi giờ đi tiểu cũng không kiểm soát được thế này (mặc dù mọi kiến thức chuẩn bị sinh nở mẹ đọc nhiều và thuộc gần hết mà đến giờ phút quan trọng mẹ lại không biết rằng mẹ đang bị vỡ ối). Mẹ vẫn tiếp túc ngồi cho sữa vào tủ lạnh và đến khi nước ối chảy ra như suối mẹ mới tóa hỏa chạy 1 mạch lên tầng 3 gọi điện cho bà ngoại. Đấy là điều duy nhất mẹ nghĩ được lúc ấy. bà trấn tĩnh mẹ, bảo mẹ gọi bố về, gọi bà nội về, chuẩn bị vào viện. Mẹ gọi cho bố và sau khi được bố trấn tĩnh lại 1 lần nữa mẹ mới vận dụng hết đầu óc, bới loạn cào cào trí nhớ về những kiến thức chuẩn bị sinh nở của mẹ ra thì mẹ bắt đầu biết mình phải làm gì. Mẹ gọi cho bà nội về. mẹ gọi cô Hằng nhờ cô nấu cho bát phở ăn liền vì từ sáng mẹ chưa có gì vào bụng. mẹ vào nhà tắm, bắt đầu tắm và gội như “bí kíp” được truyền lại của mấy bà chị cùng cơ quan đã từng sinh nở dặn. Mà nguyên nhân của việc vỡ ối là do 4 ngày trước khi vỡ ối mẹ đã quá tham công tiếc việc. Mẹ lôi hết quần áo, chăn màn, lau dọn hết nhà cửa, bò ra đánh sạch sẽ cái nhà tắm, chỉ vì nghĩ sinh mấy tháng không ai dọn. Bà ngoại nhắc chuyện này đúng 2 lần. 1 lần vào hôm ở trong viện, 1 lần sau khi về nhà bà nhưng chỉ thế thôi cũng làm mẹ ân hận và dằn vặt lắm, Nếu mẹ không "tham công tiếc việc" như thế thì chắc con đã đủ tháng đủ ngày và mẹ con ta sẽ sinh thường được rồi.



Vừa ăn bát phở ăn liền, vừa ngồi đợi cho tóc khô, mẹ chỉ đạo bố, bà nội, cô chuẩn bị đồ mang đi. Tất cả mẹ đã sắp sẵn và chỉ cần mang theo là được. Cũng bõ công cho việc mấy hôm kì cạch ngồi xếp đồ con nhỉ. Đến giờ G không phải cong mông lên sắp xếp đồ nữa. Mẹ tạm hài lòng với những gì mẹ đã tìm hiểu và tích lũy được. Cả nhà ta bắt đầu nhập viện. Cả nhà mình rồng rắn nhau đi hết trừ ông nội. Vì xe taxi hết chỗ và cũng cần 1 người ở nhà trông nhà. Mẹ vào viện và chắc chắn 1 điều rằng không ai đi sinh như mẹ, kéo cả 1 đoàn quân theo. Bố thì cầm hồ sơ, cô và bà thì nào đủ thứ như đi sơ tán. Vậy là cả đoàn quan hộ tống mẹ đi sinh như vậy đó. Vào viện ai cũng nhìn vì hầu như các bà sản phụ khác chỉ cần 1 người đi cùng, nhiều lắm đến 2 người. Vậy mà nhà mình 3 người, chưa kể là bà ngoại và bà Minh đang sang.



