Mẹ thường băn khoăn, làm thế nào để con hiểu giá trị đích thực của đồng tiền và cách sử dụng tiền hợp lý, nên dạy con vào thời điểm nào thì thích hợp. Người Việt Nam mình vẫn quan niệm rằng không nên cho trẻ tiếp xúc với tiền sớm, trẻ sẽ dễ sinh hư. Chính vì vậy mà một số người bạn của mẹ, đến thời sinh viên vẫn chưa biết tiêu tiền, và đến khi lấy chồng rồi, lĩnh lương xong chỉ tiêu vèo trong 10 hoặc 15 hôm là hết.


Mẹ đọc một số cuốn sách, thấy các ông bố, bà mẹ ở phương Tây cho con tiêu tiền từ rất sớm, với mục đích tập cho trẻ phương pháp quản lý, sử dụng và cách tiết kiệm tiền. Thực tế cho thấy các bạn phương Tây biết tự lập rất sớm, các bạn ấy biết quý trọng đồng tiền và am hiểu giá trị của sức lao động. Vậy nên, mẹ quyết định học hỏi và áp dụng với con.


Khi con biết đếm, biết phân biệt đâu là tiền, đâu là giấy thì bài học đầu tiên mẹ dạy cho con là “Con không được cho tiền vào mồm, cũng không được vò nát tiền”.


Khi con gần 2 tuổi, con biết đếm, mẹ dạy con phân biệt các loại tiền và giá trị sức lao động để có được tiền. Mẹ vẫn dạy con rằng tiền không phải là thức ăn, không phải là thứ con có thể bỏ vào mồm hay vò nát, nhưng tiền có thể mua được thức ăn cho cả nhà, mua được đồ chơi cho con, quần áo đẹp cho con mặc, dày dép để con đi, mua sách vở, đóng tiền học để con được đến trường…. Nhưng để có được đồng tiền không phải dễ. Ngày nào bố mẹ cũng phải dậy từ sáng sớm, đi làm đến tận tối mịt mới về thì mới có đủ tiền tiêu trong tháng. Hôm nào bố mẹ không khỏe hoặc con ốm, bố mẹ phải nghỉ việc ở nhà thì sẽ không có lương, cuộc sống sẽ khó khăn hơn.


Con lên 3 tuổi, cứ mỗi cuối tuần, mẹ thường cho con đi chợ cùng mẹ, để con xem mẹ sử dụng tiền như thế nào. Mẹ giải thích cho con biết rằng mẹ không có nhiều tiền, không có đủ để mua tất cả những gì mẹ thích. Mẹ cho con biết tại sao mẹ mua thứ này mà không mua thứ kia, tại sao mẹ mua chừng này mà không mua nhiều hơn, thức ăn này thì cần phải nấu cùng với loại rau thơm nào… Vậy là, ngoài ý thức về tiền bạc, con còn học thêm được cách phối hợp các loại thức ăn và gia vị.


Khi con lên 4 tuổi, mẹ cho phép con được làm quen với việc sử dụng tiền. Thứ 7 hàng tuần, mẹ được nghỉ làm, hai mẹ con cùng nhau dạo phố. Công việc đầu tiên là tổng kết xem tuần vừa qua con có xuất sắc không. Nếu con ngoan (theo đánh giá của mẹ), mẹ sẽ thưởng cho con 30,000 đồng để con sử dụng. Hai mẹ con cùng lập kế hoạch chi tiêu.



Ăn kem, ăn sữa chua.


Mua đồ chơi.


Mua sách, bút màu, tranh cát…


Đi chơi đu quay ở nhà văn hóa.


……


Con chỉ được phép chọn một hoặc hai trong số các danh mục nêu trên, bởi vì quỹ tiền mặt của con có hạn. Dĩ nhiên mẹ sẽ cầm tiền hộ con, nhưng con lựa chọn mua cái gì thì mẹ sẽ đưa tiền để con trả cho người bán hàng. Con chỉ được phép lựa chọn những thứ bằng hoặc rẻ hơn số tiền con có, không được phép tiêu nhiều hơn. Kể cả mua đồ chơi, con cũng chỉ được chọn những loại rẻ tiền như bóng bay, hộp bút màu, tranh cát… Vì thế, con sẽ phải suy nghĩ, cân nhắc và lựa chọn thứ nào mà con thích nhất nhưng cũng phù hợp với túi tiền của con nhất. Nếu con tiêu ít hơn, hoặc hôm nào trời mưa, hay vì bất kể lý do gì đó mà con không tiêu đến số tiền con có, số tiền còn lại sẽ được bù vào tài khoản của con cho tuần kế tiếp.


Một hôm, con thích bộ đồ chơi xếp hình trị giá 75,000 đồng. Con năn nỉ mẹ mua cho con, nhưng mẹ nhất quyết từ chối vì 2 lý do:


-Quỹ tiền mặt của con không đủ. Nếu con cần mà mẹ cứ cho con thoải mái, con sẽ không biết đến thiếu thốn và không biết quý giá trị của đồng tiền.


-Mẹ không thích đồ chơi Trung Quốc.


Mẹ yêu cầu con, hoặc là chọn món đồ chơi khác (mẹ chỉ cho con một loạt đồ chơi có giá thấp hơn số tiền con có), hoặc là con sẽ phải nhịn chi tiêu trong tuần này, tuần sau, thậm chí là tuần sau nữa… để dành bao giờ đủ tiền để mua một bộ đồ chơi “made in Vietnam” thì mẹ con mình sẽ cùng đi mua. Nếu con ngoan, con làm được việc gì đó xuất sắc như sáng dậy sớm, mẹ không phải gọi, tối đi ngủ đúng giờ, biết quét nhà, nhặt rau giúp mẹ… thì mẹ sẽ thưởng bằng cách nhân đôi số tiền con có. Như thế, con sẽ mua được món đồ chơi con thích nhanh chóng hơn. Nếu con đồng ý thì coi như kế hoạch của hai mẹ con mình đã được xác lập.


Và bây giờ, con còn có thêm một con lợn đất – con mua được bằng tiền tiết kiệm của con. Mẹ quyết định cho con số tiền hàng tuần nhiều gấp đôi, một nửa “để con cho em Heo ăn kẻo em đói lắm rồi” và nửa còn lại dành cho chương trình dạo chơi cuối tuần của hai mẹ con. Thỉnh thoảng, mẹ “bí mật” nhét thêm tiền vào lợn đất. Bởi vì mục tiêu của mẹ con mình là đầu năm học mới, con sẽ đập lợn đất, mua quần áo, giầy dép mới, mua sách vở, đóng tiền học cho con. Con sẽ để dành một phần nhỏ để mua quà tặng cho các bạn nghèo cùng lớp, những món quà nhỏ, nhưng mẹ tin các bạn sẽ vui.


Chương trình của mẹ con mình còn dài lắm bé yêu ạ. Mẹ hi vọng rằng con sẽ không đi chệch những gì mẹ đã, đang và sẽ định hướng cho con.