Có những người ban đầu khi vay tiền mua nhà, họ toàn xây dựng kế hoạch mang một màu hồng thôi, không hề nghĩ đến những biến cố, rủi ro có thể gặp phải để còn lường trước được.

Nay đọc bài báo này trên trang Vietnamnet, mình thấy có khá nhiều người vướng phải nên chia sẻ cùng các mẹ.

hình ảnhẢnh chụp trang Vietnamnet. 

Chị Trần Thị Quế, ở Hoài Đức, thành phố Hà Nội kể lại, năm 25 tuổi chị lấy chồng. Cưới xong thì được bố mẹ chồng cho ra ở riêng ngay, nhà chồng chị chẳng giàu có gì mấy, chỉ có mỗi mảnh đất thổ cư rộng cỡ 70m2, trong một ngõ nhỏ ở làng cho vợ chồng chị.

Vì đắn đo miếng đất ấy, đứng trước tình thế nên chọn ở trọ hay xây nhà, nên chị quyết định vay tiền để xây nhà, lúc đó chị nghĩ cứ yên ổn, an cư lạc nghiệp là tốt.

Được biết, cả 2 vợ chồng chị đều đang làm công nhân cho một nhà máy dệt may trên địa bàn. Tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng được khoảng 12 triệu đồng mỗi tháng nếu có đi làm đầy đủ. Vì ở vùng ngoại thành nên chi tiêu không mấy tốn kém, mỗi tháng vợ chồng chị cố gắng tiêu 5 triệu, còn dư 7 triệu tích lũy xây nhà.

Tính toán kỹ nên vợ chồng chị quyết định thế chấp sổ đỏ của mảnh đất ấy để vay ngân hàng 300 triệu, bên ngoại cho 50 triệu đồng nữa đủ để xây căn nhà cấp 4 có một gác xép trên mảnh đất được bố mẹ chồng cho.

Chị kể, chị vay 300 triệu đồng, với thời hạn 5 năm và lãi suất là 10%/năm nên lãi mỗi tháng chị phải trả là 2 đến 3 triệu đồng. Số tiền có thể khác nhau chút do số ngày trong tháng khác nhau. Vay tiền ngân hàng xong, chị còn vay người thân thêm 50 triệu đồng để mua các thứ nội thất trong nhà như bàn ghế, tủ lạnh, tivi… Như vậy, tổng số tiền nợ của vợ chồng chị là 350 triệu đồng.

Năm thứ 1, vợ chồng chị đều đi làm bình thường, các tháng trong năm đều được trả hết. Số tiền vay của người thân cũng được trả ngay trong năm đầu nhờ 7 triệu dành dụm mỗi tháng của 2 vợ chồng lúc trước.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Năm thứ 2, công ty may của chị đang làm bắt đầu khó khăn, do thị trường xuất khẩu sang nước ngoài bị chững lại, hàng may lỗi nhiều, nên công ty chị tinh giản nhân viên, và chị nằm trong số đó. Mất việc nên chị phải về nhà làm ruộng, còn chồng chị vẫn cứ đi làm, nhưng lương bị giảm còn 5 triệu đồng mỗi tháng. Chị định xin việc mới thì lại có bầu. Mẹ cũng biết rồi đó, bầu bí mấy tháng đầu mệt mỏi lắm, có người không chịu nỗi phải nghỉ làm. Chị vì thế cũng ở nhà, không làm được gì, mọi chi tiêu trong nhà nhờ vào đồng lương của chồng, có tháng tằn tiện lắm thì xài 2,7 triệu, còn 2,3 triệu trả ngân hàng.

Chị mang bầu yếu, nguy cơ dọa sảy thai cao nên cứ phải ở nhà suốt. Bầu bí là kinh tế phải thoải mái, chứ chắt mót chi tiêu, tiền sữa rồi thăm khám thai, còn lo lắng tiền trả ngân hàng thì làm sao mà em bé khỏe được? Mình nghĩ như thế khi đọc những dòng tâm sự của chị.

Túng thiếu quá, vợ chồng chị phải vay mượn thêm, nên từ lúc bầu bí đến lúc sinh, vợ chồng chị phải vay mượn để chi tiêu khoảng 80 triệu. Sinh con được 7 tháng, chị phải gửi cho bà nội giữ dùm để còn đi làm. Con hay bệnh nên chị phải thường xuyên nghỉ làm, thành ra có tháng lương chỉ được 3 triệu. Con mà nhập viện là chị phải vay mượn thêm. 2 năm sau đó, chị phải vay mượn người thân thêm 100 triệu để chi tiêu nữa.

