Tên bé: Lê An Quỳnh Trang


Lê An Vân Trang


Giới tính: Nữ


Ngày sinh: 11/04/2013


Ngày dự sinh: 26/06/2013


Tuổi thai: 28 tuần


Cân nặng: 0,6 kg và 1,1 kg



Nhìn hai cô công chúa nhỏ của mẹ đang ngủ ngon lành mà hạnh phúc trong mẹ dâng tràn, có ai ngờ mới một năm trước thôi hai con là những thiên thần tí hon theo đúng nghĩa chào đời khi mới 28 tuần tuổi và chị con có lẽ chỉ như một chai lavi 0,6 kg, em con thì khá hơn khi vừa vượt qua mốc 1kg. Như bố và mẹ hay nói cân nặng của hai con cộng lại (1,7kg) nhân đôi lên mới bằng cân nặng của một đứa trẻ bình thường khi chào đời. Thời điểm này năm trước mẹ đang trải qua những cơn đau vật vã cả về thể xác lẫn tinh thần sau khoảng thời gian mang thai đầy căng thẳng.Tròn 1 năm kỷ niệm ngày cưới, bố mẹ biết mình mang bầu, niềm vui sướng và hạnh phúc như được nhân đôi. Và bất ngờ hơn, đúng ngày sinh nhật mẹ,mẹ phát hiện ra mình mang song thai, mẹ đã khóc, đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc và cả sự lo lắng, lo lắng vì mẹ sợ mình không đủ sức khỏe, kiến thức và kinh nghiệm để có thể chăm sóc tốt cho hai con. Tới tuần thứ 8, mẹ bị bong rau, theo chỉ định của bác sĩ mẹ phải nghỉ ngơi hoàn toàn để thai nhi ổn định, mọi công việc nhà từ việc lớn tới việc nhỏ mẹ đều không phải động tay, cơm nước có người mang tới tận nơi. Tròn 1 tháng sau điều trị cả tại nhà và bệnh viện, kinh qua bao nhiêu phòng khám, mẹ lại đi làm như bình thường nhưng tuyệt đối nhẹ nhàng và cẩn thận. Mẹ biết trong thời gian mang bầu, tư tưởng của mẹ phải thoải mái nhất nhưng dường như với mẹ lúc nào cũng thường trực sự lo lắng, lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, khẩn cấp, bất cứ lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần vào viện. Mẹ đi làm lại một thời gian khoảng 2 tháng sau đó, vì có nguy cơ sinh non nên mẹ quyết định nghỉ làm, ở hẳn nhà dành thời gian hoàn toàn cho các con, bỏ qua rất nhiều cơ hội về công việc mà mẹ vẫn chờ đợi. Tới tuần 26, mẹ lại khăn gói quả mướp vào viện một lần nữa, nằm viện phụ sản Hà Nội 2 ngày, qua viện E một lần, vào tim mạch Bạch Mai lần nữa, mẹ về nằm im bất động trên giường. Được một tuần lên cơn sốt cao, mẹ lại tiếp tục một mình một phòng trong viện 4 hôm.Về nhà khoảng 1 tuần thì mẹ định cư hẳn trong viện phụ sản trung ương. Đó là thời gian nặng nề nhất trong chuỗi ngày mang thai của mẹ, bố mẹ phải đối diện với nguy cơ có thể sẽ phải hi sinh một trong hai bạn vì rỉ ối và tử cung mở sớm. Giữ khoảng thêm được 1 tuần, mẹ lên cơn đau vật vã từ sáng tới đêm ngày 10/4, rạng sáng ngày 11/4. Có thể nói, đó là ngày định mệnh của đời mẹ, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần cho nguy cơ sinh non xảy ra nhưng lúc đối diện với nó, mẹ vẫn đau đớn tới tột cùng và khó có thể chấp nhận.Cả nhà nội ngoại 20 người đêm hôm đó ngoài hành lang bệnh viện đã khóc hết nước mắt vì những lời của bác sĩ nói, mẹ cũng khó mà con cũng khó, hi vọng mọi thứ thật mong manh. Một mình mẹ nằm trong phòng chờ đẻ mà nước mắt tuôn dài. Khi bác sĩ hỏi mẹ, có cần giải thích về những nguy cơ với trẻ sinh non hay không,mẹ chỉ trả lời một câu không, cháu hiểu hết rồi. Khi ấy mẹ đau lắm, nhưng không phải là những cơn đau sinh học mà là nỗi đau dài của một bà mẹ bất lực không bảo vệ được đứa con của mình. Mẹ thương hai con nhóc của mẹ bao nhiêu thì tự trách bản thân mình bấy nhiêu, mẹ thật là một người mẹ tồi, mẹ không thể làm gì để có thể giữ được các con lâu hơn, giờ đây mẹ chỉ còn biết khóc và cầu Trời Phật phù hộ cho hai con nhóc của mẹ được bình an. Khi tử cung của mẹ mở 9 phân, các bác sĩ cũng chưa dám để tay vào đỡ chị con ra ngoài vì khi ấy chị con ngôi ngược lại quá nhỏ nên sợ nguy cơ gãy tay gãy chân. Những nhát rạch cộng với sự hướng dẫn lấy hơi rặn, chị con đã chào đời với cân nặng 0,6 kg mà không hề có một tiếng khóc. Tim mẹ lặng đi, mẹ không còn nghĩ được gì hết, đầu mẹ mụ mị, mẹ chỉ lờ mờ thấy có rất đông các bác sĩ, y tá và học viên đứng xung quanh, người thì xoay xoay ấn ấn lên bụng mẹ, người thì động viên khích lệ tinh thần mẹ, người lại lấy chai nước cho mẹ uống lấy sức vì cả ngày mẹ chẳng có gì trong bụng cả. Sau khoảng 15 phút, với tất cả chút sức lực và tinh thần cuối cùng của mình, em con cũng chào đời với cân nặng 1,1 kg và trên hết mẹ nghe thấy tiếng em con khóc, tuy không to nhưng đó là âm thanh của sự sống, âm thanh kéo mẹ ra khỏi sự tuyệt vọng. Mẹ không cả kịp được nhìn thấy hai con khi đó vì với tuổi thai và cân nặng quá nhỏ, hai con là trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Sau đó, cả nhà đã được xuống gặp mặt hai con, không ai dám nghĩ tới bất kì điều gì và cũng không ai dám nói gì với mẹ cả. Trở về phòng sau sinh, nhìn thấy các mẹ khác được ôm con trong vòng tay, được cho con bú, được vỗ về cục cưng của mình mà mẹ cảm thấy như có hàng ngàn lưỡi dao cứa vào trái tim minhg. Chẳng có gì có thể diễn tả được hết cảm giác của mẹ khi đó…Bắt đầu những chuỗi ngày đau đớn, chờ đợi và hi vọng.



