Ngày xưa, Tết là khi đến ngày sơ kết học kì một, anh em tôi cầm về những tờ giấy khen còn thơm mùi giấy. Chúng sẽ được dùng để trang hoàng cho căn nhà cũ kỹ bằng cách dán chúng lên tường. Căn nhà tập thể cũ trên tầng 5 khu E2 Thành Công với bốn bức tường còn loang lổ những mảng sơn còn dang dở sẽ trở thành bảng thành tích của cả hai anh em tôi. Đó là niềm hân hoan không chỉ giành tặng bố mẹ đầu năm, mà còn là sự tự hào, là thứ duy nhất bố mẹ chúng tôi có thể “khoe” với bạn bè, hàng xóm láng giềng.


Tết là khi ngửi thấy mùi hương thơm ngào ngạt mẹ thắp từ chiều 30 tết. Thứ hương ấy đã ăn sâu vào tiềm thức tôi, khơi dậy trong tôi về những gì gọi là hạnh phúc, sum vầy, những gì gọi là cơ cực đã đi qua. Đối với gia đình tôi hương để thắp trên bàn thờ tổ tiên, ông bà trong những ngày tết luôn được chọn rất kĩ, phải là hương quế hoặc trầm hương do chính tay mẹ tôi mua từ những người buôn hương đất bắc gốc, thứ hương mà bà ngoại tôi đã từng đi buôn ngày xưa mà nếu tôi không nhầm thì đây cũng chính là một trong những mặt hàng bị cấm. Thứ hương thơm dịu mùi trầm mà tôi thường bảo mẹ “chỉ cần ngửi thấy mùi hương là con đã thấy tết rồi”. Và nhà dù nghèo khó đến đâu mẹ tôi cũng phải mua cho được vài bó hương ấy để thắp 3 ngày tết.


Nhớ những ngày cơ cực, tết bố tôi vẫn phải đi trực bảo vệ, ba mẹ con ở nhà hì hục làm cơm canh cúng ông bà rồi chìm vào giấc ngủ ( nói là làm giúp mẹ nhưng thực ra anh em tôi chỉ giúp mẹ những thứ lặt vặt mẹ bảo còn đâu mẹ tôi vẫn là chính), để rồi sáng sớm giật mình dậy khi ngửi thấy mùi hương lan tỏa khắp nhà. Khi ấy cũng là lúc bố đi làm về và bố cũng thường là người xông đất cho gia đình.


Tết là khi nhìn bánh pháo bố mua. Đêm 30 lúc đón giao thừa, nhà nhà tiếng pháo đì đùng báo hiệu một năm mới đã sang và cũng là lúc anh trai tôi cũng được bố mẹ giao nhiệm vụ châm ngòi cho pháo nổ. Sáng mồng một hai anh em tranh thủ dậy thật sớm chạy ra cửa tìm trong đống xác pháo những quả pháo chưa nổ về tự đốt. Có khi còn chạy cả sang nhà hàng xóm, tranh nhau nhặt pháo và rồi còn đốt cả loại pháo bay vụt lên trời. Mùi khét của thuốc pháo sao mà thơm mà ngây ngất đến lạ.


Tết là khi được nhón chút đậu xanh khi anh em tôi ngồi xem bố gói bánh chưng, nghe bố chỉ cách gói mà tâm trí cứ để vào đâu vì lúc đó anh em tôi vẫn còn độ tuổi mải chơi, xem chiếc bánh nào bố gói nhiều đậu nhiều thịt, chiếc bánh ấy sẽ được đánh dấu bằng cách buộc thêm một sợi lạt rồi lại để ý xem chiếc bánh con con bố sẽ gói riêng cho mình để được nhấm nháp trước mà thấy bồi hồi lạ thường. Rồi tối ngồi canh nồi bánh chưng bên anh, bên mẹ, nhìn những sợi khói nghi ngút bốc ra từ nổi bánh, hít hà đầy vẻ thèm thuồng.


Tết là khi được anh tôi được mẹ mặc cho bộ quần áo mới còn tôi thì được mẹ mặc cho bộ quần áo màu xanh hoa còn thơm mùi vải, bên ngoài mẹ khoác cho một chiếc áo bông trắng mặc dù vá chùm vá đụp bên trong nhưng sao lúc đó tâm trạng vẫn phấn khởi đến thế. Đôi bàn tay cứ mân mê, ra ngắm vào ngắm bộ quần áo đang mặc mà không biết chán. Một chút gì tưởng như rất nhỏ nhoi nhưng lại rất đáng được trân trọng, nâng niu và giữ gìn lúc bấy giờ. Nghĩ lại vẫn thèm có cảm giác đó làm sao!


Bây giờ, những điều ấy ít nhiều đã mất đi, giờ thì tôi không còn được ngửi mùi thuốc pháo, không còn được phết hồ lên tờ giấy khen rồi dán lên bức tường còn loang lổ những mảng sơn còn dang dở, không còn được mặc bộ áo mới mà mẹ sắm cho mặc dù vẫn còn những mảng vá nhưng thắm đượm tình yêu thương của người mẹ dành cho những đứa con,….


Tôi đã trưởng thành từ những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng nó đã giúp tôi rất nhiều sau này. Cuộc sống giờ bận rộn những lo toan, nhưng tôi vẫn dành thời gian cho gia đình vào những ngày Tết vì cả năm đó là dịp duy nhất gia đình sum họp đầy đủ, đó là lúc tôi được chăm chút từng li từng tí cho gia đình nhỏ bé của mình, từ cách trang trí nhà cửa tới từng bữa ăn, cái mặc cho gia đình của mình một cách tươm tất nhất.


Giờ tôi và anh tôi đều là những người có gia đình, vào những dịp Tết cổ truyền anh em tôi vẫn thường kéo cả gia đình về nhà ông bà ăn Tết vì đây cũng là dịp để ông bà, các con và các cháu được sum vầy quanh mâm cơm ôn lại những kỷ niệm cũ trong căn nhà ấm cúng tràn ngập niềm vui và sắc xuân.


Tết bây giờ đơn giản hơn ngày xưa cũng một phần do cuộc sống gấp gáp ngày nay nhưng không khí xuân mỗi khi Tết về vẫn tràn ngập đất trời, từng khu phố và mỗi căn nhà đó là khi được ngắm nhìn những cây đào, cây quất, đó là khi được ngửi mùi thơm tỏa ra từ chiếc bánh chưng, đó là khi được thắp và ngửi mùi hương của những nén hương trầm trên bàn thờ tổ tiên và cũng là khi được ngửi những mùi thơm tho trên từng thớ vải của những bộ áo mới của cả gia đình. Chỉ cần nghĩ đến tất cả những hương vị này thì dù ở đâu, dù cuộc sống có gấp gáp đến mấy thì ai ai cũng muốn trở về sum họp bên mái ấm gia đình vào những ngày Tết.