Mẹ được làm hồ sơ và được chuyển vào khoa sinh tự nguyện. Không ai được vào theo. Đấy cũng là lúc mẹ kết hí hửng về việc đi sinh và bắt đầu thấy hơi sợ. Vào phòng chờ sinh là chục sản phụ đang nằm ngồi, nhăn nhó, cười đùa … Bác sỹ bảo mẹ cần truyền thuốc kích đẻ. Vậy là mẹ bắt đầu truyền thuốc, bắt đầu biết được thế nào là đau đẻ. Đau rồi cứ lăn lộn hết trái lại phải, lúc đầu chỉ đau khe khẽ, mẹ nhắm mắt tưởng tượng ra bố con để khỏi đau, những 1 lúc sau đau quá mẹ chỉ ước có bố con ở đấy để mẹ giựt tóc, bứt tai như 1 số bài báo người ta hay đưa tin về nỗi đau và sự giải tỏa đau đớn của các bà sản phụ lúc sinh. Nhưng tiếc là bố con không ở đấy nên mẹ cứ nằm im nhăn nhó, lúc đau quá thì nhỏ vài giọt nước mắt, rồi thi thoảng nghe ngóng những tiếng nói chuyện ở ngoài xem bố có ở đó không, bà ngoại vào chưa. Bác sỹ thăm khám mấy lần, đau lắm mà vẫn bảo chưa mở để đẻ được. Mấy sản phụ vào sau cũng được chuyển đi đẻ rồi mà mẹ vẫn nằm đấy. Rồi đến lúc đau quá mà không ai thăm khám cho mẹ, mẹ đành phải bảo cô y tá “chị ơi, có bác sỹ nào không khám cho e, cho e đi đẻ chứ e đau quá”. Cô y tá nhìn mẹ cười với ánh mắt mẹ cũng không biết phải nói như nào, rồi bác sỹ vào khám. Bác sỹ lại gần bảo mẹ, nước ối cạn hết rồi, huyết ra nhiều, anh khuyên em nên mổ nếu không sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, còn nếu em vẫn đợi để đẻ thường thì vẫn được. Lúc này mẹ chỉ muốn khóc thôi, mẹ thều thào hỏi lại bác sỹ có nguy hiểm không anh, máu ra nhiều lắm ạ. Bác sỹ rất nhẹ nhàng đáp lại “Uh, mổ lúc này là tốt nhất”. Mặc dù bác sỹ rất nhẹ nhàng nhưng nghe xong mẹ rất hoảng loạn và hãi.



Bác sỹ ra nói chuyện với bà và bố. Bà và bố quyết định mổ và ký vào các loại giấy tờ. Người ra cho mẹ ngồi lên xe lăn, đẩy ra ngoài đến phòng mổ. Ra ngoài mẹ nhìn thấy bố, thấy bà ngoại, bà nội, thấy bà Minh, cô Hằng nhưng mẹ không nói được lời nào, không biết phải nói gì vì đầu óc mẹ lúc này hỗn loạn vô cùng. Nghe thấy từ mổ là đầu óc mẹ thật sự không tỉnh táo nữa rồi. Có lẽ là cảm giác sợ hãi.



Bố cầm tay mẹ cũng không nói được lời nào, bà ngoại thì cứ cười nói động viên mẹ, Vì hơn ai hết bà hiểu và biết mẹ đang sợ. Bà cười nói, động viên mẹ để mẹ bớt lo lắng, bớt sợ thôi chứ bà cũng đang lo lắm. Đến thang may thì mẹ phải chia tay mọi người vì người ta không đi cùng. Giờ thì vừa sợ, vừa cô đơn. Sao các bệnh viện Việt Nam không cho người than đi cùng những lúc như này chứ hic hic. Xuống khoa mổ, mẹ đi theo y tá như 1 cái bóng. Đi qua các dãy phòng đầy dụng cụ y tế, các bàn đang mổ, máu … mẹ sợ hết hồn hết vía và cắm mặt đi thẳng vì nếu mẹ nhìn thêm chắc mẹ ngất ra đấy mất. Mẹ cứ phải đi theo mặc dù rất sợ vì mẹ phải lo cho con, phải đảm bảo con an toàn, nếu không có con chắc mẹ bỏ tất cả để chạy ra ngoài dù sau ấy mẹ có như nào mất.


Nằm lên bàn mổ người ta kéo áo, kéo người mẹ, phanh người mẹ ra đúng chất như đang phanh 1 con lợn. Người ta bơm thuốc tê vào sống lung mẹ khiến mẹ không cử động được chân. Mẹ cố cử động chân nhưng không được, nên thử cử động tay, may quá vẫn cử động được tay và mẹ chắc mẹ đang còn sống. Và thế rồi đầu óc mẹ cứ hỗn đội với đống suy nghĩ sợ hãi về máu, dao, dụng cụ y tế ….và với suy nghĩ mẹ phải tỉnh táo mặc dù mẹ buồn ngủ chết đi được, 2 con mắt nó cứ díu vào nhưng nó cố trợn mắt lên để tỉnh tảo. Vì vậy người ta mổ lúc nào mẹ cũng không biết. Mẹ chỉ biết cho đến khi mẹ nhìn thấy người ta mang con vào phòng vệ sinh tắm rửa, đặt lên cân. Mẹ cố căng cái mắt đang díu lại để xem mặt mũi con như nào vì không biết sau đó người ta sẽ mang con ra cho mẹ nhìn. Khi y tá mang con lại gần mẹ, con đang ngủ thì phải. Cái mặt giống hệt ảnh siêu âm lúc con 32 tuần tuổi. Vậy là mẹ có thể mỉm cười rồi.