Bác sĩ nói rằng qua được 1 tuần đầu thì khả năng sống cao hơn, từng ngày, từng ngày trôi qua, không khí của cả nhà như bao trùm một màu đen, ai cũng động viên tinh thần mẹ nhưng mẹ biết ngay cả bản thân mọi người đều nghĩ khó có chút hi vọng gì làm sao có thể...Đặc biệt 3 ngày sau khi sinh, các con mất nước, người khô lại, chị con lúc ấy còn vẻn vẹn hơn 0.4 kg, còn em con khá khẩm hơn chút 0,9 kg, bà ngoại và bố con khi ấy vào thăm mà lòng quặn thắt, ai cũng sợ nhưng không ai dám nói ra và càng không dám nói ra điều ấy với mẹ. Rồi thì 1 tuần cũng qua, hi vọng cứ ngày một lớn dần lên, tuy các con chưa ăn được sữa, tất cả đều thông qua truyền nhưng trộm vía các con mỗi ngày một khác. Bố vào thăm chỉ được mấy phút một lần nhưng về nhà thuật lại tỉ mỉ cho mẹ nghe bố đã nói những gì với hai đứa, hôm nay hai đứa thế nào, có mở mắt ra nhìn bố hay không, có đạp tay đạp chân khi bố gọi hay không…Các con dần được chuyển phòng từ hồi sức tích cực lên hồi sức trong niềm sung sướng vô bờ bến của cả nhà.


