Các trường tiểu học toàn quốc sắp tới sẽ đồng loạt áp dụng thực đơn chuẩn, đảm bảo các yếu tố: cân bằng dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng để phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh.



Học sinh tiểu học dùng bữa trưa với thực đơn đa dạng, phong phú, đảm bảo tính dinh dưỡng


Các thực đơn này thuộc Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng dinh dưỡng, vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phê duyệt thông qua Quyết định số 196/QĐ-BGDĐT. Theo quyết định này, Phần mềm sẽ được áp dụng đối với các trường có tổ chức bữa ăn bán trú toàn quốc, nhằm đảm bảo thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn tại nhà trường.



Giao diện website Dự án Bữa ăn học đường


Đây là phần mềm thuộc Dự án Bữa ăn Học đường, do Công ty Ajinomoto Việt Nam phát triển với sự tư vấn chuyên môn của Viện Dinh dưỡng quốc gia – Bộ Y tế và sự phối hợp triển khai của Bộ GDĐT, giúp cung cấp và xây dựng những thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, ngon miệng và hỗ trợ công tác quản lý bữa ăn bán trú. Phần mềm được cung cấp hoàn toàn miễn phí trên website của Dự án: www.buaanhocduong.com.vn. Mỗi trường tiểu học bán trú đăng ký một tài khoản, để sử dụng đầy đủ các chức năng trong Phần mềm.


Bộ GDĐT cũng đã ban hành Công văn số 576/BGDĐT-CTHSSV ngày 16/02/2017, để hướng dẫn và lên kế hoạch Triển khai phần mềm “Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng” đến các Sở GDĐT trên cả nước.


Đồng thời, Bộ GDĐT chỉ đạo các trường sử dụng Áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” làm công cụ hỗ trợ cho nhà trường trong giáo dục kiến thức dinh dưỡng thực phẩm cho học sinh tiểu học, giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho các em.


Tiên phong triển khai Quyết định của Bộ GDĐT, sau khi Phần mềm được phê duyệt, Sở GDĐT tỉnh Lạng Sơn đã lên Kế hoạch 147/KH-SGDĐT ngày 24/01/2017 để triển khai Phần mềm cho các trường tiểu học bán trú. Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng ban hành Công văn số 415/GDĐT-HSSV ngày 15/02/2017 về việc Áp dụng phần mềm “Xây dựng Thực Đơn Cân bằng Dinh dưỡng” tại các đơn vị trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, một số tỉnh thành lớn trên cả nước cũng từng bước triển khai hoạt động này, cụ thể là các tỉnh Cao Bằng, Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng…



Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên - phát biểu tại Hội nghị phê duyệt phần mềm


'Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng'


Việt Nam hiện vẫn phải đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng: tình trạng suy dinh dưỡng (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi) còn phổ biến ở trẻ em khu vực nông thôn, trong khi đó tình trạng thừa cân béo phì ngày càng gia tăng ở người lớn và trẻ em thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn. Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở cả trẻ em khu vực nông thôn và thành phố.


Năm 2012, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã nghiên cứu và khởi xướng Dự án Bữa ăn học đường, với mục tiêu “Thực hiện trách nhiệm đóng góp cho giáo dục, nuôi dưỡng và đào tạo thế hệ tương lai của đất nước bằng các hoạt động cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe, góp phần nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho học sinh tiểu học”.



Sở Giáo Dục và Đạo Tạo tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị triển khai phần mềm 'Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng'



Với những ý nghĩa thiết thực cùng kết quả thành công bước đầu, Công ty Ajinomoto Việt Nam đề xuất với Bộ GDĐT kế hoạch nhân rộng Dự án thông qua phần mềm, với kỳ vọng phát triển dự án ra quy mô toàn quốc.






Ý KIẾN CHUYÊN GIA:


“Phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” thuộc dự án Bữa ăn học đường đã xây dựng được các bữa ăn hợp khẩu vị, bộ thực đơn đa dạng và phong phú về thực phẩm, phù hợp với từng vùng miền, thuận lợi cho các trường tiểu học có bán trú thực hiện. Chúng tôi đánh giá cao Công ty Ajinomoto Việt Nam đã cùng Bộ GDĐT và Bộ Y tế triển khai dự án, cũng như hỗ trợ hiệu quả hoạt động này”TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng.


“Các thực đơn được xây dựng từ phần mềm đảm bảo chất lượng bữa ăn, xây dựng thói quen ăn uống khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong học sinh và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ” PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia.




Nguồn do A.V.N cung cấp