Suốt mấy tháng trời chị lao đao vì chỗ làm của chị. Cũng từ ảnh hưởng đại dịch mà ra, nên lương trả cho nhân viên cũng chậm hơn trước, trong khi tiền trả ngân hàng cứ đến hạn là phải trả đủ, không thì phát sinh thêm lãi. Vì khó khăn chồng chất, nên chị vẫn cố gắng bám trụ, chỉ mong lương sẽ sớm được trả.

Cứ xoay vòng lẩn quẩn, vay mượn của người thân để trả ngân hàng, rồi làm có để trả người thân, suốt nhiều tháng trời, chị cứ đau đầu với món nợ 300 triệu ngân hàng và 100 triệu nợ người thân. Người thân thì chị không thể vay nữa, số tiền nhiều nên người ta thấy cũng ngán ngẩm, ai dám cho vay tiếp khi tiền cũ chưa trả. Thế là vợ chồng chị quyết định bán nhà để trả nợ.

Rao bán nhà, có khách trả 800 triệu đồng, mới đầu chị không đồng ý, vì nghĩ bán đi là hết. Chưa kể đây là kỷ niệm mảnh đất bố mẹ cho, suy đi tính lại thì đường cùng rồi nên phải quyết thôi, chấp nhận bán nhà. Cứ cái tình trạng này kéo dài thì nguy cơ 2 vợ chồng mất trắng căn nhà là điều không sớm thì muộn thôi.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Bán nhà xong, vợ chồng chị còn dư hơn 400 triệu, và quyết định sẽ mua mảnh đất nhỏ ở xa để đi làm thuê một thời gian, chờ cơ hội tính tiếp. Đành chấp nhận “kiếp ở trọ” thêm 5 7 năm nữa, rồi lại tính xây nhà lại vậy. Thuê trọ mỗi tháng khoảng 1,5 triệu cũng đỡ áp lực tài chính hơn, tiền còn lại để chi tiêu trong gia đình.

Đấy, tính toán không kỹ, thì lâm vào cảnh “nợ ngập đầu” là không thể tránh khỏi.

Thật ra, ai có ý định mua nhà hoặc xây nhà, tất nhiêu đều phải tính toán chi phí mới quyết định. Song có một vấn đề mà rất nhiều người sai lầm, nhất là các đôi vợ chồng trẻ muốn bắt đầu cuộc sống mới theo kiểu độc lập, không phụ thuộc nội ngoại 2 bên. Đó là khi lên kế hoạch vay tiền và trả nợ mọi người cứ tính về điều kiện trước mắt chứ không tính xa hơn.

Cuộc sống mà, đâu ai lường trước được chữ ngờ, nay bình yên đó, chứ biết đâu ngày mai tai họa lại bất ngờ ập đến, nên cứ phải đề phòng bằng cách thiết lập khoảng cách an toàn về tài chính đi đã. Dự trù khoản trả nợ hằng tháng đừng bao giờ là quá 50% tổng thu nhập cả. Vì mình còn phải tính toán chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, rồi chưa kể bệnh hoạn, ốm đau, và một rủi ro ít có ai mong đợi nhưng nó vẫn có thể hiện hữu trong cuộc đời mỗi người đó chính là tai nạn. Vậy nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cứ phải để riêng khoản này đề phòng sự cố xảy ra nha.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Tin nhanh Chứng khoán. 

Thêm nữa, khi vay vốn ngân hàng nên tìm hiểu các gói vay với từng loại lãi suất, có những thứ lợi ích trước mắt là làm mờ đi quyền lợi của mình, mẹ nên cân nhắc xem chỗ này. Là vay theo kiểu dư nợ giảm dần, hoặc chia đều vốn lẫn lãi trong suốt thời hạn vay.

Thời hạn vay càng kéo dài, người vay có lợi nhiều mà ngân hàng cũng thêm lợi, vì ít nhất kéo dài khoảng cách về thời gian giúp người vay đỡ áp lực gánh nặng tài chính khi chi trả, tất nhiên, nếu trả sớm hơn thời hạn đã thỏa thuận, người vay buộc phải trả một khoản phí mà mình hay gọi là phí phạt.

Sai lầm của lớn nhất của chị Quế là không tính đến những rủi ro có thể xảy đến để mà cân đối kế hoạch vay, giá như chị kéo giãn thời hạn vay dài hơn, cho số tiền phải trả mỗi tháng bớt lại, thì đã không có cảnh phải bán nhà như đã xảy ra.

Quanh năm suốt tháng mà cứ trông chờ vào đồng lương làm công thì không phải là cách để có nhiều tiền mua nhà, xây nhà, mẹ nên nghĩ cách lựa chọn kênh đầu tư uy tín và phù hợp với mình từ bây giờ đi, nó sẽ giúp ích cho mình sau này đấy.

Tổng hợp