Mẹ nhớ lại ngày đầu tiên được vào thăm hai con sau một chuỗi ngày cả nhà giấu mẹ nói rằng bác sĩ không cho mẹ vào thăm con, sợ mẹ mới sinh cơ thể còn bẩn không được bước vào phòng vô trùng ảnh hưởng tới các con. Nhưng sự thật là mọi người sợ mẹ không đủ can đảm khi nhìn thấy hai con, sợ mẹ sẽ gục ngã và không gượng dậy được, sợ mẹ sẽ khóc lóc và tự hành hạ bản thân mình. Người sợ điều ấy nhất chính là bố của các con, khi bác con nói rằng hay cứ để mẹ vào vì sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra, sợ mẹ sẽ không có cơ hội được nhìn thấy các con nhưng bố một mực cương quyết không cho mẹ vào, mẹ biết bố làm vậy vì lo cho mẹ và sau này cũng không trách bố. Mẹ vẫn nhớ như in ngày đầu tiên mẹ được gặp các con. Bố mẹ không được cả hai cùng vào thăm hai chị em mà mỗi người chỉ được vào thăm một phòng, mẹ gặp em trước, mẹ nhìn Zenda trong lồng kính, tay chân đạp lung tung, có một cảm giác gì đó thật khó tả, như nghẹn lại nơi lồng ngực, mẹ chỉ gọi được tên con chứ không nói được gì cả, nhìn con thật nhỏ bé. Được 5 phút mẹ sang thăm chị Jenny, Zenda đã nhỏ bé chị Jenny còn nhỏ bé hơn rất nhiều, bao nhiêu dây dợ quanh người, thậm chí mẹ cảm thấy cái ống dây to bằng cả thân hình con. Mẹ chưa bao giờ nhìn thấy một em bé nào lại nhỏ như vậy, nhưng ngay từ lần đầu tiên mẹ lại cảm nhận được sức sống mãnh liệt và sự phi thường từ con. Trong khi những đứa trẻ khác chào đời được ở trong vòng tay ấm áp của ông bà cha mẹ thì các con lại phải một mình chiến đấu để giành giật sự sống, không có ai ở bên cạnh, chỉ có các con tự cố gắng, cố gắng và cố gắng. Mẹ càng thương các con bao nhiêu lại càng tự trách bản thân mình bấy nhiêu, giá các con được ở trong bụng mẹ lâu hơn sẽ đỡ thiệt thòi hơn so với các bạn khác, giá các con được mẹ bao bọc và bảo vệ trong bào thai sẽ trở thành những đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác. Mẹ tưởng mẹ sẽ khóc lóc thảm thiết, mẹ sẽ ngất lịm đi nhưng mẹ đã không khóc được, tim mẹ nghẹn lại, cổ họng mẹ mặn chát, bao nhiêu lời mẹ muốn nói với hai con nhưng mẹ không nói được gì cả, chỉ biết đứng nhìn hai đứa trong khi bố thì trò chuyện, thủ thỉ, động viên hai đứa cố gắng lên để nhanh về với bố mẹ.