Con được mang đi và mẹ đinh linh con đã về với bố và bà. Sauk hi mổ xong mẹ về phòng hậu phẫu. 6 tiếng nằm trong đó dài như 6 năm vậy. Mẹ nằm đếm từng phút để được ra gặp con. Nhưng đến lúc về phòng mẹ thấy tất cả mọi người, bố, ông bà nội, bà ngoại, bác Phương, cô Hằng nhưng tuyệt nhiên không thấy con đâu, cũng không thấy ai bế con cả. Mẹ hỏi bố rằng con đâu. Bố nói con bị hạ đường huyết và phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt. Mẹ hỏi bao giờ con được ra khỏi đó. Bố nói không biết, bác sỹ bảo bao giờ hết bị thì người ta cho về. Vậy là tất cả trong mẹ như sụp đổ. Niềm vui sướng, hạnh phúc để được nhìn thấy con thay bằng sự lo lắng, lo lắng tột độ. Mẹ khóc như mưa, bà ngoại động viên mãi. Cả đêm hôm ấy mẹ khoogn ngủ được, bà ngoại thì cứ bảo ngủ chút đi cho có sức. Bố thì không có ở đó vì bà ngoại và bà nội ở lại rồi, hết chỗ rồi, người ta không cho ở nữa. May thay ông trời thương mẹ, nửa đêm con được về với mẹ. Mẹ chưa có sữa, nửa đêm bà ngoại phải ra ngoài mua sữa, và may mua được 1 hộp sữa gì đó. Cô y tá pha cho con 30ml và con làm 1 hơi hết. Cô y tá khen con giỏi vì phản xạ mút của con rất tốt và cái núm ti sau này mẹ mới biết, cứng của cứng.



4 ngày nằm viện cũng là 4 ngày đầu tiên mẹ sống trong nước mắt vì thương con. Sữa mẹ mãi không về mặc dù đã dùng lá mít nóng chườm, dùng khăn ấm lau, uống sữa ông thọ nóng, ăn cháo móng giò … Mẹ mổ và đau quá không thể ngồi dậy cho con ti được. Mỗi lần mẹ ngồi dậy là 1 cực hình. Mỗi lần ngồi dậy là bà ngoại phải lấy hết sức mạnh của 1 người cao to và của 1 người 60 tuổi để nhấc mẹ dậy, dậy được rồi nhưng để đi từ giường bệnh ra cái nhà vệ sinh cách đó chưa đầy 2m thì mẹ đau đến choáng váng đầu óc, thắt gan thắt ruột. Thế nên mẹ không bế con cho con bú được. Mẹ nằm cho con bú. Sữa không ra, con vẫn bú, thương con mà mẹ cắn chặt môi, rơm nước mắt vì đau, rát. Bà ngoại bảo thôi nhé vì thấy mẹ đau quá nhưng mẹ vẫn bảo kệ, mẹ chỉ mong có sữa cho con thôi. Sữa bắt đầu về 1 ít và đấy cũng là điều hạnh phúc vô bờ bến đối với mẹ rồi. Con vẫn phải uống thêm sữa ngoài nhưng dù sao có còn hơn không phải không con.



Ngày còn ra viện là ngày Hà Nội mưa gió bão bùng từ mấy hôm trước chưa ngớt, cả cái Hà Nội ngập trong nước. Không bắt nổi 1 cái taxi nào trong viện để đón con về. Bố phải bắt 1 chiếc taxi tận Bách Khoa rồi đi vào viện đón con. Về gần nhà bà ngoại thì ngập quá đầu gối taxi không vào được vậy là nhà mình huy động 2 ông trẻ và cả bác Phương lấy xe máy ra đón mẹ con mình về. Đúng là con rắn sinh ra vào mùa nước.



Câu chuyện về quá trình mang thai và sinh con là như vậy đó. Hạnh phúc có, lo lắng có, sợ hãi có … chỉ cần bấy nhiêu ngày đó thôi mà các cung bậc cảm xúc mẹ đều trải qua hết rồi. Sau những cung bậc tình cảm đó, giờ đây còn đọng lại đó là niềm hạnh phúc, tình yêu mẹ dành cho con.



Sau câu chuyện này có lẽ mẹ sẽ chia sẻ thêm về những câu chuyện sau khi sinh con cho đến khi con 1 tuổi. Có quá nhiều kỉ niệm phải không con. Nếu không có con cuộc sống của mẹ liệu có những kỉ niệm đáng yêu và điều đáng tự hào như này không. Tất nhiên là không rồi. Vì con là công trình lớn lao nhất là mẹ xây dựng được. Yêu con, Cù Thị Bông (tức Bông Thối) của mẹ.