Bão lũ đi qua, để lại bao nhiêu cảnh đau thương, xót xa nhất là khi con người ta phải chạy đi kiếm miếng ăn mà bỏ qua sự an toàn tính mạng của bản thân và đứa con bé bỏng của mình.

>>> Nước lên có chỗ 3 mét, nhà ngập đến nóc, dân Quảng Bình tất tả chạy lũ: Chia sẻ các kênh cứu hộ

Theo nguồn tin từ trang Bảo vệ Pháp luật cho biết, vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 20/10/2020, cháu Đinh Minh T., 8 tuổi, ngụ ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đang ở nhà chơi với bà ngoại trên nhà phao chống lũ. Trong lúc chơi, cháu T. không may ngã rơi xuống nước và bị lũ cuốn trôi. Được biết khoảng thời gian này, sở dĩ cháu ở chơi với bà ngoài vì mẹ cháu đang chèo thuyền để đi nhận hàng cứu trợ, còn bố cháu đang đi làm thuê ở miền Nam chưa về.

hình ảnhẢnh chụp trang Bảo vệ Pháp luật. 

Thương nhất là gia đình cháu T. thuộc diện hộ nghèo, khó khăn của xã.

Chính quyền sau khi nhận tin đã đến thăm hỏi, động viên gia đình, càng xót xa hơn khi tình hình nước lũ đang ngập sâu nên việc lo hậu sự cho cháu T. gặp nhiều khó khăn.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã có 6 người qua đời vì lũ lụt.

Bão lũ, thiên tai đã lấy đi biết bao nhiêu mạng sống của con người ở nơi miền Trung vốn dĩ có khí hậu khắc nghiệt thế này. Cơn lũ đi qua, mọi người lập lại trạng thái bình thường mới, rồi mọi thứ vào guồng xong, họ lại tiếp tục hứng chịu cảnh tai ương, cứ thế một vòng lẩn quẩn cứ diễn ra.

hình ảnh


Ảnh trái: Lũ lụt khiến các hộ dân ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) bị chìm sâu trong dòng nước. Nguồn: VTC News. Ảnh phải: Cháu T. bị lũ cuốn trôi khi chờ mẹ đi nhận hàng cứu trợ. Nguồn: Báo Bảo vệ Pháp luật. 

Năm nào thiên tai, không ít thì nhiều cũng có người gặp nạn, người dân chứng kiến cảnh thấy đau xót, nhiều người thắc mắc sao chính quyền, cơ quan các cấp vẫn chưa rút kinh nghiệm để xảy ra hậu họa thế kia? Tội quá.

Đau lòng khi thấy con người ta sống trong khó khăn, túng thiếu, phải chạy vạy để đi kiếm miếng ăn, cứu đói trong cơn hoạn nạn, mà quên đi sự an toàn của chính bản thân mình, gia đình và con cái.

Quay ngược dòng thời gian, giá mà người bà ở nhà với cháu trai cẩn thận hơn hoặc người mẹ đi nhận hàng cứu trợ muộn hơn thì chắc sẽ không có tai nạn cháu bé 8 tuổi bị lũ cuốn trôi…

Sáng nay, mình tình cờ lướt các báo thấy trang VnExpress có dịch lại một bài viết được đăng trên báo nước ngoài chia sẻ về cái cách mà người Nhật ứng phó với thiên tai, mình thấy hay, và nghĩ rằng người Việt mình cần học hỏi, nhất là bà con đồng bào miền Trung nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Ai cũng biết rằng, Nhật Bản là đất nước quanh năm luôn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, thế mà họ vẫn cứ lớn mạnh, kiên cường vượt qua, đáng nói là thời gian họ phục hồi, lấy lại cân bằng cuộc sống, công việc nhanh hơn ta rất nhiều.

Xem rồi mới thấy, hầu như tất cả thành phố nơi đất nước này đều có những “bản đồ nguy hiểm” chi tiết những khu vực bãi bồi, dễ ngập nước, khu vực đồi cao, có nguy cơ sạt lở và phổ biến đến người dân để khi gặp sự cố thiên tai họ nhanh chóng di chuyển để sơ tán.

Thêm nữa, họ luôn giáo dục người dân mình biết cách tự bảo vệ bản thân trước các tình huống nguy hiểm như bão lũ, đồng thời kích hoạt hệ thống cảnh báo trên điện thoại di động của người dân, khi có yêu cầu, người dân phải khẩn trương sơ tán đến vùng an toàn đã được chỉ dẫn trước đó.

Người dân Nhật Bản thường có ý thức an toàn cao hơn nhiều quốc gia khác nên có rất nhiều cảnh báo được gửi tới người dân ngay cả khi chưa xuất hiện mối đe dọa tức thời.

Đất nước này coi quản lý thiên tai là vấn đề có thể giải quyết bằng kỹ thuật, nên họ đã bắt tay vào hàng loạt dự án công trình công cộng để thuần hóa các con sống, đê đập mọc lên dọc hầu hết mọi con sông. Dù dự án này phát huy tác dụng, cứu sống vô số mạng người, nhưng có lẽ thời gian sau vẫn không đủ để đối phó với các thách thức thời tiết khắc nghiệt.

hình ảnh


Ảnh trái: Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sơ tán người dân tại vùng ngập lũ ở thành phố Omuta, tỉnh Fukuoka. Nguồn: Kyodo. Ảnh phải: Máy bơm được cài đặt để hút nước từ một con đê bị vỡ ở Naganuma, tỉnh Nagano. Nguồn: New York Times. 

Đâu chịu dừng lại trước hiểm họa đến từ thiên nhiên, họ vẫn cố gắng nỗ lực dùng tư duy kỹ thuật để ngăn chặn, một trong những sáng kiến đó là xây những ngôi nhà nổi, thiết lập hệ thống cảm biến hiệu quả hơn. Và thêm một trường hợp cần phải giải quyết đó là nếu điện thoại di động không hoạt động, không có điện… thì phải làm sao?

Đã đến lúc đất nước Việt Nam mình cần nghĩ đến các giải pháp mang tính kỹ thuật để mà ứng phó với thiên tai, nhằm phấn đấu con số thiệt hại về người xuống mức bằng 0.

Mình hy vọng rằng bão lũ sớm đi qua, người dân sẽ thiết lập lại cuộc sống bình thường mới và cũng từ đây, chúng ta bắt đầu nghĩ về bài học mà người dân lẫn chính quyền Nhật Bản đã làm để ứng phó với thiên tai. Để làm được việc này, tất nhiên cần cả sự chung tay giữa Chính phủ và người dân thì mới đạt được kết quả.

Tổng hợp