Những ngày sau đó, hôm nào bố mẹ cũng thay nhau xếp hàng vào thăm con, thỉnh thoảng đổi ca cho ông bà, các bác,các cô dì. Mẹ được chứng kiến rất nhiều những hoàn cảnh éo le, có gia đình bán cả gia tài không đủ tiền thuê nhà cửa xe cộ thay nhau ở lại chăm con. Những câu chuyện của những người xếp hàng nói chuyện với nhau có lẽ người ngoài chưa biết thấy đó là những câu chuyện thật khó tin: con em 6 lạng, mấy ngày đầu ngót đi còn có 4 lạng, cả tháng đầu tiên chẳng tăng được lạng nào, bao giờ cho được 1 cân; hôm nay con em đang học ăn rồi nhé, bác sĩ bảo con ăn được 1ml nhưng lại bị trớ ra nửa ml, con nhà chị ăn được 5ml rồi ah,ăn được 3 bữa một ngày rồi cơ đấy, 2 hôm lại phải ngừng ăn hả, thôi cứ từ từ, hôm nay con chú phải truyền máu à, thấy bác sĩ bảo mai ngày kia phải chiếu tia laze để con đỡ vàng da, con cháu tự thở được rồi đấy, không phải dùng máy nữa đâu, mừng quá là mừng, đầu con cháu méo xẹo hết cả rồi…Chỉ có những người ở trong hoàn cảnh mới hiểu hết sự lo lắng khi những đứa con sinh non. Thứ nhất nguy cơ về thị giác, với những đứa trẻ có tuổi thai và cân nặng quá nhỏ thường gặp vấn đề về mắt, ngày nay với những thành tựu y học hiện đại đã giúp các con thoát khỏi nguy cơ bị mù, đây cũng chính là vấn đề mà mẹ lo lắng nhất, vì thế các con được theo dõi mắt thường xuyên và can thiệp khi cần thiết, tuy vậy tất cả cũng chỉ là đang trong quá trình thử nghiệm nên mẹ vẫn rất lo. Thứ hai nguy cơ về thính giác, khi Zenda kiểm tra không có vấn đề gì nhưng chị con lại khác, bác sĩ không thể đo được thính lực, hẹn khi con 6 tháng tái khám, trong khoảng thời gian này mẹ ăn không ngon ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì không nghe được sẽ đồng nghĩa với việc không nói được. Mẹ lên mạng tìm hiểu các hội chứng về thính lực và chuẩn bị tinh thần cả cho trường hợp xấu nhất con bị điếc sâu, phải cấy ốc tai. Vì thế không thể nói hết sự vui mừng khôn xiết của mẹ khi bác sĩ kết luận thính giác của chị con bình thường trong lần khám lại. Tuy nhiên, chị con còn gặp một vấn đề khiến mẹ mất ăn mất ngủ trong một khoảng thời gian dài là khi sinh ra, chị con có u máu một bên tai, mẹ cũng đã nghiền ngẫm rất nhiều tài liệu, diễn đàn về căn bệnh này, thường với trẻ sơ sinh là lành tính nhưng khi nó phát triển ở những bộ phận quan trọng cần can thiệp sẽ gặp rất nhiều vấn đề phức tạp, càng đọc càng thấy sợ, mẹ như phát điên lên trong sự sợ hãi, tâm trạng bất an. Nhưng có lẽ Trời Phật thương tình nên mẹ nhận thấy sau một thời gian phát triển thì càng ngày u ở tai của con càng càng xẹp đi, màu cũng mờ đi và giờ đây nó gần như bình thường.


Đêm hôm trước mẹ vừa đưa chị con vào viện khám vì chị con nôn trớ nhiều quá, quặn hết cả ruột gan, cứ 15 phút một lần, vậy mà chị con không khóc một tiếng nào, cứ nôn xong lại chơi chi chi chành chành với mẹ trong khi cô em thì ba bị, động tí là có thể gào ầm lên được. Tưởng tượng cảnh chị con nôn trớ mà mẹ nhớ lại hồi mang bầu hai con, mẹ cũng có một thời gian dài như vậy, mỗi lần nôn trớ xong là cả người mẹ mệt lử đi, cảm giác như bao nhiêu sức lực bị rút kiệt, thế mà cô bé hạt tiêu của mẹ vẫn cứ cười và chơi với bố mẹ được, mẹ càng cảm thấy khâm phục chị con hơn bao giờ hết.


