Sau ngày cưới 1 tháng, chồng tôi lại phải vào chiến trường Củ chi, tôi ở nhà một mình tự chăm sóc cái thai đang dần lớn lên trong bụng. Khi tôi sinh con được 8 tháng thì chồng tôi mới về phép thăm nhà, con thì lạ hơi bố chẳng chịu theo còn tôi thì gạt dòng nước mắt vì vui sướng. Chín tháng mười ngày mang thai và tám tháng có con, tôi luôn phải sống trong sự dè bỉu của xóm giềng vì họ nghĩ rằng con tôi không phải là con của chồng tôi, có người còn ác miệng nói chắc gì chồng tôi đã về với mẹ con tôi. Tôi chẳng thanh minh lời nào cả chỉ biết chờ đợi chồng trở về vì chiến tranh mà, không ai biết được mình sẽ còn hay mất, tôi luôn sống bằng hy vọng và tôi đã không phải thất vọng vì chồng tôi đã trở về như một phép màu nhiệm.


Rồi cứ thế, chiến tranh vẫn đằng đẵng diễn ra và tôi thì cứ mỏi mắt mong những ngày phép ngắn ngủi của chồng. Thi thoảng tôi nhận được một lá thư thăm hỏi động viên của chồng tôi với những từ cứ lặp đi lặp lại hết lá thư này đến lá thư khác: sắp hết chiến tranh rồi, em và các con chịu khó một thời gian nữa, anh sẽ về bù đắp lại cho mẹ con em. Đọc những lời động viên đó, tôi như được bồi thêm lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng. Tôi lại làm việc hăng say và chăm chút cho con từng li từng tí. Khi tôi sinh con trai út cũng là khi chiến tranh đã kết thúc nhưng chồng tôi lại được phân công công tác trong Nam. Lực bất tòng tâm, chưa làm thế nào khác được, chúng tôi đành kẻ Bắc người Nam hai đầu nỗi nhớ. Tôi lại bắt đầu những tháng ngày vất vả một mình vò võ nuôi ba đứa con, đứa lớn lúc đó mới năm tuổi, đứa thứ hai được ba tuổi và đứa út mới sinh. Người nhà thì chẳng ở gần vì tôi đi công nhân cách nhà gần 40km, tôi chỉ biết trông cậy vào đồng nghiệp khi trái gió trở trời các con bị ốm. Có đêm, con trai bị sốt cao, co hết cả chân cả tay, chẳng biết làm thế nào đành khoá cửa hai đứa lớn ngủ trong nhà, sang gọi cửa chị hàng xóm nhờ chồng chị ấy đưa hai mẹ con đi viện. Lạy trời, con tôi cũng qua khỏi.


Thời đó ti vi cũng hiếm lắm, có khi cả khu tập thể mới có mấy nhà có cái ti vi đen trắng thôi nên mấy mẹ con cũng toàn phải đi xem nhờ. Đứa lớn thì hay nhớ bố nhất vì nó lớn hơn hai em, nó hay hỏi tôi về bố, tôi chẳng biết nói thế nào cho con hiểu nên luôn chỉ vào biên tập viên nam trên vi ti và nói rằng bố đấy, con thích quá nên tối nào ăn cơm xong cũng đòi sang nhà hàng xóm để được gặp bố trên ti vi. Mỗi khi nhìn thấy biên tập viên ấy xuất hiện là con tôi lại reo lên: “Bố cháu đấy, bố cháu đấy”, tôi nghe mà thắt hết cả ruột gan.


Ngày ấy, tôi còn phải đi làm ca nữa chứ. Với những gia đình có cả hai vợ chồng thì còn đỡ đằng này có mỗi mình tôi xoay sở, các con của tôi thì đi nhà trẻ hết. Hôm nào tôi làm ca sáng thì không sao, hôm nào tôi làm ca chiều là y như rằng các con sẽ đỏ mắt vì khóc nhớ mẹ. Có hôm trời mưa rét, còn mỗi ba chị em ở nhà trẻ, bác giữ trẻ đành đưa cả ba đứa về nhà bác. 11 giờ đêm tôi đi làm về ra đón các con, điện thì không có, trời thì mưa, sờ hết cửa lớp này đến cửa lớp khác đều thấy khoá, nước mắt tôi nhạt nhoà cùng nước mưa, chân bước thấp bước cao trong ánh sáng loé lên từ tia chớp, tôi đi gõ cửa từng nhà người bạn thân trong tập thể xem có ai đón con mình về không. Khi tìm được các con, đứa bồng đứa bế về đến nhà cũng đã quá nửa đêm, nhẹ nhàng cho các con đi ngủ tôi lại một mình dò dẫm đi giặt một chậu quần áo về hong qụat cho khô để ngày mai có quần áo cho con mặc. Hôm sau lại vào ca sáng, một ngày mới của tôi lại bắt đầu từ 4h30 sáng với những tất bật lo toan. Cực nhọc như thế nhưng vì chồng, vì các con tôi vẫn cố gắng chịu đựng và sau đó vài năm thì chồng tôi được chuyển về gần mẹ con tôi.


Giờ đây, nhìn các con khôn lớn trưởng thành, tôi thấy mình rất đáng tự hào vì những gì mình đã trải qua, những gì mà chồng tôi đã đóng góp cho cuộc sống tươi đẹp này.




TS: Con xin ghi lại những hồi ức mà mẹ hay kể cho chúng con nghe về bố khi còn là bộ đội, về gia đình, về chiến tranh để dành tặng bố mẹ như một món quà làm kỷ niệm. Con chúc bố mẹ luôn mạnh khoẻ và mãi hạnh phúc! Chúng con rất yêu bố mẹ!