1 tháng 20 ngày, em con được về nhà với cân nặng 1,6kg, trông em con không khác gì một con khỉ con mà lông lá vẫn còn khắp mặt, thế nên hồi ấy khi bố mẹ vào thăm con, các bác sĩ y tá ai cũng bảo vào thăm bạn da đẹp nhất phòng, đã thế con lại được đặt cạnh hai bạn sinh đôi da trắng nên làn da nâu lại càng nổi bật hơn bao giờ hết. Bố vẫn bảo chắc các bác sĩ cũng tưởng con mình là Tây nhưng mà là Tây đen nên mới xắp xếp như vậy. Vì thế, lúc đầu mẹ gọi con là Chôm Chôm vì cái đầu tóc tai dựng ngược lên ngồ ngộ như quả chôm chôm ấy, nhưng sau mọi người quyết định gọi con bằng con tên rõ Tây: Zenda là da đen.Mọi người tới thăm, ánh mắt đều hiện rõ sự lo lắng và không mấy lạc quan, tuy nhiên không ai nói ra điều đó, mẹ biết hết, mẹ hiểu hết, nhưng giờ đây mẹ chẳng còn quan tâm tới điều đó, mẹ chỉ có một mong muốn tới tột bậc là con mẹ khỏe mạnh. Ngày đầu tiên con đón con về, cả nhà có việc nên buổi chiều chỉ có một mình mẹ loay hoay, mẹ không biết bế con thế nào cho đúng, mẹ đã từng bế trẻ con nhiều lần nhưng chưa bao giờ bế một đứa trẻ nhỏ như con, cảm giác như con lọt thỏm trong cánh tay của mẹ, mẹ ôm cũng không được mà mẹ đỡ cũng không xong. Vất vả nhất là tới màn cho con bú, mẹ lóng ngóng, vụng về, không biết đặt đầu con như thế nào, không biết đỡ đít con ra sao, con thì đói mà mẹ thì vụng, mẹ khóc con khóc mà chẳng biết phải làm sao, thấy mình trở nên bất lực kinh khủng lại thấy tủi thân ghê gớm. May mà lúc ấy bà nội gọi điện cho chị nấu cơm ở nhà qua phụ mẹ lúc ấy nên tình hình cũng có chút khá khẩm hơn, mẹ đặt một chiếc gối bên dưới, đặt con bên trên rồi cố hết sức đặt con có thể dễ dàng bú mẹ. Được một lúc con nấc, mẹ sợ hãi chẳng biết con nấc hay làm sao nữa vì trước khi con về mẹ đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu về trẻ sinh non nên thấy cái gì cũng sợ. Mẹ gọi điện cho bà, cho bác, bà với bác hướng dẫn mẹ một số mẹo đơn giản để chữa nấc cho con mà mẹ làm hoài không hết. Nỗi sợ hãi, sự lo lắng, cảm giác bất lực…mọi thứ làm cho mẹ thực sự khủng hoảng,cứ thế này mẹ biết phải làm sao đây. Chắc do lo lắng quá mà cả bà, các bác và bố ngay sau đó xắp xếp công việc xong vội về nhà ngay với mẹ, dù sao thì cũng có mọi người ở bên nên mẹ cảm thấy an tâm hơn phần nào. Bắt đầu từ hôm ấy, cả nhà bước vào giai đoạn “trực chiến”, gần như cả ngày 24/24 mẹ thức cùng con, sữa mẹ thì ít con lại lâu về nên đã ít lại càng ít hơn, con phải ăn thêm sữa ngoài, mỗi lần ăn mất cả gần tiếng đồng hồ mà chỉ được 15,20ml, ăn xong lại bế con vỗ ợ, khoảng 15 phút, rồi rửa bình sữa, tráng bình sữa, mẹ nằm nghỉ trông con sợ con trớ được 30 phút lại tiếp tục quay vòng cho con ăn. Đấy là chưa kể tới đặc sản nôn trớ của con, gần như ngày nào cũng vậy, mỗi ngày mấy lần con phun ra như vòi rồng, có khi vừa ăn vừa sặc, có khi vừa ăn xong lại sặc, cũng có khi ăn xong, đang nằm ngủ cũng sặc, vì thế mẹ sợ, sợ tới mức không dám ngủ để trông con. Hoặc có ngủ cũng chỉ dám lơ mơ, chỉ cần con cựa mình một cái là mẹ cũng giật mình thon thót. Cứ như vậy, mẹ chẳng biết ngày hay đêm, chẳng biết mưa hay nắng, gần như ngồi suốt thôi khiến cái lưng của mẹ nhiều lúc tưởng tê dại, không còn cảm giác gì cả. Có những hôm mẹ bị cúm nhưng cũng không dám xa con, bịt hai ba cái khẩu trang y tế rồi lại ôm con mà cho ăn, cái gì mẹ cũng muốn tự tay mình làm, nếu không vậy thì mẹ không yên tâm, thế nên mọi người nhiều khi khó chịu với mẹ vì sự tỉ mẩn và quá cẩn thận của mẹ nhưng mẹ vẫn cứ vậy, chẳng thay đổi được. Mẹ đọc nhiều, mẹ cày nát các bài báo về trẻ sinh non, những nguy cơ và cách chăm sóc trẻ nên cái gì mẹ cũng sợ, cái gì mẹ cũng phải chú ý hơn bình thường tới hai ba lần.


Khi chị con về cũng là lúc sự vất vả nhân lên theo cấp số nhân. 2 tháng 10 ngày nằm viện,bác sĩ thường nói đùa rằng con sắp thành nhân viên ở đó tới nơi rồi. Buổi chiều hôm ấy, bác trưởng khoa liên lạc với mẹ nói rằng hôm sau đón con về nhà, mẹ vừa vui mừng vừa lo lắng sợ hãi. Mẹ vui, vui chứ khi cả nhà được đoàn tụ, một mình con không phải cô đơn trên ấy nữa, con được về nhà với ông bà bố mẹ và em con. Nhưng mẹ sợ, mẹ sợ cô bé 6 lạng của mẹ giờ mới có 1,4 kg về nhà không được chăm sóc khoa học và cẩn thận như ở trong khoa sơ sinh, mẹ lo lắng nhiều vấn đề xảy ra nhưng bác trưởng khoa đã động viên bố mẹ rất nhiều, phân tích đủ thứ nên bố mẹ quyết định hôm sau đón con về nhà. Nhìn hai chị em con như hai con mèo con nằm trên một chiếc giường mà cảm xúc trong mẹ thật khó tả, phải trải qua biết bao khó khăn và vất vả, trải qua bao sự nỗ lực phi thường của các con mới có được hình ảnh đó. Nhiều lúc mẹ tưởng như mẹ không thể gượng dậy được, nhất là trong khoảng thời gian hai con nằm viện, cú shock tinh thần lớn sau sự chào đời sớm của hai con, lại bao nhiêu chuyện kinh khủng đổ ụp xuống đầu mẹ cùng lúc khiến mẹ trở nên tuyệt vọng, bế tắc và suy nghĩ bi quan. Nếu không phải vì hai con lúc đó, mẹ có thể đã bỏ đi thật xa, tới một chân trời mới để làm lại từ đầu hoặc sống một cuộc sống thanh tịnh, không màng tới thế sự. Nhưng vì các con, vì sự nỗ lực và cố gắng phi thường của hai con, mẹ đã lấy lại được sự cân bằng, lấy lại được mục tiêu cho cuộc sống của mẹ. Cả ngày, cả tuần, cả tháng, mẹ quay cuồng trong việc chăm các con, không còn nghĩ tới thứ gì khác, không bước chân ra khỏi phòng trừ khi cho các con đi tắm nắng và đi khám theo định kỳ. Nhìn các con ngày một lớn lên, nhìn thấy nụ cười của con, ngắm những lúc con ngủ mẹ cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết, mẹ quên hết những mệt nhọc, lo âu và tính toán.


Đúng là hoàn cảnh tạo nên con người, nếu mẹ không vào hoàn cảnh của mình mẹ không thể tưởng tượng được mình có thể làm được những gì, một người mà vốn chăm sóc mình không tốt giờ đây lại phải chăm sóc hai cô công chúa nhỏ, thậm chí rất nhỏ và non nớt. Ai biết chuyện của gia đình mình cũng nói một câu đúng là kì tích, kì tích ấy không phải do mẹ tạo ra mà chính là do các con tạo ra.


Hôm nay, hai con tròn 1 tuổi, đáng lý ở tuổi này các bạn khác đã biết rất nhiều thứ, đang học nói và đang học đi nhưng với hai con, sự vận động chưa phát triển được như vậy. Các con mới biết ngồi, mới đứng vịn thành giường, mới mọc được những chiếc răng đầu tiên, mới đang học bò, mới bập bẹ được tiếng bà bà và mới đạt được cân nặng chỉ bằng đứa trẻ 5,6 tháng nhưng mẹ sẽ chẳng bao giờ so sánh các con với các bạn khác vì với mẹ các con đã là những đứa trẻ tuyệt vời nhất. Trước đây mẹ luôn mơ ước rằng sau này các con của mẹ sẽ là những thần đồng, sẽ là những thiên tài để mẹ có thể nở mày nở mặt nhưng giờ đây mẹ biết ước mơ lớn nhất của mẹ là các con được khỏe mạnh, được sống cuộc sống của những đứa trẻ bình thường khác.


Một năm sóng gió đã qua đi, sẽ chẳng bao giờ mẹ có thể nói lại được hết những thăng trầm và cảm xúc khi ấy nhưng mẹ muốn nói với các con rằng bố mẹ yêu các con nhiều lắm và tự hào về các con nhiều lắm. Chúc mừng sinh nhật hai cô công chúa nhỏ của bố mẹ, chúc hai con luôn luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn.